Địa danh Chiềng và biến thể ở Hà Nam

Nghiên cứu lịch sử hình thành làng xã ở Hà Nam, chúng tôi bắt gặp những làng mang từ tố Chiềng và biến thể. Các nhà ngôn ngữ học lịch sử cho biết, đó là từ rất cổ phản ánh không gian tụ cư của người Việt thời tiền, sơ sử.

Truyền thuyết dân gian được sách Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ XV) ghi chép: Xã hội nước Văn Lang (thế kỷ VII đến thế kỷ TCN) có một tầng lớp thống trị gồm: Hùng Vương, Lạc Hầu, Lạc Tướng, Bồ Chính... Bồ Chính là ghi âm Bồ Chiêng hay Po chiêng, tức là người đứng đầu của một chiềng - tổ chức hành chính cấp trên cơ sở.

Lớp địa danh có từ tố chiềng phân bố trong một không gian rất rộng ở miền Bắc Việt Nam. Một hiện tượng lý thú là những địa điểm mang địa danh có từ tố chiềng ở Đồng bằng Bắc Bộ cũng là nơi khảo cổ học đã phát hiện được những di chỉ nổi tiếng với di vật phong phú, điển hình của nền văn hóa Đông Sơn như Chiềng Vậy (Hà Nội), Gò Chiềng (Phú Thọ).

Một góc phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Thế Tân

Trải qua lịch sử lâu dài trong quá trình tụ cư của người Việt, cách phát âm từ Chiềng cũng có sự biến thể ngoài cách phát âm gốc chiềng còn phái sinh những biến âm: Giềng, Viềng, Viêng, Phiêng, Xiềng, Triền, Chàng (Tràng), Chuông, Trang, Truyền, Chương...

Những phát hiện khảo cổ học, đặc biệt là việc khai quật các mộ thuyền ở Duy Tiên, Kim Bảng, thị xã Phủ Lý đã minh chứng vào những thế kỷ trước, sau công nguyên, người Việt thời đại các vua Hùng mang “căn cước” văn hóa Đông Sơn từ miền núi cao, rừng sâu ồ ạt tiến xuống khai phá vùng trũng Hà Nam. Cư dân cổ tụ cư trên những đồi đất cao ven các con sông hay chân núi, hình thành các đơn vị quần cư. Do yêu cầu phải hợp lực để chống chọi với các trở lực của thiên nhiên, điều kiện khí hậu, thời tiết, địa hình, thủy văn... không mấy thuận lợi nên các đơn vị quần cư đó khá đông người. Đó chính là những làng cổ đầu tiên. Những làng cổ đó được sử sách gọi là Chiềng, mặc dù sau này làng cũ có thể được chia nhỏ hay dân cư phiêu bạt do một lý do nào đó thì trong tâm thức cư dân địa danh này được ghi nhớ khá lâu dài. Trong vở chèo cổ “Quan âm Thị Kính”, mẹ Đốp (mõ làng) đã chẳng từng rao: Chiềng làng, chiềng chạ, Thượng, Hạ, Tây, Đông... đó sao?

Trên đất Hà Nam những địa danh có từ tố Chiềng với các dạng biến thể, từ đơn hay từ ghép ánh xạ tên làng cổ xưa vẫn còn, tuy không nhiều. Bước đầu chúng tôi thống kê được ở thành phố Phủ Lý và 5 huyện. Đó là: Lạc Tràng (phường Quang Trung), Mễ Tràng (phường Lương Khánh Thiện), Đình Tràng (phường Lam Hạ), Tràng Châu (phường Châu Sơn), Chiềng (xã Đinh Xá), Tràng (xã Trịnh Xá) thuộc thành phố Phủ Lý; Đạo Truyền (xã Đồn Xá), huyện Bình Lục; Chuông (xã Duy Minh), huyện Duy Tiên; Chàng, Trường (xã Bắc Lý), Thọ Chương (xã Đạo Lý), huyện Lý Nhân; huyện Thanh Liêm có 6 địa danh: Lương Tràng, Chiền (Liêm Tiết), Thượng Trang, Hạ Trang (Liêm Phong), Lác Chiền (Thanh Hương), Chàng (Thanh Tân).

Tam Mai

Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.