Số ca mắc Covid-19 toàn cầu vượt mốc 45 triệu người

Tính đến 6h ngày 30-10, toàn thế giới có 45.292.858 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.185.502 trường hợp tử vong và 32.941.259 bệnh nhân đã hồi phục.

Số ca mắc Covid19 toàn cầu vượt mốc 45 triệu người
Phòng thí nghiệm của Đại học Y khoa Miami Miller (Mỹ) xử lý mẫu máu từ các tình nguyện viên tham gia quá trình nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19. Ảnh: AP

Châu Mỹ

Ngày 29-10, Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, đồng thời là bác sĩ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm cảnh báo dịch Covid-19 đang lan rộng tại một số khu vực ở nước này, gồm cả những bang sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 3-11 tới. Trong khi đó, các bệnh viện trên cả nước đang rơi vào tình trạng quá tải. Chuyên gia này hối thúc chính phủ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát tình hình. 

Tiến sĩ A.Fauci cũng cho biết, nếu mọi việc tiến triển tốt, những liều đầu tiên của một loại vắc xin ngừa Covid-19 an toàn và hiệu quả có thể được cung cấp cho một số người có nguy cơ cao nhiễm bệnh tại Mỹ vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1-2021.

Một dự báo tổng hợp do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 29-10 nhận định, sẽ có từ 243.000 đến 256.000 ca tử vong do Covid-19 ở nước này tính đến ngày 21-11 tới. Mỹ đã có hơn 9 triệu người mắc Covid-19 và hơn 230.000 bệnh nhân tử vong, đứng đầu thế giới về cả 2 con số này. 

Châu Âu

Anh đang tiến gần tới mốc 1 triệu ca bệnh khi nước này đã có hơn 965.000 trường hợp mắc Covid-19 và số ca dương tính vẫn tiếp tục tăng thêm hàng chục nghìn trường hợp mỗi ngày.

Ngày 29-10, phát biểu tại Hạ viện Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã kêu gọi người dân nước này ủng hộ các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19 của chính phủ và khẳng định sẽ có biện pháp mạnh tay với những người không tuân thủ. Trước đó, do tình hình đại dịch diễn biến phức tạp và nguy cơ quá tải tại các cơ sở y tế, Đức đã quyết định phong tỏa đất nước trong 1 tháng, kể từ ngày 2-11.

Kể từ nửa đêm 29-10, Pháp tiếp tục bước vào đợt phong tỏa mới nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Các nhà hàng, quán bar và doanh nghiệp không kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phải đóng cửa ít nhất đến đầu tháng 12, các công ty được khuyến khích cho nhân viên làm việc ở nhà, còn các trường học vẫn mở cửa nhưng học sinh trên 6 tuổi phải đeo khẩu trang trong lớp.

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã phải tự cách ly và làm việc từ xa sau khi một thư ký của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trước đó, Thủ tướng Boyko Borissov của nước này cũng đã phải tự cách ly vì mắc Covid-19.

Ngày 29-10, vùng Catalonia của Tây Ban Nha đã thông báo cấm ra vào khu vực này trong vòng 15 ngày nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch. Chính quyền địa phương cũng gia hạn việc đóng cửa các quán bar và nhà hàng thêm 15 ngày. Catalonia hiện là một trong những điểm nóng về dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha.

Ngày 29-10, Thụy Điển ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 trong ngày cao kỷ lục, khi có thêm 2.820 trường hợp dương tính. Hiện, nước này đã ghi nhận hơn 121.000 ca nhiễm và gần 6.000 bệnh nhân tử vong.

Cùng ngày, phát biểu tại một diễn đàn đầu tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, chưa có kế hoạch áp đặt biện pháp phong tỏa trên toàn quốc dù nước này vừa ghi nhận số ca mắc và tử vong do Covid-19 tăng ở mức kỷ lục trong ngày. Nga hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ tư thế giới với gần 1,6 triệu trường hợp.

Châu Á

Ngày 29-10, Bộ Y tế Iran xác nhận thêm 8.293 ca mắc mới Covid-19 trong ngày, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Số ca tử vong cũng tăng thêm 399 người trong vòng 24 giờ. Hiện, Iran đã ghi nhận 596.941 trường hợp nhiễm bệnh và 34.113 bệnh nhân tử vong.

Ngày 29-10, lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại các vùng đô thị lớn cùng hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch bệnh mới đã bắt đầu có hiệu lực tại Pakistan, vào thời điểm nước này kỷ niệm ngày sinh của nhà tiên tri Muhammad và ước tính có hàng nghìn người đổ ra đường.

Châu Phi

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, các nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) đã ghi nhận xấp xỉ 1,7 triệu ca mắc Covid-19, chiếm gần 4% tổng số ca bệnh trên phạm vi toàn cầu. Những quốc gia có số ca dương tính cao nhất khu vực là Nam Phi, Ai Cập, Morocco, Ethiopia, Nigeria.

Trước đó, châu lục này đã kiểm soát dịch tương đối tốt khi số ca nhiễm giảm dần sau đỉnh dịch vào tháng 7, một phần nhờ các biện pháp phong tỏa được áp dụng quyết liệt. Tuy nhiên, xu hướng này bắt đầu chững lại. Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho rằng, đây chính là thời điểm cần sẵn sàng chuẩn bị để ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai.

HNM

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.