Tục “lên lão” ở Thanh Khê

Mừng thọ, “lên lão” là nét đẹp truyền thống từ bao đời của dân tộc ta. Tiếp nối truyền thống đó, mùng 4 Tết hằng năm, người làng Thanh Khê (Đồn Xá, Bình Lục) lại nhộn nhịp ra đình dự lễ tế thánh, “lên lão” cho các bậc cao niên. Đó là nét đẹp của làng, qua đó thắt chặt hơn mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, là dịp để con, cháu, những người thân trở về sum họp.

Đại diện làng tiếp nhận lễ vật của các gia đình mang ra tế thánh, lên lão.

Không rõ tục mừng thọ, “lên lão” ở Thanh Khê có từ bao giờ nhưng từ lâu làng đã tổ chức lên lão cho các cụ cao niên và duy trì cho đến tận ngày nay. Theo các cụ cao niên trong làng, ngày mùng 4 Tết là ngày sinh của hai đức thánh có công giúp nước đánh giặc, do vậy hằng năm, để tưởng nhớ, tri ơn công đức của hai ông, nhân dân đã tổ chức lễ tế thánh, “lên lão” cho các cụ ông, cụ bà trong làng vào đúng ngày này.

Theo sử sách ghi lại, từ thời Ngô Quyền có ông Nguyễn Sùng (người huyện Đường An, tỉnh Hải Dương) đến làng Thanh Khê dạy học. Ông lấy bà Phạm Thị Chinh (người thôn Thanh Khê) sau đó sinh ra hai người con trai, diện mạo khôi ngô, đặt tên là Tĩnh Công và Ninh Công.

Khi lớn lên, hai ông đều nổi tiếng học giỏi, năm các ông 15 tuổi, cha mẹ đều mất. Ba năm tang tế xong, gặp thiên hạ biến loạn, hai ông cùng gia thần lập doanh trại ở làng Thanh Khê, mộ được hơn ba nghìn thủ hạ. Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng, sai Nguyễn Bặc đến mời, hai ông đem thủ hạ vào Hoa Lư yết kiến.

Được Đinh Bộ Lĩnh phong Tĩnh Công làm Đô đốc, Ninh Công làm Đô sát sứ, hai ông phụng mệnh đi đánh Ngô Nhật Khánh ở quận Đường Lâm. Khi chưa phân thắng bại, hai ông lập đàn lễ thiên địa bách thần, đêm hôm ấy hai ông nằm mộng thấy người thần tướng xưng là Hà bá thuỷ quan đến giúp sức, hai ông đem binh đánh bắt được Ngô Nhật Khánh; rồi lại đánh Công Hãn ở Bình Kiểu, Ngô Xương Xí ở đất Siêu, giặc Thập Nhị Sứ quân đều thắng trận. Trở về, Tĩnh Công được Đinh Bộ Lĩnh phong làm Thái Bảo trấn quốc đại vương, Ninh Công làm Tư Thiên thái giám chưởng thiên quan toà.

Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế - Đinh Tiên Hoàng (Hoa Lư) đã phong Hà bá thuỷ quan làm Thuỷ tộc đại vương, cho hai ông rước Thuỷ thần sắc văn về làng Thanh Khê lập miếu phụng sự. Và mời hai ông về nhận chức, được 2 năm, trong một ngày triều hội, Đinh Tiên Hoàng cùng bách quan thấy trời đất mờ mịt, tự nhiên hai ông đều hoá. Bấy giờ ở làng Thanh Khê, nhân dân cũng thấy có hai dải ánh sáng từ phương Tây Bắc tiến thẳng đến cửa miếu (miếu thờ Hà bá thuỷ quan) rồi biến mất. Ba tháng sau, thấy sứ thần đệ sắc về sai dân phụng sự, phong hai vị Tĩnh Công, Ninh Công làm Thượng đẳng, Phúc thần cho làng Thanh Khê phụng thờ.

Hằng năm, cứ vào khoảng 7 giờ sáng ngày mùng 4 Tết, các con cháu trong gia đình có ông, bà tuổi chẵn từ 50 trở lên, sắm lễ vật và đưa các cụ ra đình làng để tế thánh. Ông Lê Văn Chỉnh, Trưởng ban khánh tiết của thôn Thanh Khê cho biết: Một số địa phương khác, những người “lên lão” phải ở độ tuổi 70 trở lên, nhưng ở Thanh Khê nam giới 50 tuổi và nữ giới 60 tuổi đã được tổ chức “lên lão”.

Do ngày trước, các cụ sống thọ ít nên người dân Thanh Khê tâm niệm rằng tuổi 50 đã là cái tuổi chín của cuộc đời, nó không chứng tỏ tuổi này đã già, mà “lên lão” ở tuổi này chỉ là để trình làng, trình lên các vị thánh chứng giám. Lễ vật của mỗi gia đình có người “lên lão” phải mang ra đình là một mâm lễ gồm 5kg gạo nấu xôi, một con gà trống (2-3kg), nửa lít rượu nấu và 3 lễ trầu, cau.

Ngoài đưa lễ ra đình làng, theo sự phân công của ban khánh tiết, lễ vật còn được mang ra 2 đền và chùa. Cùng với lễ tại các điểm trên, tại đình sẽ diễn ra nghi lễ tế thánh, tham gia nghi lễ này gồm có chủ tế (theo thuần phong mỹ tục của địa phương từ trước đến nay, người chủ tế phải là người có gia đình đầy đủ, gồm vợ, con trai và cháu đích tôn, gia đình làm ăn khấm khá và mặc bộ quần áo màu vàng), năm bồi tế (mặc bộ quần áo màu xanh), 2 người xướng Đông – Tây và tổ trống thực hiện nghi thức theo người chủ tế.

Trong khi thực hiện nghi lễ tế thánh, người chủ tế đọc chúc văn để báo cáo với các vị thánh về tình hình dân làng, về các cụ “lên lão” hôm nay, kính thỉnh các vị thần phù hộ cho dân thôn nhân khang vật thịnh, làm ăn phát triển. Khi tuần tế kết thúc, lần lượt các cụ sẽ vào lễ thánh, chúc văn sẽ được mang hoá do vậy mà mỗi năm sẽ có chúc văn khác nhau.

Thực hiện nghi lễ tế thánh xong, những người “lên lão” sẽ có ý kiến dâng lễ lão cho làng, làng tiếp nhận và chia toàn bộ cho các suất đinh (bao gồm cả con cháu xa quê), suất lão và thụ lộc tại đình. Kết thúc việc “lên lão” ở đình, các gia đình sẽ mời anh em họ hàng, làng xóm về nhà tổ chức liên hoan, khao lão và tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình mà sẽ có những cách khao lão khác nhau.

Ngày nay, khi kinh tế phát triển, cuộc sống vật chất đầy đủ, việc tổ chức lễ mừng thọ, tế thánh của Thanh Khê ngày càng trở nên nhộn nhịp và sôi nổi hơn, như một thể thức khuôn mẫu có nét đặc trưng riêng của làng. Đây cũng là dịp để con, cháu, những người thân ở khắp mọi miền trở về sum họp quây quần bên gia đình vừa đón Tết cổ truyền của dân tộc, vừa tổ chức lễ mừng thọ cho các bậc cha mẹ, ông bà để tri ân công sinh thành, nuôi dưỡng.

Nguyễn Hiền

Nguyễn Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy