Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả

Theo Quy hoạch tài nguyên nước, tổng nhu cầu sử dụng nước trên toàn tỉnh là 594,73 triệu m3. Tính đến tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh có 60 công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn hiệu lực: khai thác, sử dụng nước mặt 40 giấy phép với tổng lưu lượng khai thác là 234.280 m3/ngày đêm; khai thác sử dụng nước dưới đất 20 giấy phép với tổng lưu lượng khai  thác là 16.242 m3/ngày đêm.

Đối với nước mặt, Hà Nam chủ yếu khai thác từ sông Hồng, sông Đáy và sông Châu. Đáng chú ý là sông Đáy thường xuyên xảy ra ô nhiễm, làm thiếu hụt nguồn cấp nước sạch, chất lượng nước sau xử lý ở một số thời điểm không đạt tiêu chuẩn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân; nước bị ô nhiễm ở mức độ cao, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Trữ lượng nước dưới đất khoảng 165 tỷ m³/năm. Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương, nước dưới đất đã bị nhiễm Asen với mức độ ô nhiễm từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Trước thực trạng đó, để tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, tỉnh đã phê duyệt danh mục nguồn nước cần lập hành lang bảo vệ, phê duyệt ranh giới phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt và đề xuất biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm tiến tới chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường nước trên các sông ở địa phương. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm và ý thức của người dân trong việc giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ chất lượng nước ở các sông, suối, hồ, ao…, nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Quản lý khai thác sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm hiệu quả
Vận hành máy bơm tại Nhà máy nước sạch Khu A huyện Kim Bảng.

Thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm, đối với nước dưới đất tỉnh chỉ đạo không cấp phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với các tổ chức, cá nhân trong các khu, cụm công nghiệp đã có nhà máy cấp nước tập trung; các nhà máy nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh lấy nước thô từ nguồn nước dưới đất; các tổ chức, cá nhân ngoài các khu, cụm công nghiệp nhưng trong khu vực đã có nhà máy cấp nước tập trung có khả năng cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm bảo vệ tốt nhất nguồn nước dưới đất. Các cơ sở sản xuất có công suất hệ thống xử lý nước thải từ 1.000m3/ngày đêm phải lắp đặt trạm quan trắc tự động và kết nối truyền tải các thông số quan trắc nước thải về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Tính đến nay có 05 cơ sở đã truyền số liệu về Sở TN&MT bao gồm: Trạm xử lý nước thải Công ty cổ phần phát triển Hà Nam, Công ty TNHH quản lý khai thác Khu công nghiệp  Hòa Mạc, Công ty TNHH MTV VPID Hà Nam, Công ty TNHH Dệt Đài Nguyên  (Việt Nam), Công ty TNHH Nittoku Việt Nam. 

Ông Tạ Duy Mạnh (Nhà máy xử lý nước thải - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nam) cho biết: Các thông số quan trắc gồm lưu lượng nước thải đầu vào và đầu ra, pH, COD, TSS, nhiệt độ, 5 phút được truyền một lần về Sở TN&MT. Cùng với việc bảo đảm công suất xử lý, nhà máy còn xây dựng cụm bể ứng phó trong trường hợp kim loại thu gom về vượt tiêu chuẩn. Với 4 cụm bể phản ứng trung hòa các chất kim loại bảo đảm độ pH ổn định trước khi nước thải đưa vào xử lý.

Tăng cường quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và xử lý, cải tạo, khôi phục nguồn nước bị ô nhiễm, tỉnh khuyến khích các ngành, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống, giảm  thiểu tác hại do nước gây ra,  như: quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao ứng dụng các tiến bộ khoa học vào phục vụ sản xuất để tiết kiệm nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, tại một số khu vực sản xuất để sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả đã sử dụng hệ thống tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt, như tại một số khu sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trồng cây hàng năm ở huyện Lý Nhân, Bình Lục, thị xã Duy Tiên và TP Phủ Lý. Trong công nghiệp, một số nhà máy sản xuất sử dụng công nghệ nước tuần hoàn, sau khi nước thải qua một quy trình xử lý khoa học sẽ trở về tiêu chuẩn cho phép để tái sử dụng, phục vụ cho mục đích khác không đòi hỏi chất lượng nước cao, như tại Công ty TNHH Number One Hà Nam và một số nhà máy xi măng…

Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, phát sinh nhiều vấn đề, khó khăn cho công tác bảo vệ tài nguyên nước; trong khi đó nhiều địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức, ý thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về bảo vệ tài nguyên nước còn rất hạn chế. Vì vậy, trên thực tế nguồn nước vẫn tiếp tục bị đe dọa bởi các hoạt động  phát triển kinh tế- xã hội, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Sở TN&MT đã tích cực nghiên cứu, chỉ ra hạn chế, bất cập trong quy định của luật  hiện hành và tham mưu sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế. Riêng đối với vấn đề ô nhiễm nước sông Nhuệ, sông Đáy, sở tham mưu với UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ TN&MT chỉ đạo thành phố Hà Nội khẩn trương xây dựng hệ thống thu gom, trạm xử lý nước thải tập trung tại đầu nguồn đạt quy chuẩn trước khi xả vào lưu vực sông Nhuệ và thúc đẩy việc xây dựng giải pháp quản lý tài nguyên nước tổng hợp cùng với kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thanh Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.