Iran tiến gần hơn tới việc gia nhập SCO

Quốc hội Iran đã thông qua các văn kiện gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Iran tiến gần hơn tới việc gia nhập SCO
Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 16/9/2022. Ảnh: Sputnik 

Quốc hội Iran đã thông qua hàng chục nghị định thư về việc nước này gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một khối an ninh và kinh tế Á-Âu gồm 8 thành viên, trong đó có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, cùng các nước khác.

Theo kênh truyền hình RT, hồi tháng 9, Tehran đã ký bản ghi nhớ gia nhập tổ chức. Các quan chức cũng nhấn mạnh quá trình này sẽ được hoàn thiện vào năm tới.

Ngày 27/1, các nhà lập pháp Iran đã thông qua các văn kiện liên quan đến các vấn đề như kiểm soát hải quan và chống khủng bố, cũng như các cuộc tập trận quân sự chung.

Abolfazl Amouei, người phát ngôn của Ủy ban an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của quốc hội Iran, cho biết việc phê duyệt các văn kiện gia nhập SCO truyền tải thông điệp về chủ nghĩa đa phương của Iran trong quan hệ đối ngoại. Ông tuyên bố SCO đóng vai trò quan trọng trong việc phản ứng trước áp các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Bày tỏ trên Twitter sau khi quốc hội hoàn tất bỏ phiếu, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian viết cuộc bỏ phiếu cho thấy quyết tâm và sự nghiêm túc của đất nước Iran trong việc phát triển hợp tác kinh tế, khu vực và quốc tế cũng như củng cố tầm nhìn hướng tới châu Á. Nhà chức trách nói thêm chủ nghĩa đa phương là thực tế của thế kỷ hiện nay.

SCO được thành lập vào năm 2001 bởi Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Năm 2017, Ấn Độ và Pakistan chính thức trở thành thành viên.

Cũng trong tháng 9, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko cho biết nước này có thể tham gia SCO vào khoảng năm tới. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với các phóng viên rằng Ankara cũng sẽ gia nhập khối trong tương lai.

Về phần mình, Nga coi vai trò ngày càng tăng của các khối như SCO và BRICS - một nhóm không chính thức bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – là biện pháp đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

“Chúng ta đang nói về những quốc gia chiếm 80% dân số thế giới. Đó là lý do tại sao không có chuyện cô lập Nga”, Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố vào tháng 7.

Đầu tháng 11, Ngoại trưởng Lavrov xác nhận rằng hơn một chục quốc gia đang háo hức tham gia BRICS, bao gồm Algeria, Argentina và Iran.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo RT)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.