Chiến dịch đổ bộ Tà Lơn - thắng lợi của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Ngày 24/12, tại thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn (1/1979-1/2019).

Biểu diễn văn nghệ tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, đại diện các đơn vị trong quân chủng Hải quân, một số tỉnh miền Tây Nam bộ, các cựu chiến binh và cán bộ, chiến sỹ Vùng 5 Hải quân đã tham dự lễ kỷ niệm.

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân 3 nước Đông Dương giành thắng lợi, cách mạng mỗi nước bước vào giai đoạn lịch sử mới. 

Tuy nhiên, ở Campuchia, chế độ diệt chủng Pol Pot lãnh đạo đã lộ rõ "bộ mặt" phản động, hiếu chiến, tàn bạo. Chúng kích động thù hằn dân tộc, gây tâm lý chống Việt Nam và thi hành chính sách diệt chủng rất tàn bạo. 

Trong gần 4 năm (1975-1978), chúng đã giam cầm, sát hại dã man hàng triệu người dân vô tội, hàng nghìn cán bộ cách mạng, phá hủy mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, đưa quân tấn công đảo Phú Quốc, đánh chiếm đảo Thổ Chu và tiến hành hàng loạt vụ khiêu khích, xâm nhập, lấn chiếm biên giới, gây xung đột vũ trang với ta.

Đầu năm 1978, tập đoàn Pol Pot huy động 19 sư đoàn tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, tàn sát dã man hàng nghìn người dân, phá hủy hàng trăm công trình, làng mạc, thị trấn ở các tỉnh biên giới nước ta.

Đáp lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước, nhân dân và các lực lượng cách mạng Campuchia, kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, tháng 12/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm tổng phản công, tiến công chiến lược giúp lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng.

Thực hiện quyết tâm chiến lược, Quân chủng Hải quân được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm nòng cốt mở Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn với nhiệm vụ đánh chiếm cảng Côngpôngxom và quân cảng Ream, tiêu diệt Sư đoàn 164 Hải quân và Trung đoàn 17 Biên phòng của địch, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở hướng Nam.

Đúng 22 giờ ngày 6/1/1979, Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn bắt đầu. Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ huy các đơn vị gồm Vùng 5 Hải quân, Lữ đoàn 126 Hải quân, Hạm đội 171 Hải quân và Lữ đoàn 125 Hải quân phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, bí mật đánh chiếm bãi biển dưới chân núi Tà Lơn, tổ chức thành những lớp sóng đổ bộ, đưa lực lượng hải quân đánh bộ lên bờ, tạo bàn đạp đồng loạt tiến công trên các hướng và phát triển chiến đấu. 

Trong ngày đầu chiến dịch, ta bắn cháy, bắn chìm tại chỗ 10 tàu thuyền và bắn bị thương một số chiếc khác, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm cho Sư đoàn 164 Hải quân và Trung đoàn 17 Biên phòng địch bị tổn thất nặng nề.

Ngày 8/1, địch lợi dụng các cao điểm xung quanh khu vực ngã ba Ream dùng hỏa lực pháo binh và lực lượng bộ binh phản kích, chống trả điên cuồng hòng ngăn chặn thế tiến công của ta. Tại đây, Lữ đoàn 126 Hải quân và Lữ đoàn 101 Vùng 5 Hải quân chiến đấu kiên cường, đập tan tuyến phòng ngự của địch.

Ngày 9/1/1979, với sự yểm trợ của hỏa lực không quân, Lữ đoàn 126 nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu được giao; sau hơn 3 giờ chiến đấu anh dũng, quân ta đã làm chủ toàn bộ khu vực ngã ba và sân bay Ream. 

Trên hướng biển, Hạm đội 171 tập trung hỏa lực công kích cảng Côngpôngxom và quân cảng Ream, ngăn chặn kịp thời nhóm tàu phóng lôi của địch ra phản kích ở Tây Nam cảng Ream.

Ngày 10/1/1979, các mũi tiến công của Lữ đoàn 126 hiệp đồng với Trung đoàn 66, Quân đoàn 2 tiếp tục phát triển chiến đấu, giải phóng toàn bộ thị xã và cảng Côngpôngxom. 

Ở khu vực cảng Ream, Lữ đoàn 101 Vùng 5 Hải quân và Hạm đội 171 Hải quân phối hợp với Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 đánh chiếm các mục tiêu, tiêu diệt các ổ đề kháng của địch, đến chiều cùng ngày, ta làm chủ toàn bộ khu vực cảng Ream.

Sau 5 ngày đêm chiến đấu kiên cường tiến công địch, các lực lượng của ta đã hiệp đồng chặt chẽ, đánh nhanh, đánh mạnh, đánh cả trên biển và trên đất liền; bao vây, chia cắt, đẩy địch vào thế bị cô lập và nhanh chóng tan rã. 

Quân chủng Hải quân hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ đổ bộ, phát triển chiến đấu, tiêu diệt Sư đoàn 164 Hải quân và Trung đoàn 17 Biên phòng của địch, giải phóng thị xã Côngpôngxom và quân cảng Ream - đây là vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ cửa ngõ ven biển phía Đông Nam của Campuchia.

Chiến dịch Tà Lơn là chiến dịch đổ bộ đường biển đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam giành thắng lợi. 

Kết quả của chiến dịch đã tạo thế, tạo thời cơ cho các lực lượng của ta phát triển chiến đấu giai đoạn tiếp theo, giải phóng toàn bộ khu vực đất đai từ Côngpôngxom đến Kô Kông với diện tích trên 3.000km2 và vùng biển, hải đảo của Campuchia; góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cùng với các cánh quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia tổng tiến công, nổi dậy đập tan toàn bộ chính quyền phản động Pol Pot.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân nhấn mạnh thắng lợi của Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chiến lược trên toàn chiến trường, khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân và sự lãnh đạo tài tình của Đảng; là thắng lợi của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên chiến trường sông, biển để giành thắng lợi. 

Chiến thắng của chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn là minh chứng rõ nét về đường lối, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo “giúp bạn là tự giúp mình” và chính sách đoàn kết quốc tế vô tư, trong sáng của Đảng, Nhà nước ta; khẳng định tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia. 

Chiến thắng của chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn một lần nữa khẳng định bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, kiên cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, mưu trí, sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của Bộ đội Hải quân.

Cựu chiến binh Đàm Mạnh Phước, nguyên Chính trị viên D6, Lữ đoàn 101 chia sẻ: “40 năm về trước, tuy còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi ai cũng có một niềm tin mãnh liệt hướng về tương lai và tinh thần vô tư, trong sáng, chiến đấu tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự bình yên của biển đảo quê hương, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trở về với đời thường, chúng tôi vui mừng, tự hào bởi các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân hôm nay đã và đang nối tiếp xứng đáng truyền thống của Quân chủng hai lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, luôn trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, đoàn kết vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.”

Cũng tại lễ kỷ niệm, đại diện thế hệ trẻ của Hải quân Việt Nam, Thượng úy Phan Đức Thịnh, Thuyền trưởng Tàu 954, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân bày tỏ, Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn đã diễn ra cách đây 40 năm, nhưng qua những thước phim, những câu chuyện kể, và hôm nay được trực tiếp dự lễ kỷ niệm, bản thân Thượng úy Phan Đức Thịnh vô cùng xúc động, cảm phục bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết tâm, hành động dũng cảm, kiên cường và sự hy sinh quên mình của những cán bộ, chiến sỹ từng tham gia chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn năm xưa. 

“Là thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, tiếp bước cha anh trong chiến đấu trước đây và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, bản thân tôi nguyện ra sức học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, sức khỏe dẻo dai để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, luôn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sỹ Hải quân,” Thượng úy Phan Đức Thịnh nêu quyết tâm.

Cùng ngày, trên vùng biển An Thới, huyện Phú Quốc, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã tổ chức lễ dâng hương, thả hoa, tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn./.

Theo TTXVN

Quyết Thành

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy