Vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, miền Bắc mưa dông kéo dài

Dự báo vùng áp thấp sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8, biển động. Các tỉnh miền Bắc có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to từ chiều tối và đêm 29/6, đợt mưa lớn này còn có khả năng kéo dài và diễn biến phức tạp trong những ngày đầu tháng 7.

Vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới miền Bắc mưa dông kéo dài
Vị trí và đường đi của vùng áp thấp nhiệt đới. Ảnh: KTTV.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 13 giờ ngày 28/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,1 - 16,1 độ Vĩ Bắc; 116,8-117,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650 km về phía Đông Đông Nam.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10 km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 29/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): từ vĩ tuyến 14,5 đến 17,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.  

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10 km. Đến 13 giờ ngày 30/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60 km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo, từ gần sáng 29/6, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2 - 4 m; biển động. Từ chiều tối 28/6, trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8, sóng biển cao từ 2 - 3 m, biển động.

Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.  Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2.

Cùng với đó, hiện nay (28/6), mưa dông đang hình thành và phát triển trên khu vực vùng núi Bắc Bộ.

Dự báo chiều tối và đêm 28/6, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến 15 - 30 mm, có nơi trên 50 mm. Ngày và đêm 29/6, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm) với lượng mưa tích lũy 24 giờ từ 40 - 70 mm, có nơi trên 100 mm.

Khu vực Hà Nội ngày 29/6 có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất khoảng 35 - 36 độ C. Chiều tối và đêm 29/6 có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to.Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Cảnh báo, đợt mưa lớn này ở Bắc Bộ còn có khả năng kéo dài và diễn biến phức tạp trong những ngày đầu tháng 7.

Trong khi đó, ở khu vực Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 40 - 60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C  từ 11 - 17 giờ. Ngày 30/6, ở Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 45 - 65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12 - 16 giờ.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.  

PV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy