Ba Sao - thị trấn Anh hùng và đổi mới

Trước đây nhắc đến Ba Sao, nhiều người nghĩ ngay đến nỗi “hãi hùng” bởi sự hẻo lánh, xa xôi, cách trở với những con dốc: Suối Ngang, Ba Chồm, Bòng Bong..thì nay Ba Sao được biết đến với những địa danh mới nghe thật phấn khởi, thật vui: “Thị trấn miền sơn cước”, “Vùng trọng điểm du lịch quốc gia”…

Trước thềm năm mới 2019, địa danh vùng đất đặc biệt này lại thêm một lần được nhắc đến với sự kiện hết sức trọng đại: Đảng bộ, nhân dân thị trấn Ba Sao đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp. 

Trước Cách mạng Tháng Tám, rừng núi Ba Sao cùng với các cơ sở vùng lân cận: Khang Thái, Đức Mộ, Thọ Cầu, Thụy Xuyên... là “An toàn khu” của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Liên Tỉnh uỷ và Tỉnh ủy Hà Nam. Dưới ánh sáng của Đảng mà trực tiếp là sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hà Nam, Huyện ủy Kim Bảng, nhân dân Ba Sao đã vùng lên giành chính quyền, xoá bỏ chế độ áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, trở lại vị trí người làm chủ.

Một góc thị trấn Ba Sao (Kim Bảng). Ảnh: Lương Thế

Trong những năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ, “An toàn khu” Ba Sao là nơi dừng chân, đóng quân của các đơn vị bộ đội chủ lực Quân khu Hữu Ngạn, nơi tập kết kho tàng của quân đội, nơi huấn luyện quân sự, nơi sơ tán của nhiều cơ quan và là mắt xích quan trọng trong đường dây liên lạc với Quân khu Tả Ngạn.

Cũng chính từ vị trí quan trọng đó nên vùng rừng núi Ba Sao luôn phải hứng chịu sự càn quét, lấn chiếm, oanh kích bằng hỏa lực tầm xa của các đơn vị viễn chinh Pháp. Các xóm núi Tam Chúc, Cốc Nội, Cốc Ngoại… từng bị hàng trăm đợt đại bác địch bắn phá. Nhà cửa, ruộng nương, của cải bị đốt cháy, phá hủy nhưng người dân Ba Sao vẫn bền gan, vững chí, vượt qua thử thách, gian khổ, dồn sức cho kháng chiến.

Khắp các xóm núi Ba Sao, nhân dân đoàn kết một lòng tích cực tăng gia sản xuất với những phong trào, khẩu hiệu hành động sáng ngời ý chí quyết tâm: “Không bỏ một tấc ruộng hoang”, “Tăng gia sản xuất để nhân dân, bộ đội ăn no, đánh thắng”… Hội “Mẹ chiến sĩ”, hội phụ nữ, nông dân cứu quốc Ba Sao gom góp từng luống rau, con gà, vò tương, chai mắm… ủng hộ kháng chiến. Hàng trăm gia đình xóm núi Ba Sao nhường cơm, sẻ áo, nhường lại ruộng vườn, ủng hộ cây que, tranh nứa cho các cơ quan, đơn vị bộ đội xây dựng lán trại, hầm hào. 

Những nỗ lực, hy sinh bền bỉ của quân và dân vùng rừng núi Ba Sao đã thiết thực đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ trên quê hương đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, nhân dân Ba Sao tiếp tục hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược vừa sản xuất, chiến đấu, vừa sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Quân dân Ba Sao sát cánh cùng bộ đội phòng không, dân quân xã bạn chiến đấu anh dũng trong hai lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, bắn rơi 3 máy bay Mỹ, bắt sống 2 giặc lái.

Giai đoạn 1976-2010, Đảng bộ, nhân dân Ba Sao tiếp tục kiên trì khắc phục khó khăn, tổ chức lại sản xuất, từng bước thực hiện cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế vùng đất Ba Sao chuyển dịch phù hợp theo hướng đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tạo ra những bước đột phá thần kỳ. Năng suất, sản lượng lương thực liên tục tăng cao, bình quân lương thực đầu người năm 2005 đạt 577kg (tăng gấp đôi so với năm 1986). Năm 2010, một phần lớn diện tích được chuyển đổi sang dự án phát triển du lịch song bù lại doanh thu từ ngành nghề, dịch vụ hằng năm ở Ba Sao tăng bình quân 26-28%. Có việc làm, thu nhập tại chỗ ổn định, bền vững, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện.

Thời điểm giữa nhiệm kỳ 2015- 2020, 16/19 chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở Ba Sao có bước tăng trưởng bình quân rất đáng phấn khởi, theo đúng tiến độ chỉ tiêu đề ra đến cuối nhiệm kỳ. Nếu như trước đây Ba Sao từng được biết đến bởi: chè, mơ, ngô, mía, sắn… thì nay na dai, đào cảnh, bưởi, cam, ong mật chính vụ, trái vụ, rồi bò sữa, bò thịt, dê núi, gà đồi, lợn rừng Ba Sao đang góp phần hình thành một vùng nông sản hàng hóa giá trị kinh tế cao đầy tiềm năng, lợi thế. Các xóm núi hẻo lánh chan hòa ánh điện, rộng mở những trục đường kiên cố hóa và bừng sáng những ngôi nhà tươi màu sơn mới… đang điểm tô cho diện mạo vùng đất Ba Sao hôm nay ngày càng khởi sắc, tiến bộ. 

Ngày 27/8/2009, xã miền núi Ba Sao trở thành thị trấn Ba Sao với cách gọi vui của nhiều người - “Thị trấn miền sơn cước”. Và tiếp đó, địa danh Ba Sao được xa gần biết đến nhiều hơn khi vùng đất bán sơn địa này được chính thức quy hoạch để phát triển thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia. Những địa danh: Núi Mác, Ba Hang, Suối Ngang, Cốc Nội, Voi Chẹt, Tam Chúc, Bến Mánh… đang trở thành những điểm nhấn của một vùng du lịch trọng điểm tầm cỡ.

Và thật đáng quý tấm lòng của người dân Ba Sao anh hùng đã từng nhường lại nương non, nhà cửa phục vụ kháng chiến hôm nay lại sẵn sàng hy sinh một phần quyền lợi để mở lối cho mảnh đất quê hương chuyển mình, phát triển. Bà con xóm đảo Tam Chúc tình nguyện di dời cả xóm để dành đất cho dự án phát triển du lịch. Tính đến hết năm 2018, Ba Sao đã hoàn thành 7 đợt giải phóng mặt bằng quy mô lớn phục vụ phát triển du lịch và nhiều dự án lớn khác của địa phương.

Thị trấn Ba Sao. Ảnh: Google Maps

Những thắng lợi to lớn mà Đảng bộ, nhân dân Ba Sao đạt được trong chiến đấu, cũng như trong lao động, sản xuất, xây dựng quê hương là sự kết tinh công sức, trí tuệ, máu xương của nhiều thế hệ người dân mảnh đất bán sơn địa giàu truyền thống cách mạng này. Tổng kết các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Ba Sao có hàng trăm lượt bộ đội nhập ngũ, tái ngũ, thanh niên xung phong, 45 người con ưu tú của quê hương anh dũng hy sinh, 47 thương, bệnh binh. Đảng bộ, nhân dân Ba Sao được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến; danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là niềm tự hào, là động lực to lớn đồng hành với  Đảng bộ, nhân dân Ba Sao trên chặng đường đẩy nhanh tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển.

Thế Vĩnh

Thế Vĩnh, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy