Nón lá Liêm Sơn

Nón lá Khoái - Quán hay nón lá Liêm Sơn có mặt ở nhiều chợ quê trong và ngoài tỉnh, là vật dụng không thể thiếu của các bà, các mẹ, các chị, góp phần làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Nghề làm nón ở thôn An Khoái và Văn Quán (người dân thường gọi tắt là thôn Khoái, thôn Quán), xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm có từ bao giờ không ai rõ. Chỉ nghe những người làm nghề trong làng kể lại, từ bé họ đã thấy ông bà, bố mẹ làm nón, và trẻ con từ nhỏ đã làm quen với công việc làm nón… 

Khâu nón ở thôn An Khoái, xã Liêm Sơn (Thanh Liêm).

Đi trên đường làng Liêm Sơn thật thích. Những con đường bê tông phẳng lỳ, sạch sẽ, hai bên là cây cối xanh mát từ vườn của những gia đình bên đường. Làng xóm với những mái nhà kiên cố cao tầng xen lẫn những ngôi nhà lợp ngói rêu phong cổ kính. Và dưới hiên nhà, trên khoảng sân rợp mát bóng cây là các bà, các mẹ ngồi khâu nón. Không có cơ sở làm nón lớn nào ở 2 thôn Khoái - Quán, nhưng gần như gia đình nào cũng có người làm nón tại nhà. Đó thường là những phụ nữ trung tuổi, mắt còn đủ tinh, có sự kiên trì để làm công việc cần sự tỉ mỉ và khéo léo này. Họ thường mang hàng sang nhà nhau, tụ tập khoảng 2-3 người, vừa khâu nón vừa chuyện trò. 

Thấy hai người phụ nữ ngồi khâu nón ở hiên một ngôi nhà ven đường ở thôn An Khoái tôi rẽ vào. Trong hai chị thì có một chị là chủ nhà, một chị ở hàng xóm mang hàng sang cùng ngồi làm cho vui. Các chị hết sức niềm nở khi biết tôi tìm hiểu về nghề làm nón của làng. 

Chị Nguyễn Thị Loan - chủ nhà cho biết, trước đây nhà nào cũng làm nón, cứ mùa vụ xong là gần như tất cả phụ nữ, kể cả trẻ em gái tập trung làm nghề. Nhiều đàn ông cũng tham gia làm nghề, chủ yếu ở những công đoạn chuẩn bị nguyên liệu. Bây giờ do công thấp nên chỉ có những phụ nữ trung tuổi các nhà máy trong khu công nghiệp không tuyển, ở nhà vừa làm ruộng vừa chăn nuôi, lo toan việc nhà, con cái và tranh thủ làm nghề. 

Theo chị, mỗi ngày mỗi người chỉ làm được một cái nón, người trẻ hơn tinh mắt làm loại nón đẹp công cao hơn, được khoảng 50 nghìn đồng/ngày, người nhiều tuổi hơn mắt kém làm nón loại 2, 3 chỉ được khoảng 20-25 nghìn đồng/ngày. Hiện nón loại 1 đẹp nhất bán được khoảng 100 nghìn đồng/cái, loại 2, 3 khoảng từ 40-70 nghìn/cái. Cũng thi thoảng có người đặt nón cưới, nón tặng loại đặc biệt giá khoảng 120-150 nghìn đồng/cái thì được công cao hơn nhưng số này rất ít.

Khác với nhiều nghề phụ khác có thể tận dụng được cả lực lượng đã quá tuổi lao động, nghề làm nón cần mắt tinh tay khéo, vì thế chỉ những người trung tuổi làm là thuận lợi nhất. Những người già nếu có làm cũng chỉ làm nón loại 2, 3, dù hồi trẻ họ là những thợ nón rất giỏi.

Nói về quy trình làm một chiếc nón, chị Loan cho biết, trong làng hiện có 2 người chuyên cung cấp nguyên vật liệu làm nón, từ khuôn, lá nón, mo nang, vòng cạp nón, vanh, cước, kim, len màu,... Các đại lý mua lá nón xanh về phơi chín, lá nón chuyển sang màu trắng, sau đó đem hun diêm sinh để lá trắng thêm và chống mốc. Các gia đình mua lá nón đã được hun diêm sinh về bóc, dùng lưỡi cày là cho lá phẳng ra. Khi các nguyên vật liệu đã được chuẩn bị xong, để thành hình một chiếc nón bước đầu tiên là quấn vanh, tạo vanh trên khuôn, sau đó dán lá, khâu, và cuối cùng là cườm (viền vành nón). Nếu là nón trơn thì chỉ việc dùng len màu luồn nhôi nón (chỗ để buộc quai nón) là hoàn thành một chiếc nón. Nhưng nếu là nón loại đẹp thường phải thêu chữ, thêu hoa hoặc đặt những hình đề can hoa, phong cảnh, chim bồ câu,... có sẵn vào phía mặt trong của nón và khâu đè lên. 

Một chiếc nón đẹp, ngoài nguyên vật liệu tốt, thì những mũi khâu phải đều tăm tắp, viền vành nón tròn. Cầm một chiếc nón loại 1 và loại 2, 3 người ta dễ dàng nhận ra sự khác nhau về những mũi khâu. Để có những mũi khâu, viền vành nón đều, đẹp, không chỉ cần bàn tay khéo léo mà mắt phải tinh. Đó là lý do tại sao chỉ những người trẻ hơn mới làm được nón đẹp.

Nói về việc làm nghề bây giờ, chị Loan chia sẻ: Nhà báo xem ngồi lỳ từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, mờ hết cả mắt, đau rụn cả lưng mới được bình quân 40-50 nghìn đồng, chỉ những người nhà máy không nhận, lại vướng trăm thứ việc gia đình như chúng tôi mới còn gắn bó với nghề. Vả lại đấy là nghề ông bà bố mẹ để lại, chúng tôi ai cũng làm từ tấm bé, ai cũng thạo. Công tuy thấp nhưng tiết kiệm thì cũng đủ tiền rau dưa trong gia đình. Tụi trẻ có sức khỏe, rảnh tay rảnh chân làm khu công nghiệp, chạy chợ hoặc làm các nghề khác 200-300 nghìn đồng/ngày, chúng không làm cũng dễ hiểu.

Công thấp thế nhưng gần như nhà nào ở 2 làng Khoái - Quán cũng có người làm nón. Đúng như chia sẻ của chị Loan, họ làm nón để có thêm thu nhập trang trải trong gia đình, dù là không nhiều, và họ làm nón còn vì đây là nghề đã có từ bao đời ở làng, trong mỗi gia đình. Hiện tại, tuy công rẻ nhưng nón Liêm Sơn làm ra bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Theo tính toán của anh Đào Văn Phú, một người chuyên cung cấp nguyên vật liệu làm nón cho bà con trong làng, mỗi tháng làng cung cấp ra thị trường khoảng từ 5.000-6.000 chiếc nón.

Tuy công thấp nhưng nhờ chăm chỉ và cần mẫn, số lượng nón cung cấp ra thị trường mỗi năm cũng đáng kể, và mang lại một nguồn thu nhất định, giúp các gia đình ngày càng ổn định về kinh tế, mua sắm các vật dụng có giá trị trong gia đình, xây sửa nhà cửa khang trang hơn, nuôi con cái ăn học.

Trong đời sống bây giờ, chiếc nón sẽ ngày càng ít được sử dụng với mục đích che mưa nắng mà sẽ dần được sử dụng nhiều hơn trong du lịch, quảng bá hình ảnh bởi chiếc nón được coi như một biểu tượng của văn hóa Việt Nam, của người phụ nữ Việt. Một số làng làm nón, ví dụ như làng Chuông ở Hà Nội đã nhanh nhạy đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm để thích ứng với nhu cầu mới này, giúp nghề làm nón phát triển trong đời sống hiện đại, tăng giá trị thu nhập lên rất nhiều. 

Nón Liêm Sơn rẻ vì hiện tại vẫn chỉ làm sản phẩm bán ở thị trường nông thôn với mục đích che mưa nắng. Hy vọng trong tương lai không xa nón lá Liêm Sơn sẽ bắt nhịp được hướng đi mới rất có triển vọng phát triển làm nón để phục vụ nhu cầu du lịch, nhất là khi Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao đi vào hoạt động thu hút lượng khách rất lớn trong và ngoài nước đến Hà Nam.

Đỗ Hồng

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy