Văn hóa cổ truyền làng Vị Hạ trong dịp Tết

Mỗi năm Tết đến, Xuân về, người Việt Nam thường hay hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp trong đời, ôn lại truyền thống lịch sử, văn hoá của tổ tiên.

Mời bạn hãy về làng Vị Hạ, mà dân quen gọi làng Và (xã Trung Lương, Bình Lục) để chiêm ngưỡng từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ 4 mái cong cổ kính, và nhất là được nghe các cụ cao niên kể về các sinh hoạt văn hoá cổ truyền. Ấn tượng nhất là phiên chợ Đồng cùng lệ thi thơ, nếm rượu tại tường đền, là hội làng cùng những ngày ăn Tết cả.

Ao thu ở từ đường Nguyễn Khuyến. Ảnh: TL

Thuở trước, đều đặn hằng năm dân làng mở phiên chợ Đồng suốt cả ngày 24 tháng Chạp, từ khi mờ sáng đến lúc chạng vạng tối. Chợ họp trên cánh đồng khô ráo. Từ mấy hôm trước, lều quán đã mọc lên san sát trên cánh đồng. Khắp các ngả đường, trẻ, già, trai, gái lũ lượt đổ về, đông như đi hội. Đến khi nhà thơ Nguyễn Khuyến từ quan về sống hẳn ở quê thì phiên chợ Đồng có thêm một phong tục đẹp. Ngay từ mờ sáng ngày 24 tháng Chạp, các vị bô lão và văn nhân quanh vùng kéo đến khu đền ngay canh chợ Đồng dự cuộc thi thơ trên mảnh đất sát bức tường đền, do chính Tam Nguyên Yên Đổ cùng các vị khoa bảng có tiếng chủ trì và làm giám khảo. Cuộc thi thật sôi nổi, hào hứng. Thí sinh nào trúng giải được mọi người cổ vũ nồng nhiệt. Liền đó, buổi lễ trao giải thưởng tổ chức trọng thể đi liền với cuộc thử rượu. Tao nhân, mặc khách, nhất là các vị được giải cùng các bô lão trong làng lần lượt nếm rượu của các nhà mang đến. Rượu ngon đạt tiêu chuẩn sẽ được dùng vào việc tế lễ công cộng đầu năm, đem lại niềm vinh dự cho gia chủ.

Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Khuyến có làm bài thơ Chợ Đồng

- Tháng Chạp, hai mươi bốn chợ Đồng

Năm nay chợ họp có đông không?

Giờ trời mưa bụi còn hơi rét,

Nếm rượu tường đền được mấy ông

Hùng quán, người về nghe xáo xác,

Nợ nần năm hết hỏi lung tung

Dăm ba ngày nữa tin xuân tới,

Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.

Công việc chuẩn bị cho hội làng được tiến hành từ tháng Chạp năm cũ. Các giáp Đông và Đoài phải đốc thúc việc làm bánh theo lệ. Nam từ 18 đến 58 tuổi, nếu trong năm chưa làm lễ cúng thì cứ 3 người làm một mâm, gồm 4 đồng bánh giầy, 1 con gà sống, 1 bát cuốn nộm. Những người lên “lão cụ” thì làm cỗ to hơn tế thánh và trình làng đã đến tuổi “ăn nhưng” (từ nay không phải đóng góp nữa).

Đêm ba mươi làng mở cửa đình, tổ chức 3 kỳ đại tế. Tế xong, dân làng được lễ tạ Thành hoàng. Người già lễ trước, trẻ tuổi lễ sau. Sau đó đến việc “bắt cỗ”, nghĩa là nhận phần cỗ của mình theo thứ bậc, độ tuổi.

Hội làng mở từ sáng ngày mồng 2 Tết, trọng tâm là mở “Hội săn cuốc”. Tục lệ này có từ lâu đời. Từ sáng sớm đã có lệnh nhắc nhở dân làng. Mỗi giáp Đông, Đoài đều có người cầm lệnh đi khắp làng, tiếng boòng, bèng, lệnh giong làm không khí ngày Tết thêm sôi động.

Tục săn cuốc thực hiện vào sáng mồng 3 và mồng 5 Tết. Trai tráng quần áo gọn gàng, người lớn, trẻ con, người già cùng có mặt tại đình để tham gia hội săn cuốc. Mọi người đi tay không, còn ai cầm lệnh thì phải giáng sức mà khua. Mọi người tiến về các bụi tre, khóm trúc, bụi lau, sậy rậm rạp, vừa đi vừa reo hò, cùng với tiếng lệnh khua vang làm cho chim cuốc luống cuống chạy, lủi hoặc bay ra đầm nước. Thấy cuốc thì mọi người ùa theo, bất kể dưới nước, trên cạn, mặc cho ướt át, rét mướt. Nếu bắt được cuốc phải giơ lên cho mọi người khác biết, nếu không sẽ bị giằng, cướp... Ai bắt được chim cuốc đầu tiên, tức là bắt được “chim tiên” sẽ được thưởng tiền. Bắt được con thứ 2, thứ 3 được thưởng ít hơn...

Ngoài hai buổi săn cuốc, còn có tục rước các cụ “thượng thọ” (80 tưổi trở lên) từ đền Thánh cả về đình. Dân làng chơi tổ tôm điếm, tổ chức bơi thuyền, rước đuốc, mời phường rối nước về biểu diễn tại Thủy đình dựng trên ao giữa làng. Các giáp thổi cơm thi, theo cách đun bằng rơm tại chỗ, khi nào cơm chín, ban giám khảo kiểm tra thấy cơm dẻo, không bết, không lẫn thóc, hạt cơm không gẫy nát là thắng cuộc và được phép đơm vào bát cúng thánh. Buổi tối các ngày, bốn đội chèo của làng thay nhau trình diễn, làm cho không khí hội làng càng thêm náo nhiệt.

Mồng sáu Tết làng làm lễ “giã hội” rước Thành hoàng từ đình về an vị tại đền, và từ ngày mồng bẩy trở đi sau lễ hạ cây nêu, dân làng bước vào một năm mới làm ăn, sản xuất với bao lo toan, vất vả.

Văn hoá cổ truyền làng Vị Hạ với những nét độc đáo thật đáng được lưu truyền và khôi phục, góp phần làm phong phú cho đời sống văn hoá đương đại, trong ngày Tết, ngày Xuân.

Mai Khánh

Mai Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy