Đoàn viên Nguyễn Văn Thao và mô hình làm kinh tế từ nuôi rắn

Sau nhiều năm trồng lúa kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng cuộc sống gia đình chỉ tạm ổn, anh Nguyễn Văn Thao, thôn Ba Làng, xã Thanh Phong (Thanh Liêm) đã quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi rắn. Với ý chí và quyết tâm vươn lên làm giàu, mô hình nuôi rắn của anh đã mang lại giá trị kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Với ước mơ lập thân, lập nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, năm 2010, anh Nguyễn Văn Thao đã thuyết phục gia đình vay ngân hàng 50 triệu đồng để xây dựng gần 100m2 chuồng trại nuôi rắn. Lúc đầu, anh mua 70 con hổ mang, 70 con hổ trâu, 50 con rắn sọc dưa, 100 con rắn ráo. Sau gần 1 năm nuôi, anh Thao thu hoạch, con nhỏ khoảng 0,7 - 0,8kg, con lớn khoảng 1,3-1,5kg và có lãi trên 20 triệu đồng. Đồng thời, anh để lại một số con rắn, khỏe mạnh gây giống, cho sinh sản. Vừa nuôi, anh vừa chịu khó tìm tòi, học hỏi các hộ nuôi rắn khác về cách nhân giống, thu trứng để ấp con giống tái đàn. 

Gương đoàn viên nhận Giải thưởng Lương Định Của
Mô hình nuôi rắn của anh Nguyễn Văn Thao, thôn Ba Làng, xã Thanh Phong (Thanh Liêm).

Thấy nuôi rắn ít rủi ro, cho thu nhập cao so với một số loại gia súc, gia cầm khác, giá và đầu ra ổn định, năm 2020, anh được tổ chức đoàn địa phương đứng ra tín chấp tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cộng với nguồn vốn tiết kiệm của gia đình, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nuôi rắn rộng hơn 500m2 với gần 3 nghìn con rắn các loại. Hiện tại, mỗi năm anh bán ra thị trường 4-5 tấn rắn thương phẩm các loại, trung bình 550-600 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi từ 250-300 triệu đồng. Cùng với việc duy trì nguồn giống tại gia đình, anh còn cung cấp ra thị trường từ 2.500- 3.000 con rắn giống các loại. 

Anh Nguyễn Văn Thao cho biết: Rắn hổ mang, hổ trâu, sọc dưa, rắn ráo là loại dễ nuôi, công chăm sóc không nhiều, chi phí thấp, lợi nhuận cao. Thức ăn cho rắn chủ yếu là cóc, nhái, vịt siêu ở các lò ấp bỏ đi và chúng ăn rất ít so với một số loài động vật khác. Trong quá trình nuôi, nếu cho ăn đầy đủ, môi trường nước không bị ô nhiễm, trung bình 10-12 tháng cho thu hoạch, mỗi con có trọng lượng từ 1,3-1,5kg.

Tuy nhiên, nuôi rắn phải nắm rõ quy trình kỹ thuật nuôi, biết chọn giống tốt, cho ăn đầy đủ để rắn mau lớn, khỏe mạnh, ít hao hụt thì sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, khu nuôi rắn phải xây biệt lập, không gần nhà dân; chuồng phải xây gạch kiên cố, tránh rắn xổng ra ngoài và phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư thêm 500 m2 chuồng và tăng số lượng rắn nuôi để tận dụng thời gian, sức lao động, nâng cao thu nhập. 

Anh Đỗ Quốc Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thanh Phong cho biết: Mô hình nuôi rắn của anh Nguyễn Văn Thao là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của một số thanh niên địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, anh Nguyễn Văn Thao còn được biết đến là một trong những đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của tổ chức đoàn địa phương và có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng nông thôn mới, như ủng hộ tiền, ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, anh còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương... 

Với thành tích đó, năm 2021, anh Nguyễn Văn Thao là gương mặt duy nhất của tỉnh được nhận Giải thưởng Lương Định Của và vinh danh thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng trong dịp tháng 12 vừa qua tại Thủ đô Hà Nội.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.