Tổng thống Putin tiết lộ lý do Nga cắt giảm chi tiêu quốc phòng

Nga là một trong số ít các cường quốc quân sự thực sự cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong một vài năm trở lại đây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Shergei Shoigu trong cuộc họp tại Bộ Quốc phòng ngày 11/3/2016. Ảnh: Sputnik

Đài Sputnik dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin cho biết quyết định cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Nga xuất phát từ lý do quốc gia này đã vượt qua “đỉnh cao hiện đại hóa”,  cho phép chính quyền chi tiêu ít hơn nhưng vẫn duy trì năng lực phòng thủ.

“Việc cắt giảm chi tiêu không có nghĩa là chúng tôi đang để vấn đề này sang một bên, mà do các sáng kiến chính liên quan đến nhu cầu tăng cường an ninh quốc gia và liên quan đến nhu cầu đảm bảo đổi mới thiết bị, khí tài quân sự, chúng tôi đều vượt qua đỉnh cao trong lĩnh vực này”, nhà lãnh đạo Nga phát biểu trong một cuộc họp chính phủ ngày 11/11.

Tổng thống Putin nhấn mạnh các tổ hợp công nghiệp-quân sự nước này sẽ cần tiếp tục nỗ lực để tạo ra các thiết bị công nghệ cao mang tính cạnh tranh. Ông Putin đã chỉ đạo chính phủ chuẩn bị các kế hoạch “rõ ràng và dễ hiểu”, bao gồm việc thực hiện dự án quốc gia của các doanh nghiệp quốc phòng, một loạt sáng kiến của chính phủ nhằm cải thiện các lĩnh vực khác nhau của kinh tế, khoa học và phát triển con người tại Nga, báo cáo về các quyết định pháp lý hoặc tổ chức cần thiết có thể giúp ngành công nghiệp quốc phòng.

“Việc cần thiết nhất bây giờ là đảm bảo sử dụng nguồn ngân sách mua máy móc và thiết bị một cách chặt chẽ, có chủ đích. Tôi muốn nhấn mạnh chúng ta phải hoàn toàn minh bạch trong vấn đề này. Dòng chảy ngân sách nên được theo dõi khi đi qua mỗi cấp chính quyền”, ông chủ Điện Kremlin cho hay.

Trong tháng 10, phát biểu trước các phóng viên, Tổng thống Putin khẳng định Moskva sẽ không bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ. Ngay cả khi Nga chỉ dành 48 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và đứng thứ 7 trên thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Anh, Pháp và Nhật Bản), thì Nga vẫn không hề thua kém về năng lực quân sự vì các kỹ sư và chuyên gia quốc phòng Nga đã nỗ lực tập trung nghiên cứu những lĩnh vực ưu tiên. “Một cuộc chạy đua vũ trang là điều tồi tệ, và nó cũng không tốt đẹp đối với thế giới. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ không bị kéo theo vào trò chơi chi tiêu quốc phòng”.

Đầu năm nay, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm tính toán Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chi hơn 1.000 tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2018, với 7 thành viên của liên minh lọt vào danh sách 15 quốc gia đứng đầu về tổng chi tiêu quốc phòng. Hồi tháng 10, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khuyến cáo các thành viên liên minh cần tăng ngân sách quốc phòng, với chi tiêu dự kiến năm 2020 bổ sung thêm 100 tỷ USD.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump nhiều lần gây sức ép đối với tất cả thành viên NATO, yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng lên mức tối thiểu 2% GDP. Trong khi đó, giới lập pháp Mỹ đã phê duyệt đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng năm nay của nước này lên 686 tỷ USD, từ mức 667,6 tỷ USD của năm ngoái. 

Chính quyền Washington cũng tiếp tục chương trình nâng cấp lực lượng hạt nhân Mỹ kéo dài 30 năm với tổng chi phí lên tới 1.000 tỷ USD, đồng thời giám sát hoạt động tăng cường triển khai, diễn tập của NATO dọc biên giới Nga.

Theo baotintuc

Quyết Thành

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.