Khát vọng vươn lên của chàng trai “da cam”

Từ cậu bé tật nguyền với nhiều mặc cảm tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng bằng nghị lực mạnh mẽ, chàng trai mang trên mình di chứng da cam đã vượt lên số phận. Hơn thế, anh còn mang nghị lực vượt khó ấy đến với những người đồng cảnh ngộ. Anh là Nguyễn Văn Hùng (SN 1979), Giám đốc Công ty đầu tư phát triển và xây dựng Hùng Phát, Tiên Phong (Duy Tiên).

Là con cả trong gia đình có 3 người con, anh Hùng và em gái út là người bị nhiễm chất độc da cam từ bố. Lúc sinh ra, anh Hùng là đứa trẻ bình thường nhưng càng lớn đôi chân của anh có những biểu hiện bất thường, một chân càng ngày càng nhỏ đi khiến anh phải đi khập khiễng.

Cuộc sống gia đình khó khăn, bố mẹ thường xuyên đau yếu cộng với việc bị bạn bè trêu chọc, không thể chạy nhảy, chơi đùa hồn nhiên như các bạn, anh Hùng trở nên tự ti, mặc cảm và sống khép kín. Nhưng cũng chính từ đây, tinh thần vượt khó, động lực vượt lên số phận của chàng trai tật nguyền được nhen nhóm.

Năm 1998, anh Hùng tốt nghiệp trung học phổ thông, do điều kiện kinh tế khó khăn nên anh không đi thi đại học mà ở nhà. Năm 2001, anh lập gia đình, sau đó 2 vợ chồng trẻ thầu đất của hợp tác xã để chăn nuôi gia cầm kết hợp cấy lúa. Mọi thứ suôn sẻ cho đến năm 2005, dịch cúm gia cầm bùng phát gây thiệt hại cho gia đình anh trên 200 triệu đồng.

Biết khó có thể duy trì công việc này, anh bán số gia cầm còn lại mua một chiếc công nông đầu ngang. Sau đó, vay mượn thêm ngân hàng để mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ và quyết tâm làm giàu, chỉ một năm sau đó, anh đã mua được một chiếc ô tô tải, rồi hai và hiện tại là ba xe ô tô chuyên chở vật liệu xây dựng cho các công trình trong và ngoài địa phương.

Việc kinh doanh thuận lợi khiến kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi vợ chồng anh sinh được 3 người con (2 gái, 1 trai) đều phát triển bình thường, khỏe mạnh. Đó là điều mà anh Hùng thấy hạnh phúc nhất.

Xưởng may của anh Nguyễn Văn Hùng giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Không dừng ở thị trường vật liệu xây dựng, anh Hùng còn xây dựng được chỗ đứng trong lĩnh vực may mặc hàng xuất khẩu. Nhận thấy có rất nhiều người địa phương phải đi làm xa, tình hình chăn nuôi ngày càng khó khăn, sản xuất nông nghiệp không mang lại hiệu quả cao, lực lượng lao động nhàn rỗi khá nhiều cộng với tiềm năng của thị trường may mặc, vợ chồng anh quyết định vay vốn đầu tư xây dựng xưởng may có diện tích 1.500m2 với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng, quy mô 200 công nhân.

Sau hơn 4 tháng thi công, đầu năm 2018, xưởng may của anh chính thức đi vào hoạt động với trên 100 công nhân, mức thu nhập bình quân từ 5,5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, được hỗ trợ bữa ăn trưa, công nhân ở xa được hỗ trợ tiền xăng xe, tất cả công nhân được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm các chế độ lương, thưởng.

Xuất phát từ lòng thương người và bản thân cũng là nạn nhân da cam, anh Hùng luôn ưu tiên cho lao động là con em gia đình chính sách, nạn nhân da cam. Ngoài số lao động làm tại xưởng, anh còn tạo việc làm cho trên 30 lao động là người địa phương nhận hàng về nhà làm các công đoạn đơn giản như nhặt chỉ, đơm cúc… để nâng cao thu nhập.

Anh Hùng chia sẻ: Đầu tư vào lĩnh vực mà mình không có chút kiến thức nào quả là mạo hiểm và tôi đã phải trả giá. Bước đầu, qua các mối quan hệ, tôi đã tìm kiếm được một số đối tác để sản xuất hàng may mặc trong nước nhưng do thiếu kinh nghiệm quản lý, trình độ công nhân còn hạn chế nên 5 tháng đầu năm 2018, công ty thua lỗ 700 triệu đồng.

Thất bại ở mảng hàng nội địa, tôi chuyển hướng sang tìm đối tác sản xuất hàng xuất khẩu và lô hàng đầu tiên xuất sang Hàn Quốc cũng bị trả lại. Do là hàng xuất khẩu thuộc dòng cao cấp nên rất khắt khe về chất lượng và yêu cầu cao về việc bảo đảm tiến độ, trong khi công nhân lại quen với việc sản xuất hàng bình dân, tác phong công nghiệp chưa cao.

Tuy nhiên, xác định đây là hướng đi đúng đắn, anh chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và yêu cầu nhân viên kỹ thuật tăng cường sâu sát, đào tạo, đôn đốc công nhân làm việc bảo đảm kịp tiến độ, nhắc nhở kịp thời những lỗi đường may ngay trên chuyền.

Dám nghĩ dám làm, chủ động tìm tòi trong sản xuất, xưởng may xuất khẩu của anh Hùng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường khi ký hợp đồng với 2 hãng của Hàn Quốc về sản xuất sản phẩm may mặc truyền thống cao cấp. Theo đó, khi công ty gửi mẫu về, nhân viên kỹ thuật có trách nhiệm hướng dẫn công nhân làm theo thiết kế, chính xác đến từng đường kim mũi chỉ bảo đảm chất lượng tốt nhất cho từng sản phẩm.

Việc đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh từ vật liệu xây dựng, gặt thuê, may mặc, lợi nhuận của Công ty đầu tư phát triển và xây dựng Hùng Phát đạt trên 500 triệu đồng/năm.

Không chỉ đam mê làm giàu, anh Hùng còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương như hiến trên 100m2 đất làm đường giao thông nông thôn mới, ủng hộ vật tư, tài chính xây dựng đường thôn, xóm, đường nội đồng và các công trình phúc lợi xã hội với số tiền trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nạn nhân da cam, gia đình chính sách trên địa bàn xã mỗi dịp lễ, Tết.

Trải qua bao gian nan, vất vả và cả thất bại, đến bây giờ cuộc sống cũng đã mỉm cười với anh Hùng khi có một gia đình hạnh phúc, công việc làm ăn thuận lợi, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ và quyết tâm dám nghĩ, dám làm, anh Hùng đã thành công trên con đường mình chọn, trở thành tấm gương sáng cho các bạn trẻ học tập và noi theo.

Hải Yến

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy