Tiêu Hạ - Đất và người

Đất từ hoang vu, theo tháng ngày dần nên hình, nên dạng, ngày càng sầm uất, phát triển. Và, cái tên gọi đồng Chuối Hạ ngày trước đã được đặt một cái tên mới, gắn liền với tên xã, tên làng: làng Tiêu Hạ!

Đến giờ, không một người dân làng Tiêu Hạ (xã Tiêu Động, Bình Lục) có thể nhớ được thời khắc "khai sinh" của mảnh đất này. Chỉ biết trong thần phả của làng còn ghi: Trước đây, nơi đây vốn là mảnh đất hoang vu, sình lầy và cỏ dại ngút đầu. Vào cái  thuở "hồng hoang" xa xưa ấy, trong những chuyến di dân tìm đất sống, đã có 6 dòng họ đầu tiên đến với đất này. Chẳng hẹn mà gặp, họ cùng nhau ở lại, khai hoang, mở đất. Đất từ hoang vu, theo tháng ngày dần nên hình, nên dạng, ngày càng sầm uất, phát triển. Và, cái tên gọi đồng Chuối Hạ ngày trước đã được đặt một cái tên mới, gắn liền với tên xã, tên làng: làng Tiêu Hạ!

Đất khởi sắc

Làng Tiêu Hạ có một đặc trưng về dân cư thật khác xa với những thôn, làng khác. Đó là sự quần cư, đông đúc đến khó tin. Trong một quy mô làng nông thôn mà Tiêu Hạ có đến hơn 1.300 hộ dân với xấp xỉ 5.000 nhân khẩu, chiếm trên 50% dân số toàn xã. Trước đây, làng được chia thành 6 xóm và được gọi bằng những cái tên xóm, như: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Trung, Trực. Không hiểu người xưa có ẩn ý gì khi đặt tên các xóm như vậy nhưng những người dân Tiêu Hạ qua bao đời luôn cảm nhận được sự gửi gắm, tin tưởng của những thế hệ cha ông mong muốn đất và người nơi này hãy sống cần - kiệm – liêm – chính – trung - trực. Và, họ đã cố gắng sống như chính những cái tên đầy ý nghĩa đó… Năm 2018, thực hiện chủ trương sáp nhập thôn xóm, 6 xóm trước đây của Tiêu Hạ được dồn ghép thành hai đơn vị mới: Tiêu Hạ Bắc và Tiêu Hạ Nam. Tuy có một số thay đổi về tên gọi, nhưng với hầu hết người Tiêu Hạ những thay đổi đó gần như không mấy ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của họ, vẫn nếp xưa, người cũ, vẫn tình làng, nghĩa xóm đầm ấm bao đời luôn song hành cùng sự đổi mới.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử dựng đất, lập làng, tại làng Tiêu Hạ, đến giờ vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa của chợ phiên, của lễ hội đình làng, của ngày giỗ tổ… Đình làng Tiêu Hạ là nơi thờ Cao Cái Đại vương (hay còn gọi là Đức Tam vị). Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình là nơi hoạt động bí mật của một số vị lãnh đạo cách mạng, trong đó có tướng Trần Tử Bình, là nơi cất giấu nhiều tài liệu quan trọng của Xứ ủy Bắc Kỳ và cũng là nơi thành lập hai chi bộ Đảng đầu tiên của vùng: Chi bộ An Lão và Chi bộ Tiêu Động. Đến nay, khi đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đình làng vẫn là nơi sinh hoạt cộng đồng của cư dân trong làng. Cứ mồng 6 tháng Giêng hằng năm, nhân dân kẻ đi xa, người ở gần lại tụ tập về đây tham gia lễ hội đình làng, tưởng nhớ đến đấng khai sinh, lập đất, những người có công với cách mạng.

Đường thôn Tiêu Hạ, xã Tiêu Động (Bình Lục) được bê tông khang trang, sạch sẽ. Ảnh: T.S

Về với Tiêu Hạ, ghé thăm chợ Dằm nổi tiếng từ thời kỳ phong kiến đến giờ, tích xưa truyền lại, sau khi thắng trận trở về, Đức Cao Cái Đại vương đã dẫn quân về đất này tổ chức khao quân. Nhận thấy đây là nơi có vị trí  cực kỳ thuận lợi, "trên bến, dưới thuyền", dễ dàng cho việc giao thương, buôn bán, Đức Tam vị đã cho lập chợ với tên gọi đầu tiên là chợ Giàm (sau đổi thành chợ Dằm). Chợ ra đời, đã dần tạo thêm chuỗi các chợ "vệ tinh" như: chợ An Lão, chợ Đô Hai và hình thành nên một "tam giác chợ" nổi tiếng là chợ Dằm, chợ Sông và chợ Chủ, thu hút sự giao thương cho cả một vùng Bắc Nam Định, Nam Hà Nam rộng lớn. Chợ Dằm một tháng có 12 phiên chính nhưng ngày nào cũng có những phiên xép, tấp nập và nhộn nhịp. Là nơi có chợ Dằm đứng chân, cả xóm Cần trước đây, hầu như nhà dân nào cũng "chạy chợ". Tiếng là chợ quê nhưng cứ đến chợ Dằm, hỏi mua gì cũng có. Chợ quê giờ cũng đã có nét gần như chợ phố về mặt quy mô, song có nét đẹp riêng khi đến đây, cả người bán và người mua ngoài việc giao thương, mua bán còn coi là nơi để giao lưu, gặp gỡ, chuyện trò thân mật. Cứ thế, chợ Dằm dù qua nhiều biến đổi của thời gian dường như vẫn giữ nguyên cho mình những nét văn hóa đẹp như thế, để mỗi người dân Tiêu Hạ, ai cũng thấy tự hào…

Cũng từ việc duy trì và phát triển chợ, tạo sự thông thương quan trọng cho các vùng, miền lân cận nên Tiêu Hạ cũng như một nơi "đất lành chim đậu". Chuyện rằng, không chỉ có 6 dòng họ đầu tiên đến khai hoang, lập đất (gọi là Lục tộc gia tiên, sau này được nhân dân tôn bát nhang thờ phụng như thành hoàng làng), do có đất chợ, người dân tứ xứ đến giao thương, thấy hợp đất, hợp người nên đã tụ lại thành người Tiêu Hạ. Bởi vậy, trong làng có đến hàng chục họ khác nhau cùng sinh sống, phát triển là thế. Trước đây, 6 ông tổ lập đất được thờ riêng, nhưng gần đây, nhân dân đã lập một bát hương chung thờ 6 ông tổ, gọi là bát hương cộng đồng, mang đến thông điệp mong muốn gắn kết, không có sự chia rẽ, phân biệt họ. Điều này như một lời khẳng định có ý nghĩa về sự đoàn kết cư dân nơi đây.

Có một thực tế, bên cạnh việc tự bung ra phát triển thương mại - dịch vụ tại chỗ, hiện còn có tới 30% người dân Tiêu Hạ rời quê vào Nam làm ăn, phát triển kinh tế. Từ các nguồn này, kinh tế chung của toàn làng có nhiều khởi sắc nhưng cũng đặt ra cho các cấp quản lý ở địa phương bài toán “ly nông”, của người dân. Làm thế nào để vừa bảo đảm sự điều hành hiệu quả của chính quyền và Ban quản trị HTXDVNN, vừa chống lãng phí đất, quan trọng nhất là mang tới cho người dân những cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất quê hương?  Tiêu Hạ là nơi đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện dồn đổi ruộng đất. Đến nay, trên địa bàn Tiêu Hạ đã và đang hình thành được 3 khu tích tụ ruộng với tổng diện tích gần 80 mẫu. Trong đó, có một khu được chuyển đổi thành công với mô hình 1 cá - 1 lúa, là hình mẫu cho phát triển kinh tế nông nghiệp nơi đây.

Cùng với quá trình xây dựng điểm nông thôn mới của toàn xã, Tiêu Hạ cũng là đơn vị đạt nhiều thành tích đáng kể: đường làng ngõ xóm cơ bản đã được bê tông hóa; trên 80% kênh mương được kiên cố hóa; hoàn thành chỉnh trang đồng ruộng, dồn đổi ruộng đất; hơn 80% hộ dân có mức sống khá và giàu; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; Tiêu Hạ được công nhận là Làng văn hóa cấp huyện năm 2011.

Người đổi mới

Về thăm làng Tiêu Hạ hôm nay, đi trên những con đường nông thôn mới rộng mở, ngắm nhìn những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại mọc lên san sát, trong xóm, ngoài làng đâu đâu cũng cảm nhận được một cuộc sống nông thôn đổi mới. Vốn là người có tâm với sự phát triển của quê hương, ông Ngô Đức Minh - Giám đốc HTXDVNN Tiêu Hạ, chia sẻ: Thật không hề đơn giản cho một sự đổi mới như hôm nay của Tiêu Hạ. Con đường dẫn đến thành công không phải một sớm, một chiều mà là cả một quá trình tự vận động, tự điều chỉnh để phát triển cho phù hợp. Trong đó, nhân tố con người quyết định tất cả. Ở Tiêu Hạ, quá trình phát triển thực sự không thể có nếu không có sự vào cuộc, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân…

Vì thế, tuy dân số đông, trong đó có tới 63% dân số là đồng bào có đạo, số người xa quê đi làm ăn cũng nhiều nhưng các phong trào của địa phương vẫn rất nền nếp như: tình hình an ninh trật tự được giữ vững; tỉ lệ dân tham gia các cuộc vận động và các phong trào chung đạt cao; hoạt động của các hội, đoàn thể tương đối đồng đều, có khả năng quy tụ và phát huy tốt vai trò của cán bộ, hội viên, đoàn viên trong tham gia các phong trào; các chi bộ Đảng và đảng viên thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Nếp nghĩ, nếp tư duy của người dân Tiêu Hạ giờ đã khác trước nhiều. Sự nhạy bén, linh hoạt, biết vận dụng những yếu tố tiến bộ, tích cực đã dần thay thế cho lối nghĩ, cách làm trì trệ, lạc hậu. Chả thế mà, cứ mỗi khi vận động một phong trào ở đây hầu như không gặp nhiều vướng mắc. Ví như việc làm đường ra đồng, đào đắp thủy lợi, nạo vét kênh mương, âu cống phải cần đến một lượng kinh phí rất lớn, xã chỉ hỗ trợ 50%, còn lại dân đóng góp nhưng cũng nhận được sự đồng thuận của nhân dân và cơ bản hoàn thành. Việc vận động nhân dân tích cực hưởng ứng đăng ký xây dựng thôn xóm văn hóa, gia đình văn hóa, thực hiện tốt hương ước làng văn hóa… tương đối hiệu quả. Nhiều hủ tục lạc hậu đã dần được xóa bỏ khỏi đời sống nhân dân.

Dẫu vẫn còn nhiều trăn trở trong xây dựng một đời sống tươi mới hơn nhưng với những thành quả đã đạt được trong suốt một chặng đường đổi mới, đất và người Tiêu Hạ xứng đáng được coi là một điển hình của nông thôn mới hôm nay.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy