Nét độc đáo của làng quê “Song Văn”

Văn Xá, xã Đức Lý (Lý Nhân) không chỉ nổi tiếng xa gần bởi ngôi đình bề thế, cổ kính mà còn ở sự độc đáo trong lễ hội (mùng 10/3 hằng năm) với tình cảm giao hảo đặc biệt thân thiết của người dân hai làng quê có cùng chữ Văn trong địa danh- "Song Văn”: Văn Xá (Đức Lý, Lý Nhân) quê mẹ và Văn Lâm (Liêm Tiết, TP. Phủ Lý) quê cha.

Đình Văn Xá, xã Đức Lý (Lý Nhân). Ảnh: Thanh Nghị

Đình Văn Xá nằm cạnh tỉnh lộ 971, cách thị trấn Vĩnh Trụ ba cây số về hướng Cầu Không (Bắc Lý). Đình xây dựng từ thời Hậu Lê, mang đậm dấu ấn nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt thế kỷ XVI, XVII. Đình được công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia khá sớm (năm 1962), hiện là di tích tiêu biểu của Hà Nam bởi nhiều vẻ độc đáo.

Đình tọa bắc, hướng nam, phía trước có hồ sen tụ thủy, in bóng Thủy Lầu (lầu mẫu đơn). Bên tả là đường vào làng, có cây đa cổ thụ, bên hữu có giếng thiêng là "Giếng Thông thư"... tạo nên bức tranh thủy mặc đẹp dung dị, ấm áp theo phong vị làng quê xưa. Vẻ đẹp độc đáo trong kiến trúc đình Văn Xá trước hết là sự phong phú về những họa tiết mô tả hình ảnh rồng thể hiện từ nóc đến hiên, nội cung, đao đình, vì, xà, kiệu, nhang án, đồ thờ tự…

Vẻ đẹp độc đáo đáng chú ý nữa là sự bố trí những hàng cột cái, cột quân, cột hiên rất lớn, chắc khoẻ, tạo sự vững chãi, bề thế cho toàn bộ vì kèo, quá giang, xà gồ và bốn mái đình vốn mang vẻ đồ sộ khác thường so với nhiều ngôi đình khác. Tiếp đến là vẻ đẹp độc đáo của mái ngói. Những lớp ngói mái đình Văn Xá trông tựa như sóng cuộn lên cao, lớp ngói dưới cùng kích thước rất lớn (có viên nặng 11 kg), lớp sau nhỏ dần lên trên. Đầu ngói hình mũi hài, trổ hoa sen, vân mây cuộn tạo nên sự tinh tế, trang nhã cho toàn bộ mái đình. Nền hậu cung Văn Xá được thiết kế cao hơn tiền đình một cách hài hòa, cửa hậu cung có đôi bạch xà (rắn trắng) án ngữ.

Đình Văn Xá có  tới 30 đạo sắc phong, từ thời Hoàng Định thứ 10 (1609) đến Khải Định thứ 9 (1925) và hầu như còn nguyên vẹn. Ngôi đình gắn bó khăng khít với người dân và hội làng trong tâm thức giỗ cha, giỗ mẹ có sự cố kết của cộng đồng hai quê trong một tín ngưỡng dân gian kỳ thú.

Về tục thờ, theo ngọc phả, thần phả, sắc phong và văn bia “Song Văn linh từ bi ký" lưu giữ tại đình thì: Thời Vua Lý Thái Tổ (1010-1028), làng Văn Lâm (Liêm Tiết, TP. Phủ Lý) có ông Cao Phúc sức khoẻ phi thường chuyên nghề cua cá khắp nơi. Cao Phúc ra vùng Văn Xá, Nam Xương hành nghề, gặp bà Từ Thị Lang cùng cảnh ngộ và nên duyên vợ chồng.

Đưa nhau về Văn Lâm, Liêm Tiết sinh sống, ba năm sau ông bà vẫn chưa có con. Một lần đi bắt cá ở sông Trung Hà (An Bài, Bình Lục) hai người mò được đôi trứng lạ, đem luộc không chín, đập không vỡ. Thấy lạ ông bà  cất giữ, sau 100 ngày thì nở ra đôi rắn trắng, trên đầu có chữ “Vương”, dưới bụng đều có chữ, một là “Câu mang anh", một là “Câu mang em". Ông bà cho là trời định nên giữ lại nuôi như con trong nhà.

Tiết tháng 3 năm đó, Văn Lâm có dịch bệnh hiểm nghèo, ông bà ra sức cứu chữa. Đêm 10/3, trời mưa to chớp giật đến sáng thì quang tạnh, dịch nạn được tẩy trừ, người người khỏi bệnh. Ông bà Cao Phúc cũng quy về cõi tiên cùng trong ngày này. Điểm trùng hợp nữa là trong làng đột nhiên xuất hiện giếng nước có rất nhiều rùa cùng đôi rắn trắng bơi lội, sau thì không thấy rắn nữa. Điều lạ nữa là giếng nước Văn Lâm có mạch ngầm thông sang giếng nước Văn Xá, dân hai làng có thể báo tin cho nhau bằng cách cho thư vào quả bòng thả xuống giếng, quả bòng sẽ mang thư về đến làng bên kia. Nhiều đời sau này, dân hai làng thường truyền tụng câu ca “Miếu thiêng có giếng thông thư” là vậy.

Một năm, nước dâng to làm khúc đê Bích Trì (Thanh Liêm, nay là TP. Phủ Lý) bị vỡ, quan trấn đê và quân dân đang hoang mang chưa biết làm thế nào thì đột nhiên đôi bạch xà ẩn tích trong giếng thiêng thình lình bơi ra, phút chốc thân hình to lớn lạ thường. Đôi bạch xà cắn đuôi nhau chặn dòng nước để mọi người đắp lại đê. Xong việc lại trở về giếng, biến mất. Thấy lạ, quan trấn đê tâu về triều, nhà vua phong đôi bạch xà là “Nhị vị thuỷ tế Long Vương", truy phong Cao ông là “Văn Phúc Đại Vương", Từ Bà là “Thị Lang Công chúa", lại ban hai áo rồng chầu màu vàng, màu lục để dân làng phụng thờ nơi miếu.

Còn tại Văn Xá, Nam Xương năm đó cũng có dịch bệnh hoành hành, ngày 18 tháng 2 thân mẫu “Thị Lang Công chúa” hiển linh cứu dân khỏi bệnh, từ đó dân lấy ngày này làm giỗ, tưởng nhớ công ơn. Tương truyền, bà còn âm hiển giúp vua Lê Thái Tổ dẹp tan giặc cướp trong vùng. Vua ban sắc, phong bà là “Đệ nhất Thượng đẳng thần", ra ý chỉ cho dân hai quê thờ phụng là thành hoàng cùng nhị vị Thuỷ tế ở đình. Việc trị thuỷ sau này thành lệ: đê sông Hồng (Lý Nhân) thì người Văn Lâm sang tu bổ, đê Tái Đầm (Thanh Liêm, nay là TP. Phủ Lý) thì Văn Xá sang giúp.

Từ tích này, dân hai quê có câu: “Đắp đê sông Hồng có bác Văn Lâm/Cứu đê Tái Đầm có bác Văn Xá”. Lễ hội hai làng cũng định thành lệ: Văn Xá (quê mẹ) thì tế lễ giỗ cha vào mùng 10 tháng 3; Văn Lâm (quê cha) thì tế lễ giỗ mẹ vào 18 tháng 2; giỗ mẹ thì người Văn Xá sang Văn Lâm làm chủ tế, chủ trì hành lễ và ngược lại.

Về lễ hội Văn Xá (mùng 10 tháng ba), cùng với chuẩn bị công việc, các gia đình sửa soạn đón khách Văn Lâm sang, người ở xa về, các xóm ngõ nhộn nhịp, rôm rả tiếng chào hỏi gọi “bác” xưng “em”. Ngày chính hội, nam phụ, lão ấu trong làng tề tựu đông đủ cùng khách Văn Lâm và khách thập phương về dự. Sau ba hồi chiêng trống, chủ tế tuyên đọc khai hội, đội kiệu giá thánh rước Mẫu ra Thuỷ Lầu rồi rước về; đội nam quan vào cung tế tửu, đọc “Linh từ đại hội thành văn"; đội nữ quan dâng hương trước cửa tiền tế, diễn xướng nhiều tích trò ca ngợi đức thành hoàng làng, tưởng nhớ, tri ân tình cha, nghĩa mẹ và sự giao hảo anh em giữa dân chúng hai làng. Các điệu múa mộc mạc, đơn nhất, vừa dân dã, vừa có yếu tố tâm linh nguyên gốc do các nghệ nhân xưa phấn tác. Khi chu tất phần tế lễ, cỗ việc làng cũng vừa xong. Dân từng giáp nhận phần mang về rồi mời các "bác Văn Lâm" về theo cùng thụ lộc với mọi nhà. Phần tế lễ tiếp tục diễn ra hết ngày mùng 10, sáng 11 thì tiễn “bác Văn Lâm" về quê trong sự nuối tiếc, dùng dằng tình cảm.

Nét ứng xử đặc sắc ở hai quê Văn Xá, Văn Lâm là bất kể trẻ, già, nam nữ khi về hội làng gặp nhau đều gọi “bác" xưng “em". Lại tránh gọi huý tên: Thánh Phụ (Phúc gọi Phước), Thánh Mẫu (khoai lang gọi khoai ngọt); rắn gọi là khộ. Về tích trò có trò: "chạy gậy" (dồn cá vào để bắt, tái hiện nghề đánh cá); “giắng bông", (còn gọi là giằng bông, đôi bông hoa sau lễ được dùng để múa rồi ném ra sân hội, dân các xóm hò nhau giằng lấy, giằng được đem về coi như cả năm may mắn, nhiều lộc…

Tâm thức “giỗ cha mẹ” trong lễ hội hòa quyện cùng sự giao hảo "Song Văn" giữa hai làng quê đã cố kết bền vững tình cảm người dân Văn Xá, Văn Lâm bao đời. Đặc biệt, những tích trò, diễn xướng dân gian đan xen tín ngưỡng phồn thực đã làm nên giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể độc đáo ở lễ hội làng Văn Xá. Từ lâu những giá trị đặc sắc đó chủ yếu được lưu giữ là bởi nhiệt huyết của các cụ cao niên, do vậy rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để tiếp tục nghiên cứu, giải mã, gìn giữ, nối truyền những biểu tượng đẹp độc đáo trong lễ hội ở vùng quê giàu truyền thống văn hiến này.

Quốc Toản (Lý Nhân)

Quốc Toản, Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy