Đội trống nữ làng Đọi Tam

Với dàn trống hội gồm 45 trống đại, trung, trống đồng và trống múa đều do phụ nữ làng đảm nhiệm, Đội trống nữ làng Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên) đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương làng trống.

Trong các loại nhạc cụ, trống là một thứ nhạc cụ nguyên thủy, ban sơ, thân thiện, thiên về lực, có sự dữ dội, mạnh mẽ rất riêng, theo một phong cách gần như không tồn tại ở các loại nhạc cụ khác. Chính vì vậy, những người chơi trống luôn cần có sự đam mê, nồng nhiệt, sôi nổi và một xúc cảm mạnh mẽ…

Chị Đỗ Thị Nguyệt, Đội trưởng đội trống nữ làng Đọi Tam, tham gia đội trống của làng ngay từ những buổi đầu tiên, đến nay, chị đã trở thành một trong những tay trống trụ cột của cả đội với kinh nghiệm biểu diễn khá dày dặn. Chị cũng chính là người thầy dạy các bài trống hội cho hơn chục con em của làng cũng như nhiều đội trống của các vùng lân cận.

Chị Nguyệt tâm sự: Ban đầu thành lập (năm 2003) với mục đích phục vụ các lễ hội của địa phương, đội trống của làng có 60 thành viên, trong đó có 12 thành viên nam. Sau dần, các thành viên nam cao tuổi không tham gia nữa, những nam thanh niên đều phải lo đi làm kinh tế nên đội trống được giao hoàn toàn cho chị em phụ nữ trong làng đảm nhiệm.

Tiêu chí để lựa chọn các thành viên tham gia đội trống nữ của làng là trong độ tuổi lao động, có sức khỏe, có hình thức ưa nhìn và nhất định phải có sự đam mê, nhiệt tình. Bởi theo chị Nguyệt, nếu không có sự đam mê, nhiệt tình sẽ không thể học được các bài trống cũng như không thể toàn tâm dành thời gian, tâm huyết cho việc tập luyện, biểu diễn, vì khi đã vào đội trống, chị em gần như phải đầu tư khá nhiều thời gian, công sức cho việc tập luyện, chuẩn bị biểu diễn phục vụ, không những ở địa phương mà còn ở các tỉnh lân cận…

Chị Đỗ Thị Nguyệt (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên đội trống làng Đọi Tam

Đánh trống, ai cũng có thể cầm chiếc dùi lên và ngẫu hứng, nhưng chơi trống theo bài, có nhịp điệu thì không phải ai cũng biết. Với các thành viên đội trống nữ làng Đọi Tam, không biết có phải do họ sinh ra và lớn lên ở quê hương của nghề làm trống truyền thống mà các động tác đánh trống cùng phong thái biểu diễn dàn trống hội cũng hết sực tự nhiên, thuần thục, đều tăm tắp, đầy xúc cảm mạnh mẽ và một tinh thần hào sảng bao trùm trong mỗi bài trống.

Những phụ nữ đồng chiêm, quanh năm lam lũ ruộng vườn khi đứng trên sân khấu lung linh ánh đèn, trước dàn trống đồ sộ đều hóa thân thành những diễn viên thực thụ, biểu diễn hết mình và thể hiện cảm xúc một cách mạnh mẽ, hưng phấn, sảng khoái, sự mạnh mẽ như những vận động viên thể thao…

Để có được những giây phút cống hiến, được thể hiện hết mình trên sân khấu, mỗi người trong số họ đều phải nỗ lực vượt qua nhiều vất vả cũng như trút bỏ những nỗi niềm riêng. Trước mỗi buổi phục vụ biểu diễn, các thành viên trong đội phải tập hợp nhau để tập luyện các bài trống, rồi chuẩn bị trang phục, nếu biểu diễn ở các tỉnh xa thì phải đi qua đêm và thường biểu diễn vào ban đêm, việc ăn ở, đi lại, rồi thuê xe ô tô vận chuyển dàn trống (thường phải thuê 2 ô tô chở trống và các thành viên của đội, vì riêng quả trống đại đã có đường kính 1,8m), rồi việc bảo đảm giờ giấc cũng hết sức phức tạp.

Theo chị Nguyệt, thường đi biểu diễn ở xa và ban đêm, chúng tôi đều phải nhờ nam giới (thường là trưởng thôn) đi cùng để bảo đảm an ninh cũng như mọi vấn đề đi lại cho chị em. Những vất vả, trục trặc không mong muốn dường như không làm giảm tinh thần, nhiệt huyết cùng sự đam mê của các thành viên đội trống. Bù lại, họ đã luôn nhận được những tràng pháo tay cổ vũ, động viên của khán giả, sự tin tưởng của các cấp ủy, chính quyền địa phương bởi trong sự thành công của một sự kiện, nghi thức, đều có sự góp mặt quan trọng của đội trống nữ làng Đọi Tam.

Tiếng lành vang xa. Đội trống nữ Đọi Tam không chỉ phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của huyện và địa phương mà còn nhận được nhiều hợp đồng mời tham gia vào các lễ khởi công, khánh thành hay sự kiện quan trọng của các đơn vị, công ty, cơ quan  khắp các vùng lân cận.

Chị Nguyệt nhớ nhất lần ra Hải Phòng biểu diễn theo lời mời của một công ty liên kết với nước ngoài, Đội trống của các chị lần đầu tiên được biểu diễn trên một sân khấu lớn, hoành tráng ngoài trời, rực sáng ánh điện, các chị được chào đón, cổ vũ rất nhiệt tình bởi những tràng pháo tay không dứt, rồi lại được mời dự tiệc đứng và giao lưu cùng với mọi người, vui ơi là vui…

Với những người như chị Nguyệt, nhịp trống của mỗi bài trống dường như đã ngấm vào máu, không thể quên. Được đánh trống là cả một niềm vui lớn cũng như niềm đam mê của chị. Bởi thế mà ngay cả những khi đội trống đi biểu diễn, dù đang ốm nhưng chị vẫn đi theo đội chỉ để cho vui và động viên tinh thần các thành viên trong đội…

Đi qua những thăng trầm của thời gian, với mong muốn góp phần quảng bá hình ảnh và văn hóa làng nghề truyền thống, Đội trống nữ của làng Đọi Tam đã không quản ngại khó khăn, mang trống đi phục vụ cho nhiều lễ hội trong khu vực, đưa tiếng trống làng Đọi Tam đến với người dân mọi miền, tạo nên một nét đặc sắc riêng. Tự hào nhất là khi được tham gia Lễ hội Tịch điền hằng năm do tỉnh tổ chức tại quê hương núi Đọi, sông Châu. Và trong những dịp lễ hội của làng Đọi Tam, dân làng lại được nghe những bài trống hội rộn rã, âm vang, thúc giục những bước chân của người con quê hương về với hội làng truyền thống…

Tuy nhiên, do những gánh nặng mưu sinh, hiện tại, nhiều thành viên đã phải rời bỏ đội trống để đi làm việc trong các công ty, vì thế, số lượng thành viên đội trống ngày mai một. Hiện chỉ còn 30 thành viên, người trẻ tuổi nhất 24, người cao tuổi nhất cũng 50. Chính vì vậy, nỗi lo đội ngũ kế cận cũng như kinh phí bảo đảm duy tu dàn trống để duy trì hoạt động của đội trống đang là một trăn trở lớn đối với các thành viên đội trống, nhất là với những người từng gắn bó, tâm huyết như chị Nguyệt, cũng như cấp chính quyền địa phương…

Một mùa Xuân mới lại về trên làng trống Đọi Tam. Làng trống Đọi Tam đang vươn mình, ngày một phát triển với tư duy năng động, sáng tạo của những con người luôn bắt kịp xu thế thời đại để mong giữ gìn, bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống đặc sắc của cha ông để lại. Và ước mong duy trì được đội trống nữ để cống hiến, mang nét văn hóa đó ngày càng vươn xa hơn đến mọi miền đất nước không chỉ là của riêng chị Nguyệt hay chính quyền địa phương mà luôn là mong muốn của tất cả người dân trong làng.

Thu Thảo

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.