Nét đẹp ở một vùng quê giàu truyền thống

"Đinh Xá cảnh sắc rườm rà/Đồng thì lúa tốt, lợi hà(*) lắm cây/Đầm Chiềng cá lớn đâu tày/Chợ cao(**) bún, bánh, hàng đầy mía, rau"… lần theo ý tứ câu ca của học giả Ngô Vi Liễn(***), chúng tôi tìm đến làng Chiềng (xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý) và được chứng kiến những nét đẹp văn hóa độc đáo ở một vùng quê giàu truyền thống.

Chiềng là một thôn lớn của xã Đinh Xá, mảnh đất có bề dầy lịch sử, văn hóa lâu đời, nơi sản sinh ra nhiều vị tướng tài, có công lao lớn và cống hiến trọn đời cho đất nước. Mỗi gò đất, cánh đồng, con đường nơi mảnh đất thanh bình ven dòng Châu Giang này đều gắn liền với tên tuổi, thân thế, sự nghiệp của các vị thần đang được nhân dân thôn Chiềng nhiều đời tôn kính phụng thờ tại đình làng.

Đình Chiềng thờ bốn vị đại vương đều là những danh nhân có công với dân, với nước. Có thể kể đến: Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng; Đông Sưng Đại Vương Đoàn Văn (hai danh tướng dưới triều nhà Lý); Đông Hải Đại Vương Nguyễn Bảng (đỗ Đệ giáp tiến sĩ), người có công giúp nhà Lê đánh tan quân Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi, được vua Lê Thánh Tông phong là Hàn lâm viện kiêm Tả hữu thi giảng; Mỹ Lý Đại Vương Trần Quang, danh tướng có công với triều đình nhà Hậu Lê, được vua Lê Trang Tông rất mực yêu mến.

Đình Chiềng - Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Cả bốn vị đại vương đều là những vị quan yêu mến cảnh sắc, gắn bó với vùng quê Đinh Xá, có công truyền dạy dân chúng nơi đây khai khẩn ruộng đất, lập chợ, xây cầu cống, mở mang giao thương, ngành nghề, lại lấy nhân đức khuyên nhủ mọi người hướng theo thuần phong mỹ tục, kiến tạo quê hương ngày càng trù phú, thanh bình.

Để tưởng nhớ, tri ân công lao của các bậc tiền nhân, hằng năm vào những dịp ngày sinh, ngày hóa của tứ vị đại vương, dân chúng Chiềng Xá đều thành tâm mở hội, chăm lo việc tế lễ rất chu tất, trọng hậu. Vào mỗi kỳ việc làng, dân chúng bốn giáp (nhất, nhì, ba, tư) nô nức dành lựa những nông sản thơm ngon, tinh khiết nhất sau mỗi mùa vụ thu hái để làm vật phẩm dâng cúng.

Gần đến ngày mở hội, các giáp, họ rộn ràng không khí, người giã gạo, xay bột, làm bánh, nấu chè, đồ xôi sửa lễ, người dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang đình, chùa, đền, miếu, rồi dựng rạp, sắp kiệu, lọng, cờ quạt chuẩn bị cho đám rước. Sau các nghi thức dâng cúng vật phẩm, tế lễ trang nghiêm, trọng vọng là kế đến phần hội của dân làng hết sức náo hoạt, đông vui.

Cùng với phần dự hội, góp vui của phường chèo và đội múa sư tử, dân chúng các giáp, họ đua nhau thi thố, tranh tài cao thấp bằng những trò: leo cây chuối, leo cầu phao, đấu vật, đánh cờ người, đập niêu, bịt mắt bắt dê… Qua đi bao biến cố thăng trầm thời cuộc, những mỹ tục, thuần phong của dân chúng Chiềng Xá gắn với ngôi đình cổ vẫn được duy trì, gìn giữ, tạo nên nét đẹp truyền thống văn hóa, đặc sắc nơi mảnh đất ven dòng Châu Giang thanh bình này.   

Cùng với những kỳ lễ hội, việc làng mang đậm bản sắc quê hương, ngôi đình Chiềng cổ kính, uy nghi - nơi tôn trí, khói hương thờ phụng các vị danh thần cũng được coi như một báu vật vô giá, là niềm tự hào của người dân xứ này.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đình Chiềng thuộc nhóm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Ngôi đình cổ tọa trên thế đất "Voi quỳ, ngựa cưỡi" (hai bên đình có hai gò đất, một gò có thế voi quỳ, một gò có thế ngựa cưỡi), chính diện nhìn theo hướng tây nam, trông ra hồ nước bán nguyệt trong xanh, phẳng lặng, vừa thuận theo vận khí phong thủy, vừa tạo cảnh quan hài hòa, cân đối. Bức bình phong và hàng cột trụ xây cất theo lối kiến trúc truyền thống phía trước sân đình cùng những tán cây cổ thụ, sum suê in bóng xuống hồ nước tạo nên cảnh sắc hết sức nên thơ, trữ tình. Bước qua khoảng sân rộng lát gạch gốm son, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng tận mắt ngôi chính thất đình Chiềng uy nghiêm, cổ kính đã tồn tại hàng trăm năm.

Điểm độc đáo về kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc của đình Chiềng là vừa có nét tương đồng với các di tích truyền thống cùng thời, vừa có những sáng tạo khác biệt từ kết cấu bố cục đến kỹ thuật xây lắp cũng như nghệ thuật chạm khắc. Về kết cấu bố cục, đình Chiềng xây cất theo kiểu chữ đinh, tiền đường năm gian, hậu cung ba gian. Phía trước tiền đình có hai dãy tào xá (mỗi dãy ba gian), tạo nên một tổng thể kết cấu và phong cách kiến trúc vừa trang nghiêm, bề thế, vững chãi, vừa uyển chuyển, hài hòa, thuận mắt. Đặc biệt, phía trên nóc đình, đầu hồi cũng như bên trong năm gian tiền đường, ba gian hậu cung là những mảng họa tiết đắp nổi (bằng chất liệu vữa truyền thống) và những mảng chạm khắc gỗ hết sức tinh xảo, độc đáo, mang đậm quan niệm triết lý cùng phong cách nghệ thuật dân gian thế kỷ XIX và phần lớn vẫn còn được lưu giữ nguyên trạng.

Đình Chiềng cùng với chùa Chiềng, miếu thờ quan bản xứ, khu văn chỉ và các địa danh: chợ Tái, làng nghề làm bún, quai đê, bến đò câu tử… tạo thành những điểm nhấn, khắc họa nên diện mạo của một vùng quê vừa trù mật, thanh bình, vừa có bề dày về lịch sử, văn hóa truyền thống, đúng như ý tứ trong câu ca "vận cảnh" của học giả Ngô Vi Liễn.

Tự hào với những di sản vô giá mà các bậc tiền nhân để lại, nhân dân làng Chiềng hôm nay cùng nhân dân các thôn trong xã luôn trân trọng giữ gìn mối giao hảo, đoàn kết, động viên nhau nỗ lực kiến tạo quê hương, xây dựng đời sống văn hóa mới. Chú trọng việc giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu, cùng với giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo di tích, duy trì lễ hội, những năm gần đây người làng Chiềng thành kính tôn trí, ghi danh 34 liệt sỹ quê hương tại ngôi đình cổ và hằng năm đều tổ chức lễ cầu siêu, tri ân rất chu tất vào dịp 27/7 cũng như những kỳ lễ trọng.

Mới đây, ba xóm (Trần Đồng, Trung, Văn Ngoại) thực hiện sáp nhập thành một đầu mối, với hơn 600 hộ và trên hai nghìn khẩu. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để nhân dân vùng quê này củng cố, thắt chặt thêm tình đoàn kết, huy động mọi nguồn lực để tôn tạo các di tích, giữ gìn những lề thói, tập tục đẹp, động viên nhau nỗ lực hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Thế Vĩnh

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.