Đổi mới công tác giáo dục chính trị trong LLVT huyện Thanh Liêm

Tham dự hội thi cán bộ giảng dạy chính trị trong LLVT huyện Thanh Liêm, cảm nhận trước hết của nhiều cán bộ, chiến sĩ là công tác giáo dục chính trị trong các cơ quan, đơn vị quân đội hiện nay đang có sự đổi mới tích cực, rõ nét. Sự đổi mới thể hiện sâu sắc trên từng bài giảng, từ nội dung tới hình thức giảng dạy, giúp cho bài giảng chính trị giảm bớt sự khô cứng, nhàm chán, giúp người nghe dễ hiểu, dễ thấm.

Đổi mới công tác giáo dục chính trị trong LLVT huyện Thanh Liêm
Cán bộ chính trị Ban CHQS huyện Thanh Liêm tham gia dự thi phần thực hành bài giảng trên màn hình chiếu.

Trên thực tế, các chuyên đề về giáo dục chính trị, pháp luật nói chung vốn khô cứng, trừu tượng, khó hiểu, do vậy để tạo sự hấp dẫn trong truyền đạt các nội dung chuyên đề đòi hỏi cán bộ giảng dạy chính trị cần có kỹ năng, phương pháp linh hoạt, sáng tạo khi truyền giảng. Là một trong những cán bộ giảng dạy chính trị của Ban CHQS huyện Thanh Liêm, Trung tá Nguyễn Văn Hạnh, Trợ lý Chính trị cho rằng: Thông qua hội thi, đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy chính trị đã rút ra nhiều kinh nghiệm cụ thể, thiết thực. Để đạt được hiệu quả trong công tác giáo dục chính trị, trước tiên, cán bộ giảng dạy phải xây dựng cho mình bản lĩnh chính trị, xác định rõ đối tượng giảng dạy để lựa chọn phương pháp phù hợp. Cùng với đầu tư thời gian, công sức, nắm chắc nội dung cần giảng dạy, với mỗi bài giảng còn phải xây dựng kế hoạch đề cương chi tiết.

Ngoài các nội dung trong chương trình, cần nghiên cứu thêm những tài liệu chính thống có liên quan để bổ sung, cập nhật thông tin, tình hình thời sự vào bài giảng. Đó có thể là những hình ảnh, video thực tế hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trong sinh hoạt, học tập, huấn luyện, hội thi, hội thao, thực hiện công tác dân vận tại địa phương, đơn vị. Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh những lễ tiết tác phong theo quy định, người cán bộ giảng dạy chính trị khi đứng trên bục giảng cần có sự trao đổi, giao lưu với người học, điều chỉnh từ âm tiết, giọng nói sao cho phù hợp, cuốn hút người nghe. Có như vậy mới tạo được một không khí cởi mở, thoải mái, góp phần nâng cao hiệu quả trong mỗi giờ giảng.

Để hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm nay đạt chất lượng cao, ngoài công việc chuẩn bị và thể hiện bài giảng thông qua giáo án điện tử, đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị còn phải thực hiện soạn một bài giảng bằng giáo án điện tử theo nội dung do ban giám khảo đưa ra. Điều này đòi hỏi cán bộ giảng dạy không chỉ am hiểu về bài giảng chính trị mà còn phải sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp giảng bài truyền thống với hiện đại.

Đồng chí Đỗ Thị Mai, Chính trị viên phó Ban CHQS xã Thanh Hải, người giành giải Nhất tại hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2020 trong LLVT huyện Thanh Liêm cho rằng: Ở địa phương, dù đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện, song những khó khăn gặp phải trong giáo dục chính trị hiện vẫn còn khá rõ. Đó là, đội ngũ cán bộ giảng dạy đều kiêm nhiệm, không chuyên, không có trình độ sư phạm, nội dung giảng dạy nhiều, nên việc đầu tư cho các bài giảng còn hạn chế. Đồng thời, phương tiện kỹ thuật phục vụ việc đổi mới giảng dạy chính trị hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu (không có máy trình chiếu).

Khắc phục những khó khăn trên, thời gian qua đội ngũ cán bộ chính trị viên, chính trị viên phó ở địa phương đã hết sức cố gắng tự học, chủ động nghiên cứu tài liệu, trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nhằm tạo sự thu hút, hấp dẫn trong từng nội dung truyền giảng. Mặc dù các bài giảng chính trị trong thực tế vẫn chưa được sử dụng máy trình chiếu nhưng khi tham gia hội thi được tập huấn về phương pháp giảng dạy bằng giáo án điện tử, trình chiếu trên màn hình nên đã giúp bài giảng sinh động, thu hút hơn hẳn. Đồng chí Đỗ Thị Mai cho rằng, qua hội thi, bản thân tôi và nhiều giáo viên chính trị đã có thêm nhiều bài học kinh nghiệm thiết thực, bổ ích.

Phát huy những kết quả tích cực, bước đầu trên đây, thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy chính trị đối với cán bộ, chiến sĩ LLVT nói chung, lực lượng dân quân địa phương nói riêng đòi hỏi cần có sự đầu tư tích cực hơn nữa. Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Hạnh, Trợ lý Chính trị Ban CHQS huyện Thanh Liêm, để cuốn hút người nghe, ngoài phương pháp giảng truyền thống, cần đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ mới về công nghệ thông tin. Các địa phương cần đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy chính trị. Đặc biệt, sau các bài giảng cần có nội dung bổ trợ như tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đi tham quan thực tế, học tập, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ...

Công tác giáo dục chính trị luôn đòi hỏi ngày càng phải có sự đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, phù hợp đối với các lực lượng. Để đáp ứng yêu cầu này, đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị là khâu then chốt có tính chất quyết định chủ yếu.

Trung tá Tăng Thanh Long, Chính trị viên Ban CHQS huyện Thanh Liêm cho biết: Những năm qua, thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị”, Ban CHQS huyện Thanh Liêm luôn coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị. Tại cơ quan quân sự huyện, việc bố trí sắp xếp đội ngũ giáo viên thường ưu tiên lựa chọn những cán bộ chủ trì về công tác Đảng, cán bộ chính trị, cán bộ chủ chốt… có phẩm chất, năng lực chuyên môn và khả năng sư phạm tốt.

Để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị được giao lưu học hỏi, hằng năm Ban CHQS huyện đều tổ chức cho cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và các hội thi do cấp trên tổ chức. Đồng thời, chủ động tổ chức các lớp tập huấn phù hợp cho cán bộ chính trị và chính trị viên ban CHQS các xã, thị trấn, đơn vị dự bị động viên, chú trọng giới thiệu về phương pháp mới trong soạn thảo giáo án, tổ chức bài giảng chính trị. Tổ giáo viên chính trị của cơ quan cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, thông qua giáo án bài giảng, giảng thử, giảng mẫu, phê duyệt trước khi đưa bài giảng vào thực tế giảng dạy.

Có thể thấy, công tác giáo dục chính trị trong LLVT huyện Thanh Liêm đến nay cơ bản đi vào nền nếp và có nhiều đổi mới tích cực, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm LLVT huyện luôn giữ vững trận địa tư tưởng. Việc tổ chức hội thi cũng là dịp đánh giá thực chất khả năng của đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị trong cơ quan quân sự từ huyện tới cơ sở. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác giáo dục chính trị tại đơn vị, làm cơ sở để tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và đa dạng hóa các loại hình giáo dục chính trị trong LLVT đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị trong tình hình mới.

Phương Dung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy