Kì nghỉ và sự thông thái

Tôi rùng mình trước thống kê về số người thiệt mạng bởi tai nạn giao thông trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua. Gần 24 người mỗi ngày. Nghĩa là, trung bình, mỗi tiếng đồng hồ, có một người nào đó nằm lại và mãi mãi không đứng dậy. Trên một cung đường, cho một kì nghỉ mà lẽ ra chỉ có niềm vui và những tấm ảnh đẹp.

Ảnh minh họa

Từ rất lâu rồi, những kì nghỉ hoặc trở thành niềm vui cho rất nhiều người hoặc trở thành nỗi buồn, nỗi ám ảnh cho người khác, khi mà sự bực dọc và thất vọng che lấp hết những kì vọng.

Sự thất vọng ấy có thể đến từ việc họ bị lèn trên những con đường hoặc bờ biển đông đặc người, bị đối xử như những Thượng đế ngu ngốc bởi một hệ thống dịch vụ yếu kém (nhưng rất giỏi làm phiền khách).

Để rồi, trên tất cả, họ rơi vào tình trạng chán nản bởi sự thiếu văn minh.

Rất nhiều người kêu ca về nhiều thứ xảy ra khiến bản thân họ không thể nào giải quyết được. Bất chấp, theo thời gian, các nhu cầu về du lịch, các ngân sách dành cho các kì nghỉ lễ và lối sống của từng người đã dần sàng lọc và tạo ra các hướng du lịch, nghỉ lễ khác nhau, phù hợp với những loại hình dịch vụ khác nhau.

Nhưng phần đông rất ít lựa chọn và tiếp tục phải chấp nhận những hoàn cảnh chẳng vui vẻ gì trong những chuyến đi, năm này qua năm khác và ít có hy vọng vào một sự thay đổi nào đó.

Dù rõ ràng là theo năm tháng, các cơ sở vật chất đã tốt hơn, các dịch vụ đã nhiều hơn và thông tin du lịch cũng dày đặc hơn. Từ vé máy bay cho tới chuyện đặt phòng, các đại lý cũng đã phát triển theo xu hướng đặt chỗ trước để rẻ hơn và thuận tiện hơn cho du khách.

Lâu nay, chúng ta hay nói đến cụm từ “người tiêu dùng thông thái”. Vậy, người tiêu dùng thông thái thường làm như thế nào trước những dịp nghỉ lễ?

Có người ở nhà trong những kì nghỉ lễ và chỉ đi sau khi cao điểm đã qua .Có nhiều người đã lên các kế hoạch và lộ trình cũng như ngân sách cho các chuyến đi từ nhiều tháng trước đó. Và thậm chí cũng có không ít người lập những tài khoản riêng chỉ để phục vụ cho các chuyến đi dài.

Rồi số đông người tiêu dùng chúng ta cũng phải dần quen với việc lên kế hoạch cho các chuyến đi trong cả năm. Kế đó, chúng ta dần hình thành những thói quen tốt khác cho các kì nghỉ dù dài hay ngắn: giảm rượu bia và nhậu nhẹt trong các chuyến đi; kiểm tra thông tin kĩ càng hơn để tránh những rắc rối một khi đã biết trước sẽ có nguy cơ tắc đường hoặc bãi tắm quá đông; đi lại cẩn thận hơn để cố gắng hạn chế những nguy cơ rủi ro có thể đến với mình.

Đã hình thành, nhưng những thói quen cần có ấy chắc chắc phải một thời gian nữa mới đi vào quỹ đạo.

Ngay cả, việc làm thế nào đó để tạo điều kiện cho người dân đi nghỉ thoải mái và an toàn cũng là một vấn đề không đơn giản đối với  những người có chức trách quản lý. Cho dù, thực ra, việc tạo ra một cơ chế thông tin minh bạch và công bằng liên quan đến các dịch vụ cho các kì nghỉ không hẳn là điều quá khó khăn, cả với phía quản lý và giới truyền thông.

Có sự minh bạch ấy, người tiêu dùng sẽ  trở nên thông thái vì có nhiều lựa chọn - chứ không phải là thông thái hơn sau không ít lần rơi vào biết bao tình huống bức xúc, thất vọng, dở khóc dở cười trong những kì nghỉ mà như hành xác vì lỗi của chính họ lẫn từ phía cung cấp dịch vụ.

Đừng để kì nghỉ nào cũng là một nỗi khổ sở cho không ít người, để rồi chúng ta vẫn cứ phải mơ về những bãi biển sạch đẹp, những con đường an toàn và đi lại văn minh trong dịp ấy.

Anh Ngọc/ Thể thao & Văn hóa

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.