Sau khi chương trình VTV24 phát sóng, sự việc gian lận, bớt xén que thử đối với xét nghiệm HIV và viêm gan B xảy ra tại Bệnh viện Xanh Pôn - bệnh viện hạng 1 thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội đã khiến người dân thực sự hoang mang.
Một bộ test nhanh thay vì chỉ được sử dụng cho một mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân như nhà sản xuất hướng dẫn thì các kỹ thuật viên Khoa Vi sinh (Bệnh viện Xanh Pôn) đã “tiết kiệm” cắt đôi mẫu thử để sử dụng cho hai mẫu bệnh phẩm. Nhiều cán bộ làm chuyên môn trong lĩnh vực này cho biết, việc chia bộ test xét nghiệm làm đôi là trái qui định và phi đạo đức. Việc làm đó hoàn toàn có thể dẫn đến sai lệch kết quả xét nghiệm do liều lượng test không đủ đáp ứng liều phát hiện, gây sai số, âm tính giả hoặc dương tính giả. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng khi, thay vì mỗi mẫu máu phải được xét nghiệm riêng biệt thì các kỹ thuật viên Khoa Vi sinh lại đem trộn 4 mẫu máu trong một giếng chứa hóa chất. Nếu 4 mẫu máu này có kết quả ra âm tính sẽ là kết quả chung cho cả 4 bệnh nhân, còn nếu dương tính sẽ yêu cầu cả 4 bệnh nhân xét nghiệm lại.
Là 1 trong 4 bệnh viện hạng 1 của Hà Nội, qui mô 600 giường bệnh, 45 khoa phòng, mỗi năm tiếp nhận khám ngoại trú cho 600.000 lượt bệnh nhân và điều trị cho 45.000 người. Dư luận đặt ra, vậy trong số 600.000 lượt bệnh nhân khám ngoại trú thì có bao nhiêu người làm xét nghiệm HIV và viêm gan B? Có bao nhiêu người được làm xét nghiệm HIV và viêm gan B chỉ với 1 nửa que thử? Bao nhiêu kết quả âm tính giả, dương tính giả đã được trả cho bệnh nhân?
Được biết, hiện Ban Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn đã ra quyết định đình chỉ đối với 3 cán bộ liên quan và tiến hành rà soát các bộ phận liên quan. Tuy nhiên, sau vụ việc này, lòng tin của người dân đối với bệnh viện thì không dễ gì lấy lại được, nó giống như “một bát nước đầy”, chỉ vì lòng tham mà một số “lương y” đã cố tình hắt đổ đi.
Đây không phải là một sự việc tiêu cực hi hữu của ngành y, mà trước đó, qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông thời gian qua cho thấy, đã có khá nhiều vụ việc liên quan đến ngành y gây bức xúc dư luận, điển hình như vụ: Sản xuất thuốc ung thư giả của Công ty VN Pharma, vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) để chiếm đoạt tiền từ quĩ BHYT hay vụ 5 cán bộ y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam trục lợi tiền chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân để chia chác… Ai sai sẽ bị pháp luật xử lý, nhiều mức án cũng đã được tuyên nhưng vấn đề đặt ra ở đây, liệu còn những “lỗ hổng” nào trong công tác đào tạo, tuyển chọn cán bộ ngành y đến khâu quản lý vật tư trang thiết bị y tế chưa được “lấp đầy”. Gian lận là một hành vi nguy hiểm, đáng lên án cả về khía cạnh pháp luật và đạo đức, hành vi đó càng đáng lên án hơn khi nó xảy ra trong ngành y tế, nơi gian dối có thể để lại những “hậu quả” hết sức khó lường. Do đó, hành vi đó cần phải bị nghiêm trị nhằm răn đe không để tái diễn.
Minh Thu
Minh Thu