Sông nước Lý Nhân và con sông Long Xuyên huyền thoại

Vùng đất Lý Nhân bốn mặt đều có sông lớn (sông Hồng, sông Châu) bao bọc nên từ xa xưa đã hình thành câu: "Nam Xang tứ cố đại hà" (Nam Xang bốn mặt sông lớn). Không chỉ có sông lớn ôm cả địa vùng bốn bề, Nam Xang còn có con sông gắn bó máu thịt ngàn đời - sông Long Xuyên huyền thoại.

Văn hóa sông nước được con người làm nên giá trị, nhưng có những giá trị tự sông nước làm nên và lưu truyền mãi mãi. Trên thế giới, các nền văn minh lớn đều hình thành nên từ những dòng sông: Ai Cập cổ đại có sông Nile; Ấn Độ có sông Hằng, sông Ấn; Trung Quốc có sông Hoàng Hà, Dương Tử (Trường Giang)...

Ở Việt Nam, nền văn hóa rực rỡ hơn bốn nghìn năm lịch sử có “Văn minh sông Hồng”. Về tên gọi theo nghĩa Hán - Việt: sông là hà, giang, xuyên. Hà là sông lớn; giang, xuyên là sông nhỏ. Sông núi đi cùng gọi là "giang sơn", làm nên một biểu tượng vừa hữu tình, vừa thiêng liêng (như núi Đọi - sông Châu...). Sông có "đời sống con sông", có hình ảnh, ngôn ngữ, ca từ, biểu trưng, tín ngưỡng dân gian, văn hóa tâm linh, lễ rước, tục thờ...

 Xã Hòa Hậu (Lý Nhân) nhìn từ trên cao. Ảnh: Thế Trang

Vài nét về địa vùng và sông nước ở Lý Nhân

Ba con sông Hồng - Châu – Long (sông Hồng - Châu Giang - Long Xuyên) giao hòa cùng đất trời, con người làm nên nét riêng ở Lý Nhân, tạo thế lưng tựa sơn (núi Đọi), chân đạp thủy (Tuần Vường). Sông Hồng là sông mẹ, hai chi lưu Châu Giang, Long Xuyên là sông con. Châu Giang gắn với lịch sử văn hóa Đại Việt, Long Xuyên gắn bó thân thiết với đất và người Lý Nhân từ xưa. Địa vùng Lý Nhân như con thuyền giữa bốn bề sông nước, lại có dạng lòng chảo nghiêng dần về phía đông nam.

Xưa kia đồng ít, bãi nhiều nên có câu "Nam Xang đồng hẹp bãi dài/Ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều". Mùa khô thì hạn, mùa nước thì lụt, "chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt". Thời phong kiến, thực dân, đê điều, đường sá không được chú trọng, mùa khô đi đường đất, mùa nước bơi thuyền, gọi là "sáu tháng đi chân, sáu tháng đi tay". Khắc nghiệt vậy nhưng con người lại làm nên nhiều kỳ tích, gồng mình chống chọi, nghiêng đồng đổ nước, vo đất làm đê, bắt sông chuyển dòng, khi hòa đồng thì cộng mệnh, cộng sinh.

Sông Hồng, sông Châu bao quanh huyện 78km với diện tích lưu vực khoảng 1.084 ha, đất tự nhiên hình thành tại chỗ và phù sa bồi đắp là 167,1 km2 (theo Địa chí Hà Nam). Sông Hồng (có tên: Nhị Hà, sông Cả, sông Cái) chảy qua địa phận Lý Nhân 28 km, bắt đầu từ Tắc Giang (Yên Lệnh, Duy Tiên), làm ranh giới tự nhiên với Hưng Yên, Thái Bình về phía đông và đông nam.

Sông Châu dài 35 km, có 3 nhánh: Nhánh từ Phú Xuyên (Hà Nội) chảy về địa phận Duy Tiên có tên Mang Giang (hay Thiên Mạc) còn in đậm sử Nhà Trần chống giặc Mông Nguyên thế kỷ XIII; nhánh chính từ sông Hồng ở Tắc Giang chảy đến Quan Trung (Văn Lý) chia hai nhánh, một chảy qua Lê Xá, đi Phủ Lý vào sông Đáy; nhánh còn lại bao quanh Lý Nhân làm ranh giới tự nhiên với Duy Tiên về phía bắc, tây bắc, với Bình Lục phía tây, tây nam; với Mỹ Lộc (Nam Định) phía nam (đoạn này thời Trần có tên Đại Hoàng), qua Hữu Bị ra Tuần Vường vào sông Hồng (đoạn này thời Trần có tên Hoàng Giang). Cửa Vường là chỗ sâu và hiểm nhất do các dòng lớn đối lưu thành rốn xoáy có thể "nuốt chửng" thuyền hàng trăm tấn nên nhiều thuyền bè phải tránh né chỗ này, bởi thế có câu: "Mười hai cửa bể, phải nể Tuần Vường"; "Nhất cao là núi Tản Viên/Nhất sâu là vũng Thủy Tiên cửa Vường" .

Sông Long Xuyên huyền thoại 

Long Xuyên nghĩa là rồng nước, Long cũng là long mạch của vùng đất này. Sông Hồng tựa rồng mẹ, Châu Giang, Long Xuyên tựa rồng con vào thế "Mẫu Long giáo tử", các nhánh nhỏ của Châu Giang, Long Xuyên đều là thủy long uốn lượn cùng. Long Xuyên vốn là sông tự nhiên có từ rất lâu, xin dẫn vài nét sử tích từ múa hát Lải Lèn.

Tương truyền, có chiếc hòm gỗ trôi từ sông Hồng vào Long Xuyên rồi dừng lại trước làng Nội Chuối (Bắc Lý), bên trong có sách dạy múa hát Lải Lèn liên quan đến tiền hát Xoan cổ (khởi tích từ miếu Lãi Lèn, Phù Đức, Kim Đức, Việt Trì, Phú Thọ). Tiếp đến là sử liệu Triệu Quang Phục (524 -571), từ Dạ Trạch (Hưng Yên) theo sông Nhị Hà vào Long Xuyên, đến An Triền (An Trạch, Bắc Lý) huy động dân binh phá giặc Lương (khoảng 550). Dân mở tiệc chào đón và múa hát cung chúc. Khi ngài qua đời (571) lập đền thờ, đến lễ hội thì ba làng cùng mở. Không riêng Yên Trạch, ở cuối dòng Long Xuyên cũng có đền thờ ngài tại chợ Vùa (Xuân Khê). 

Thời Trần, Châu Giang là đường rút quân chiến lược của Nhà Trần, kế "thanh dã" từ Thăng Long về Thiên Trường thì Long Xuyên là huyết mạch chuyển lương thảo về các kho Trần Xá, Trần Thương, Phú Cốc (Lỵ Nhân), cùng bầu đoàn thê tử vợ con quan tướng triều đình về Hoàng Xá (Khu Hoàng, Nhân Đạo). Việc chuyển binh, lương đường nước này theo cửa Khê Đà ra Châu Giang đi Thiên Trường hay sang Lục Đầu Giang (Vạn Kiếp, Hải Dương)... đều thuận.

Vào thời Lê Thánh Tông (1460-1497), sông Long Xuyên được ghi trong "Khâm Ban Đồng Bài" (sách đồng): "Vào ngày mồng 6 tháng 11 năm Canh Dần (1470) Trẫm dẫn đại quân tiến đánh tiễu trừ Chiêm Thành. Đến ngày mồng 8 thuyền rồng của Trẫm mới dừng lại tại cửa sông Long Xuyên thuộc địa phận Nam Xang...". Đó là một số sử liệu về sông Long Xuyên từ Lê Sơ về trước.

Thời Nguyễn, sách "Đồng Khánh địa dư chí" chép: "Một dòng sông nhỏ là Long Xuyên, trên từ thôn Thượng xã Mạc Xá, quanh co chảy qua giữa đồng ruộng sát chân đê, đến cửa cống xã Xuân Khê rồi đổ vào sông nhỏ (là sông Mang), dài khoảng 1.352 trượng, rộng 3 trượng 5 thước, sâu trên dưới 5 thước. Có 3 cầu bắc ngang (tục gọi là Cầu Triều, Cầu Tế, Cầu Không)". Sách "Đại Nam nhất thống chí" cũng chép:"Ngã ba Mạnh: có tên nữa là Long Xuyên, ở cách huyện Nam Xang 16 dặm về phía nam, là phân chi của sông Nhị, phía hữu chảy vào địa phận các tổng Trần Xá thuộc huyện hạt; chạy qua địa phận các tổng Ngu Nhuế và An Lý, đến xã Mạnh Khê đổ vào sông Cái, tục gọi là ngã ba Mạnh. Sau đắp đê lấp mất thượng lưu, hạ lưu thì đặt cống".

Như vậy, từ thời Nguyễn về trước sông Long Xuyên khởi thủy từ thôn Thượng, Mạc Xá (Mạc Thượng, Chính Lý), chảy đến Mạnh Khê rồi đổ vào Châu Giang. Còn cống, sách "Đại Nam nhất thống chí” cũng ghi: "Cống Khê Đà: ở hai xã Mạnh Khê, Cao Đà huyện Nam Xang, làm năm Gia Long thứ 15". Tức là xã Xuân Khê và thôn Cao Đà (Nhân Mỹ) ngày nay, cống đó sau có tên là "Vu", từ đồng âm là Vùa. Người Pháp lấp cửa sông, chuyển và xây cống ở xã Vũ Xá, tổng Ngu Nhuế (Sàng, Đạo Lý), dân gọi là "Cống Tây", vậy nên Long Xuyên trở thành sông đào dài khoảng 12 km, từ Đạo Lý chảy qua Nguyên Lý, Đức Lý, Bắc Lý, đến Nhân Nghĩa chia hai nhánh: một đi Cống Nha (Nhân Bình) ra Châu Giang; một đi Nhân Hưng, Nhân Mỹ đến cống Vùa Xuân Khê ra Châu Giang, tức là  cống ở Ngã ba Mạnh, xã "Mạnh Khê" (Xuân Khê ngày nay).

Trong kháng chiến chống Pháp, Long Xuyên là đường nước hết sức quan trọng, vì thế người Pháp chọn đặt nhiều đồn bốt tại các điểm xung yếu dọc sông để kiểm soát như: Chi Long (Nguyên Lý), Cầu Không (Bắc Lý), Cống Nha (Nhân Bình), Cống Vùa (Xuân Khê), Vĩnh Đà (Nhân Mỹ). Nhiều trận càn và nhiều đồn bốt của giặc bị du kích Việt Minh tiêu diệt cũng nhờ có sông Long Xuyên. Các trận quân ta đội bèo vượt sông, phục kích giết giặc, trừ gian, vận chuyển thương binh, đưa bộ đội vào ra vùng địch, vùng tự do... hầu hết đều từ đường sông nước Long Xuyên.

Hàng loạt địa danh: "Cầu Triều, Cầu Tế, Cầu Không"; "lục Đà, bát Xá, thất Khê", cùng các chợ quê, làng nghề… nổi tiếng cũng đều xuất hiện dọc theo con sông này. Các cầu có thể kể đến: Cầu Triều (làng Chều, Nguyên Lý), Cầu Tế (làng Tế Bến, Đức Lý), Cầu Không (Bắc Lý) với kì tích "Thượng Gia Hạ Kiều" (trên nhà dưới cầu) như sách đồng nói trên. Các địa danh đầy tính mỹ tự có thể kể đến: "Lục Đà" (6 nơi tên Đà), "Bát Xá" (8 nơi tên Xá), "Thất Khê" (7 nơi tên Khê) và vô số các chợ: Mạc Thượng (Chính Lý) bán sản phẩm đan lát (nong, nia, rổ, rá, dần, sàng); Chợ Nẻ, chợ Chều (Nguyên Lý) với bánh đa nem; chợ Mụa (Đạo Lý) với cót, gầu, thuyền nan; chợ Cầu Không (Bắc Lý) với thúng Quang Ốc, nơm, riu, đó, rọ, lờ cùng lưới vó (Đức Lý); chợ Quán (Nhân Bình); chợ Chanh (Nhân Mỹ); chợ Vùa, chợ Cầu May (Xuân Khê)… Sông Long Xuyên tương đối nhiều nhánh mương ngòi được trồng sen, giăng đăng, vó bè đã tạo nguồn cua, cá, ốc, ếch nuôi sống con người khi giáp hạt, lũ úng thất bát. Làng ven sông có nhiều nghề cổ truyền chế tác dụng cụ đánh bắt, nuôi cá, vớt cá bột sông Hồng... tạo nên những vùng dân cư thanh bình, trù mật bao đời.

Sông Long Xuyên huyền thoại có từ rất lâu nhưng ít sử liệu ghi lại. Con sông riêng của Nam Xang với những sử tích đã in dấu một thời, dù nay không còn nguyên vẹn (nhiều đoạn chung dòng với các kênh tiêu) nhưng tình cảm, sự gắn bó của người dân với dòng sông luôn thân thiết như máu thịt, như hình bóng tuổi thơ và những điều thiêng liêng nguồn cội.

Quốc Toản

Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.