Vì sao có đề xuất cấm trẻ dưới 12 tuổi ngồi hàng ghế trước?

Nhiều người vẫn có thói quen cho con nhỏ ngồi ở ghế phụ phía trước, hoặc thậm chí để con ngồi trong lòng khi đi xe. Tuy nhiên, điều này tiền ẩn nhiều nguy hiểm và trong thời gian tới còn có thể bị phạt nặng.

Trẻ em ngồi phía trước dễ bị chấn thương hơn

Khoản 4, điều 7 dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: “Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi ở hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế.

Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em”.

Dù mới chỉ là nội dung trong dự thảo Luật nhưng đề xuất không cho trẻ em dưới 12 tuổi ngồi ở hàng ghế trước trên ô tô đã thu hút sự quan tâm và nhận được nhiều ý kiến chuyên gia cũng như người dân.

Vì sao có đề xuất cấm trẻ dưới 12 tuổi ngồi hàng ghế trước
Thói quen để trẻ nhỏ ngồi ở hàng ghế trước trên ô tô có thể sẽ phải thay đổi trong thời gian tới. Ảnh: Hoàng Hiệp

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc không để trẻ nhỏ ngồi ở ghế phụ phía trước là có cơ sở, từng được nghiên cứu kỹ và áp dụng tại nhiều quốc gia như Mỹ và một số nước Châu Âu.

Cụ thể, theo công bố của trung tâm kiểm soát dịch bệnh và phòng ngừa Mỹ (CDC), trong năm 2018 tại Mỹ có 636 trẻ em dưới 12 tuổi bị tử vong trong các vụ tai nạn giao thông, 33% trong số các bé bị thiệt mạng đã không được sử dụng các biện pháp bảo vệ khi đi xe.

Lý do là do vị trí ghế trước sẽ phải chịu nhiều lực tác động hơn khi va chạm giao thông xảy ra. Hơn nữa, khi có va chạm, túi khí bung ra với vận tốc lên tới 300 km/h. Cơ thể người trưởng thành có thể chịu được lực tác động này nhưng cơ thể trẻ nhỏ có phần lưng và cổ rất yếu nên dễ bị tổn thương.

Về cấu trúc sinh học, trẻ nhỏ cũng có tỷ lệ đầu lớn so với cơ thể nên khó giữ thăng bằng hơn người trưởng thành. Chính vì vậy, trẻ nhỏ dễ bị sai tư thế vào thời điểm túi khí bung ra, tạo nên các chấn thương nghiêm trọng.

Thống kê của CDC cũng cho thấy, loại ghế an toàn dành cho trẻ trên ô tô giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương tới 71-82% so với việc chỉ dùng dây an toàn.

Do đó, cơ quan này khuyến cáo nên để trẻ ngồi ở hàng ghế phía sau, đồng thời nên sử dụng ghế chuyên dùng và chọn đúng loại phù hợp với nhóm tuổi của trẻ.

Trẻ em ngồi trên ô tô thế nào cho đúng?

Đại diện Bộ Công an – đơn vị soạn thảo dự thảo Luật cho biết, nếu Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua thì người dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 1,35 mét bắt buộc phải ngồi ở hàng ghế phía dưới để đảm bảo an toàn.

Vị này chia sẻ thêm, trong thời gian qua nhiều người chưa hiểu đầy đủ và chính xác về nội dung này nên vẫn còn những lăn tăn. Nhiều ý kiến cho rằng người ngồi hàng ghế trước bắt buộc phải hội đủ hai yếu tố là trên 12 tuổi và cao trên 1,35 mét; ví dụ như một đứa trẻ 11 tuổi đã cao đến 1m50 nhưng vẫn không được ngồi ghế trước là chưa đúng.

“Quy định trong dự thảo luật ghi rõ là “dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 1,35 mét”, có nghĩa là chỉ cần một trong hai yếu tố. Đối với trẻ em dưới 12 tuổi nhưng có chiều cao trên 1,35 mét thì vẫn có thể ngồi được ở hàng ghế trên mà không bị phạt”, đại diện Bộ Công an khẳng định.

Cũng theo vị này, đề xuất mới trong dự thảo Luật đã tiếp thu từ các quy định trong Công ước Viên năm 1968, đồng thời còn đặt trẻ em - thế hệ tương lai vào vị trí trung tâm cần được bảo vệ an toàn tuyệt đối khi tham gia giao thông.

Với quy định trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế riêng dành cho trẻ em, nhiều chuyên gia tỏ ra đồng tình và cho rằng, rất không an toàn nếu trẻ nhỏ (dưới 4 tuổi) ngồi thẳng lên ghế xe bởi ghế ô tô chỉ thiết kế cho người lớn, trẻ nhỏ không thể đeo dây an toàn có sẵn trên xe được.

Nhiều cuộc thử nghiệm va chạm cho thấy, trẻ em dưới 18 tháng tuổi ngồi trên ghế dành riêng cho trẻ em, mặt về phía sau và ghế lắp ở hàng ghế sau là an toàn nhất.

Vì sao có đề xuất cấm trẻ dưới 12 tuổi ngồi hàng ghế trước
Trẻ em nên ngồi ở hàng ghế sau, đồng thời luôn thắt dây an toàn đúng cách. Ảnh: Tinhte

Đối với trẻ lớn hơn một chút (từ 18 tháng đến 4 tuổi), có thể cho bé ngồi ghế riêng và quay mặt về phía trước nhưng vẫn nên cho bé ngồi ghế ở hàng phía sau. Với trẻ từ 5-6 trở lên, đủ chiều cao cân nặng có thể sử dụng ghế nâng đơn giản không cần loại ghế ôm trọn thân trẻ và luôn thắt dây an toàn.

Có thể thấy rằng, đề xuất tại dự thảo Luật mới đã được đơn vị soạn thảo nghiên cứu kỹ, dựa trên kinh nghiệm và thực tế tại nhiều nước trên Thế giới và có tính khả thi cao khi thực hiện tại Việt Nam.

Chưa rõ quy định này sẽ chính thức được áp dụng khi nào nhưng ngay lúc này, một lời khuyên cho các bậc phụ huynh là không nên để trẻ nhỏ ngồi ở hàng ghế trước khi di chuyển trên đường.

Đặc biệt, luôn tuân thủ nghiêm quy định về thắt dây an toàn, chủ động trang bị ghế ngồi chuyên dùng trên xe khi chở theo em bé nhằm bảo đảm an toàn và giảm thiếu tối đa rủi ro cho con em mình.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tư, an toàn giao thông đường bộ gồm 8 chương, 93 điều, bao gồm các nội dung quy định về: Hệ thống báo hiệu đường bộ; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ,…

Đây là dự thảo Luật được Bộ Công an chủ trì soạn thảo, tách biệt hẳn với phần Hạ tầng giao thông đường bộ (do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo) khỏi Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành. Hiện, dự thảo Luật được Quốc hội thảo luận tại kỳ hợp thứ 10 đang diễn ra.

VNN

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.