Vẻ đẹp Cao Cái

Cao Cái là một thôn của xã An Mỹ, huyện Bình Lục. Cao Cái là tên chữ còn người dân vẫn quen gọi mình là người làng Gai.

Vừa qua, theo chủ trương sáp nhập các thôn, xóm, tổ phố, thôn Cao Cái được sáp nhập với thôn Cát Tường mang tên mới là Cao Cát. Nhưng Cao Cái với đặc trưng làng quê đồng chiêm điển hình vẫn mang dáng vẻ riêng khó lẫn.

Cao Cái là thôn thuần nông, bao quanh thôn quê là những cánh đồng mênh mông lộng gió. Giếng nước, cây đa, đình chùa, xóm làng quần cư, cảnh quê bao đời nay vẫn thế nhưng trên nền cảnh quê thuần nông cách nghĩ, cách làm của người Cao Cái có nhiều đổi mới. Cái đổi mới dễ nhận biết ở đây là người Cao Cái nhanh nhạy trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng đất quê mình, duy trì những nét đẹp văn hóa và tình làng nghĩa xóm đậm chất người thuần nông.

Đường trong thôn Cao Cái đã được đổ bê tông  kiên cố, sạch đẹp.

Không quá khi có thể nói, An Mỹ nói chung và Cao Cái nói riêng đang là địa điểm bậc nhất trồng giống lúa Bắc thơm của Hà Nam. Giống lúa Bắc thơm được trồng thử nghiệm và nhân rộng trên đồng đất này nhiều năm qua đã trở thành giống cây chủ lực vụ xuân. Bắc thơm Bình Lục không những phục vụ người dân trong tỉnh mà còn sang các tỉnh lân cận đã đem lại giá trị thu nhập cao cho nông dân Cao Cái.

Ngoài Bắc thơm, người dân Cao Cái còn trồng những giống nếp đặc sản và đặc biệt là giống lúa hom Bình Lục. Giống lúa phù hợp với vùng đồng thấp trũng, nước ngập đến đâu cây lúa ngoi đến đấy. Cây lúa thân cao, mảnh, mềm cho hạt gạo dẻo thơm, khoảng trên 30 năm trước đây người dân nơi đây vẫn trồng cấy loại lúa này. Ăn không còn để cho no nữa mà ăn cho ngon, một số người dân Cao Cái đang trồng thử nghiệm lại giống lúa bản địa độc đáo – lúa hom.

Tìm hiểu thêm về nghề nông Cao Cái, còn được biết Cao Cái có lẽ là thôn duy nhất toàn tỉnh ứng dụng hiệu ứng cấy lúa hàng biên – kỹ thuật cấy lúa mới nhất ở Việt Nam. Cấy lúa hàng biên là phương pháp cấy lúa theo hàng rộng và hàng hẹp với những khoảng cách phù hợp nhằm tận dụng ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá để kích thích cây lúa phát triển nhanh, đẻ nhánh sớm, sai bông mẩy hạt.

Cấy theo phương pháp hiện đại này năng suất lúa tăng cao, theo người dân Cao Cái năng suất lúa tăng khoảng trên 20% so với phương pháp cấy truyền thống. Cấy hàng biên còn giúp giảm trừ sâu bệnh, giảm lượng lúa giống, giảm công làm mạ và công cấy, giảm lượng phân bón và đặc biệt tạo thuận lợi cho việc chăm sóc lúa.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa đầu làng, anh Phiên, một người dân trong thôn chỉ cho chúng tôi xem cách cấy hàng biên và cho biết đây là phương pháp cấy kế thừa từ kinh nghiệm dân gian, bởi trong cùng một ruộng lúa, những hàng lúa mọc ở gần bờ không bị che khuất, được ánh sáng mặt trời chiếu nhiều hơn nên khóm lúa thường lớn hơn và bông lúa cũng to hơn so với những khóm lúa phía trong ruộng. Nếu cứ cấy một hàng rộng, một hàng hẹp thì tất cả các cây lúa đều được ánh sáng mặt trời chiếu như nhau, và năng suất sẽ được tăng lên tối đa. Nhìn cánh đồng lúa xuân xanh ngút mắt, một vụ mùa bội thu mới lại đến với người dân Cao Cái.

Theo xu thế chung, người Cao Cái cũng dịch chuyển, người thoát ly tỉnh ngoài, người làm ăn xa quê. Nhưng họ làm ăn thường theo phường, theo nhóm là anh em họ hàng làng xóm phát triển chung một nghề, “làm ra tấm, ra món” nên có thu nhập khá cao.

Có một điều đặc biệt ở Cao Cái là dù người ở nhà cũng như người đi làm ăn xa đều chung một lòng xây dựng quê hương ngày càng xanh, đẹp hơn. Mùa xuân hai bên đường làng hoa đào, hoa cải khoe sắc, mùa hè hoa sen, hoa súng thơm trong đầm, trong mương. Hồ nước trong xanh được kè bờ cho trẻ con trong làng tập bơi, có ghế đá hàng cây cho người dân thư giãn. Đường trong thôn rộng đến 5 mét, ô tô vào tận ngõ, đường ra đồng cũng được đổ bê tông cứng hóa. Kiên cố hóa kênh mương là chỉ tiêu khó với những thôn, xóm khác nhưng ở Cao Cái những mương máng dẫn nước vào đồng được khơi rộng và xây bờ vuông vức, những lá sen bắt đầu xòe lan mặt nước.

Đình, chùa, miếu trong thôn đều được người dân công đức tu sửa khang trang để 3 năm một lần vào tháng 8 âm lịch dân thôn lại tưng bừng mở hội. Năm nay, hội mở, dân thôn đang mong cổng làng sẽ sớm khánh thành để đón con em Cao Cái trở về nhìn thấy quê hương đổi thay từng ngày.

Thôn Cao Cái, xã An Mỹ (Bình Lục). Ảnh: Google maps

Hội làng đông vui tấp nập và điều người dân mong đợi nhất chính là những vở chèo cổ do đích thân những người dân quê thủ vai diễn xuất. Người dân Cao Cái yêu chèo và hát chèo rất hay.

Ông Nguyễn Văn Soang là một người say chèo, ông thuộc nằm lòng các làn điệu chèo cổ và còn thuộc gần như cả vở chèo nổi tiếng Quan Âm Thị Kính, từ lời nói, điệu cười, tính cách, biểu cảm của các nhân vật ông đều thể hiện được. Như để cho khách thấy, đẩy ra hiên chiếc loa di động, ông đứng hát say sưa những trích đoạn chèo cổ.

Người dân Cao Cái chỉ hát chèo lời cổ bởi như ông Soang nói chèo cổ có cái nền nã về câu từ, thâm thúy về ý tứ, hợp với ngữ nghĩa, biểu cảm của từng làn điệu chứ không tùy tiện như chèo lời mới, và người dân Cao Cái còn có vốn chèo đáng ngưỡng mộ khi người dân trong làng tự diễn tròn trịa 3 vở chèo cổ nổi tiếng: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ và Tống Trân Cúc Hoa. Nói về nghệ thuật hát chèo đất này, phải biết rằng trước đây Cao Cái có gánh hát chèo của cụ Ba Đen. Gánh hát chèo của cụ nức tiếng cả vùng, thường đi biểu diễn các nơi, nhiều cụ già làng vùng Cao Cái vẫn còn ấn tượng với gánh hát chèo của cụ. Thật đáng quý, đến nay, người dân Cao Cái vẫn thừa hưởng được cái say mê nghệ thuật chèo của tiền nhân.

Chiều về trên vùng quê Cao Cái, những người thăm đồng giở nón cầm tay đón cơn gió chiều mát mẻ, trên đường làng lũ trẻ tan học trở về, nhiều người dân tụm lại xem các chú thợ điện sửa đường dây trong thôn, đôi bà cụ già vừa cọ rửa ấm chén vừa trò chuyện bên bến nước đầu làng. Cao Cái yên bình và thi vị.

Chu Bình

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy