Khó xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều

Năm 2018, thanh tra chuyên ngành và các hạt quản lý đê của tỉnh đã phối hợp kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý nhiều vụ vi phạm về bảo vệ đê điều, thủy lợi. Cơ quan chức năng đã phát hiện 357 trường hợp vi phạm, trong đó lập biên bản xử lý 185 vụ, còn lại 172 vụ không xác định được đối tượng vi phạm; chỉ xử lý giải tỏa 70 vụ, 287 vụ chưa xử lý được.

Người dân xã Kim Bình (TP. Phủ Lý) phản ánh tình trạng rác thải bị xả xuống lòng kênh tại khu vực lưới chắn rác trên kênh I3-2-3, khu vực giáp ranh xã Kim Bình với xã Văn Xá (Kim Bảng).

Trong công tác bảo vệ đê điều còn những tồn tại, đáng chú ý là tình trạng xe chở quá tải trọng lưu thông, làm hư hỏng mặt đê chưa được xử lý triệt để. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và giám sát hoạt động khai thác khoáng sản tại một số địa phương chưa chặt chẽ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi phổ biến ở nhiều địa phương một phần do chính quyền lỏng lẻo trong quản lý, xử lý vi phạm. Một bộ phận người dân ý thức chưa cao, tự ý đổ rác thải, chất thải lấn chiếm bờ kênh, lòng kênh, gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường, nguồn nước, làm giảm năng lực tưới, tiêu của hệ thống thủy lợi.

Khẳng định chưa thể xử lý dứt điểm những vụ vi phạm bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Kim Bảng cho biết: Vi phạm nan giải, khó xử lý nhất chính là tình trạng người dân đổ rác thải, phế thải trên kênh tưới, tiêu.

Trước thực trạng đó, UBND huyện cũng ban hành nội quy, quy chế quản lý lưới chắn rác; xử lý vi phạm công trình trong phạm vi quản lý của các xã; giao cho Xí nghiệp Thủy nông huyện Kim Bảng chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị xác định vị trí cắm lưới chắn rác trên kênh I3-2-3.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Xí nghiệp Thủy nông huyện Kim Bảng, trước mùa mưa bão năm nay, tại các vị trí trước lưới chắn rác ở các xã đều tồn đọng nhiều rác thải. Đơn vị cũng đề nghị với chính quyền các xã có tuyến kênh I3-2-3 đi qua duy trì và thực hiện việc tổ chức giải tỏa, vận chuyển rác trên tuyến đi chôn lấp.

Tăng cường quản lý và xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều, trước mùa mưa bão năm 2019, cơ quan chức năng ở huyện Kim Bảng đã giải tỏa bèo rác, vật cản trên diện tích 182.000m2 kênh; phát quang trên đê Tả Đáy và trên đê hữu sông Nhuệ, với tổng chiều dài 12,5 km; xử lý 5 vụ vi phạm đê điều.

Không chỉ Kim Bảng, nhiều địa phương khác trong tỉnh đã và đang chỉ đạo cơ quan chức năng quản lý tốt công trình đê điều, thủy lợi. Tại huyện Thanh Liêm, cơ quan chức năng tổ chức tháo dỡ, di dời các công trình lều quán xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều. Cho đến thời điểm này, các vụ vi phạm đã giảm nhiều so với những năm trước. Lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng xung kích hộ đê ở Thanh Liêm được tập huấn kỹ thuật, góp phần tích cực trong việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm Luật Đê điều và xử lý sự cố bảo vệ đê điều. Các xã, thị trấn trên địa bàn cũng tiếp tục ra quân giải tỏa vật cản, phát quang cây cỏ trên bờ, lòng kênh, thu dọn đất đá, rác thải, làm thông thoáng dòng chảy.

Hằng năm, các đơn vị, địa phương đều tiến hành xử lý vi phạm bảo vệ đê điều, thủy lợi. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, nhất là xử lý vi phạm Luật Đê điều còn khó khăn và phức tạp.

Theo Điều 23, Luật Đê điều, phạm vi bảo vệ đê điều, hành lang bảo vệ đê được quy định như sau: Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5m về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25m về phía đồng, 20m về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông.

Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được nhỏ hơn 5m tính từ chân đê trở ra về phía sông và phía đồng. Trường hợp cần mở rộng hành lang bảo vệ đê đối với vùng đã xảy ra đùn, sủi hoặc có nguy cơ đùn, sủi gây nguy hiểm đến an toàn đê do UBND cấp tỉnh quyết định.

Tuy nhiên, nhiều vị trí đê, kể cả đê sông lớn và đê sông con ở các địa phương trong tỉnh không bảo đảm được khoảng cách theo quy định này. Vì đất ở - nằm trong hành lang bảo vệ đê - đã được cấp có thẩm quyền cấp ổn định cho các hộ dân từ trước khi Luật Đê điều ra đời. Không thể ngăn cấm người dân trồng cây, xây dựng công trình phục vụ đời sống trên đất mà người dân đã được cấp quyền sử dụng hợp pháp. Chưa kể còn tình trạng nể nang, né tránh trong xử lý vi phạm của chính quyền địa phương đối với những vụ vi phạm nhỏ...

Để bảo đảm các yêu cầu trong phòng chống thiên tai năm 2019, UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi; chủ động xử lý các sự cố đê điều, bảo đảm an toàn cho các công trình phòng, chống thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.                                    

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.