Bài học về ứng phó với sự cố môi trường

Vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tại Hà Nội ngày 28/8 vừa qua gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, đặc biệt là việc phát tán thủy ngân ra môi trường.

Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Dân trí

Mặc dù vụ cháy đã xảy ra gần 20 ngày, nhưng thông tin về mức độ ô nhiễm, nhất là nồng độ thủy ngân phát tán ra môi trường xung quanh vẫn làm người dân hết sức hoang mang, lo lắng!
Không hoang mang sao được trước thông báo cảnh báo đưa ra còn thiếu nhất quán và những con số chính thức về lượng thuỷ ngân và một số hoá chất độc hại khác phát tán ra môi trường cứ thay đổi liên tục. Trong lúc doanh nghiệp và cơ quan chức năng chưa cung cấp đủ thông tin, thậm chí thông tin còn thiếu “độ” tin cậy thì người dân đã phải tự bảo vệ theo cách riêng của mình: Nhiều gia đình đã đóng cửa dời đi ở chỗ khác; có người tìm đến các bệnh viện để khám, xét nghiệm, vì cảm thấy người có biểu hiện lạ; có người rao bán nhà, người cho con nghỉ học...

Sự việc cho thấy kỹ năng ứng phó với sự cố gây ô nhiễm môi trường, trước hết là của Công ty Rạng Đông còn rất hạn chế. Những thông tin ban đầu của công ty là thiếu chính xác. Vài ngày sau, bằng nghiệp vụ của ngành chức năng, Công ty Rạng Đông đã phải thừa nhận lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường cao hơn nhiều so với con số thông báo ban đầu, tác động xấu đến sức khoẻ con người và môi trường xung quanh. Cũng bởi thế nên khi đám cháy xảy ra, lực lượng chữa cháy vẫn xuống hiện trường tiếp cận như những vụ cháy thông thường; công nhân của doanh nghiệp tiếp tục làm việc sau vụ cháy chỉ 1 – 2 ngày; và cũng mấy ngày sau nơi xảy ra sự cố mới được che chắn??? Và cũng phải gần 20 ngày sau, doanh nghiệp mới đưa ra lời xin lỗi với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Ngoài ra, việc triển khai các giải pháp ứng phó với sự cố của doanh nghiệp, ngành chức năng cũng bộc lộ sự lúng túng, thiếu sự đồng bộ.

Luật Bảo vệ môi trường quy định rất cụ thể trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương. Theo đó, tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn, huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố. Đây được xem là một bài học lớn về việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như kỹ năng ứng phó với sự cố môi trường của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc ban bố thông tin và xử lý ở mức đúng tầm của sự cố môi trường, sự cố hóa chất.

Thanh Bình

Tiến Đoàn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.