Tục lên tuổi tế thánh ở Văn Xá

Xã hội phong kiến xưa, trong mỗi làng xã có nhiều tập tục. Nhiều tập tục ấy còn được lưu truyền đến ngày nay. Tục đến tuổi tế thánh ở xã Văn Xá, huyện Kim Bảng là một trong nhiều tập tục như vậy.

Thực chất tuổi tế thánh là tuổi lên lão của đàn ông trong làng. Mỗi người đàn ông đến tuổi nhất định mới được tham gia việc làng, tế thần, tế thánh. Đây là một mỹ tục đẹp, “triều đình trọng tước, làng nước trọng người già”. Nhưng tùy thời mà chữ “mỹ” ấy khi mờ khi tỏ. Trò chuyện với người già trong làng mới hiểu thêm về những gì còn lại và sự thay đổi của một tập tục, kéo theo là sự thay đổi cách sống, cách nghĩ của người dân về lệ làng xưa và nay.

Không nấu mất ngôi, nấu không có chỗ ngồi!

Đây là một câu cảm thán của dân làng Văn Xá khi xưa với tục lên tuổi tế thánh. Tục này tồn tại ở 3 làng: Đặng Xá, Điền Xá và Chanh Thôn. Tuy cùng một xã nhưng 3 làng lại định tuổi lên lão khác nhau. Ở Đặng Xá là tuổi 49, ở Chanh Thôn là tuổi 55 và ở Điền Xá là tuổi 59.

Ông Chu Đình Sở, người làng Đặng Xá trầm ngâm nhớ lại, xưa kia cuộc sống đói khổ, vất vả nên tuổi thọ con người không cao. Làng định lệ 49 tuổi lên lão nhưng có năm làng không có một ai thọ đến tuổi đấy, có năm nhiều cũng chỉ có  3 – 4 người. Nhưng qua được tuổi dân gian coi là “hạn”, được lên hàng lão, được trọng xỉ đáng nhẽ vinh dự, tự hào nhưng những sự nhiêu khê lệ làng trong một xã hội phong kiến cổ hủ và lạc hậu đã đẩy người dân đến nhiều cảnh ngộ trớ trêu. Người nào đủ tuổi tế thánh dù giàu nghèo đều phải có cỗ tế thành hoàng và khao dân làng. Tục “trả nợ miệng” ở làng quê xưa nặng nề nên “không nấu (cỗ) mất ngôi, nấu không có chỗ ngồi” là vì thế.

Ông Chu Đình Sở bên ngôi đình các tân lão được làm lễ lên tuổi tế thánh.

Góp cùng câu chuyện bên ngôi miếu thờ vua Đinh làng Đặng, ông Nguyễn Đức Tăng, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi làng Đặng Xá nhớ lại những kỷ niệm ngày mình còn là cậu bé dựa cột đình xem tục lên lão. Nhà nào có người sắp đến tuổi lên lão lo sấp ngửa từ khá sớm. Phải bỏ chuồng bằng được con lợn và là lợn tế thánh nên phải gọi là “cụ ỉn”. Cụ ỉn được chăm sóc chu đáo, cẩn thận, béo tốt mới đủ làm cỗ mời làng. Nhà nào nghèo quá phải chạy vạy khắp nơi vay giật, cắm đất, cắm ruộng lấy tiền làm cỗ.

Làng Đặng Xá quy định ngày làm lễ tế Thành hoàng làng chứng giám các tân lão là ngày 14 tháng Giêng. Mỗi nhà đều sắm một mâm cỗ thịnh soạn cúng thành hoàng làng và tham gia lễ thi cỗ sau khi thủ tục làm lễ lên lão kết thúc. Các mâm cỗ được chức dịch và các cụ cao tuổi trong làng khám sát, những mâm cỗ ngon, được giải nhất giành cho các ông chánh, ông lý trong làng thụ hưởng, mâm nhì dành cho các cụ lão làng, các mâm sau đó phân ngôi thụ hưởng. Xong việc làm lễ trình làng thì tuần tự các nhà làm cỗ mời dân làng, năm nào có nhiều người lên lão năm đó dân làng đi ăn khao từ Tết đến hết rằm tháng Giêng.

“Phép vua thua lệ làng”, có nhiều người đã sạt nghiệp vì tục lệ này. Có nhiều nhà nghèo đến cùng kiệt vợ chồng con cái phải bồng bế nhau bỏ làng mà đi, vì không nấu được cỗ đồng nghĩa với việc không sống nổi với miệng lưỡi thế gian dè bỉu, khinh khi.

Tuy ở các làng Điền Xá, Chanh Thôn tục lên lão tuổi có cao hơn nhưng tục khao lão cũng giống như ở Đặng Xá, chỉ có khác ở làng Chanh Thôn là tục thi gà. Mâm xôi con gà là quy định của Chanh Thôn khi những người đàn ông đến tuổi tế thánh. Con gà bày trên mâm xôi phải sắp đặt khéo léo sao cho đẹp mắt, giống hình công, hình phượng mới được giải nhất. Tục này ở Chanh Thôn được quy định làm vào mùng 3 Tết, còn ở Điền Xá là mùng 5 tháng Giêng.

Kính già già để tuổi cho

Tục lên tuổi tế thánh trong các làng ở Văn Xá vẫn giữ được đến ngày nay, dù tuổi thọ của người dân tăng lên nhưng việc định tuổi lên lão vẫn như xưa. Ở độ tuổi này người đàn ông đã đến độ chín chắn nhất của đời người, công việc sự nghiệp đã vững và con cháu đã đề huề. Kể từ khi chính thức lên lão, người đàn ông được người làng kính trọng, được tham gia vào mọi việc làng. Dân các làng Văn Xá dù làm ăn, sinh sống nơi xa vẫn thường nhẩm tuổi mình để về làng làm lễ tế thánh. Đời sống kinh tế phát triển, việc làm cỗ không còn nặng nề và khó nhọc khi xưa. Nhưng thực hiện nếp sống văn minh, người đến tuổi lên lão chỉ làm cỗ mời họ hàng và bạn bè thân hữu. Mọi người cùng hoan hỉ vui xuân, mừng bạn thêm tuổi mới chững chạc, vững vàng tiếp tục là trụ cột gia đình.

Tục lệ coi trọng tuổi tác là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngày xưa theo lệ làng, các cụ già trong làng được hưởng những đặc quyền riêng – từ quyền lợi về chỗ ngồi ở đình, về mời cỗ đến việc giảm trừ sưu thuế. Vì thế, việc lên lão vô cùng vinh dự, quan trọng đối với mỗi người. Ngày nay, không những ở Văn Xá mà ở tất cả các làng, xã trên địa bàn tỉnh đều có lệ làm lễ thượng thọ cho các cụ già trong làng không kể cụ ông hay cụ bà. Bên cạnh việc con cháu, họ hàng trong nhà, trong tộc chúc thọ, các cụ còn được chính quyền xã tổ chức lễ mừng thọ trang trọng. Ở đình làng, các cụ đến tuổi lên lão còn được ban tế và cụ thủ từ dâng sớ tấu trình lên thành hoàng cầu mong ngài công nhận các tân lão, cầu mong ngài ban cho họ sức khỏe, gia đình an khang thịnh vượng.

Những ngày Tết đến Xuân về, các cụ sống thọ trên 100 tuổi được Chủ tịch nước gửi tặng lụa đỏ. Trong rất nhiều làng xã hiện nay, các cụ già vẫn là người đầu tiên được mọi người xin ý kiến về việc làng, việc xóm, việc chung của cộng đồng. Và cao hơn nữa chính những kinh nghiệm, nhiệt huyết của người cao tuổi là động lực, giá trị tinh thần cho các thế hệ noi theo. Người cao tuổi cũng có ngày kỷ niệm riêng, 1/10 là Ngày Quốc tế Người cao tuổi còn ngày 6/6 là Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam. Trong ca dao, tục ngữ của ta có nhiều câu nói trọng tuổi như: “Kính già già để tuổi cho”, “Muốn may thì phải tìm kim, muốn hay thì phải đi tìm người xưa”, “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”…

Chu Bình

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy