Đẩy nhanh việc xây dựng mạng lưới cấp nước sạch liên vùng

Toàn tỉnh hiện có 74 nhà máy cấp nước sạch tập trung, trong đó 41 nhà máy với tổng công suất 175.000 m3/ngày đêm, cấp nước cho nhân dân ở 103/109 xã, phường, thị trấn, còn lại 33 nhà máy cấp nước tại các địa phương.

Để đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng nước sạch và nâng cao chất lượng nước phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, ngày 7/6/2019, UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư xây dựng các công trình nước sạch liên đô thị, mạng lưới cấp nước sạch liên vùng theo quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp cấp nước đã được quy hoạch không khai thác chồng lấn giữa các vùng, khẩn trương xây dựng hạ tầng cấp nước, nâng cấp trang thiết bị hiện đại bảo đảm quy chuẩn quy định.

Đẩy nhanh việc xây dựng mạng lưới cấp nước sạch liên vùng
Năm 2021, Nhà máy nước sạch Hưng Công (Bình Lục) được  đầu tư nâng cấp thiết bị đáp ứng yêu cầu chất lượng nước phục vụ nhân dân.

Hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp nước sạch đang tập trung khai thác nguồn nước mặt và không sử dụng nguồn nước ngầm ở những khu vực đã có hệ thống nước sạch tập trung. Theo Quyết định số 2432/QĐ-UBND ngày 27/11/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, các nhà máy nước sạch tại các KCN Đồng Văn I, II, trong đó bao gồm 2 nhà máy nước của Công ty cổ phần Nước sạch Đồng Văn và Công ty cổ phần Cấp nước Setfil Hà Nam đang khai thác, sử dụng nước ngầm đều nằm trong khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất.

Theo đó, các nhà máy nước ngầm hiện có xây dựng kế hoạch giảm dần sử dụng nguồn nước ngầm sản xuất nước sạch, để chuyển sang mua nước sạch từ Nhà máy nước sạch sông Hồng cấp nước cho khách hàng.

Đối với các nhà máy nước sạch có nguồn nước đầu vào không bảo đảm, sử dụng nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt ở sông Châu, sông Sắt đến năm 2025 phải chuyển đổi sang cung ứng đấu nối khai thác nguồn nước của sông Hồng, sông Đáy, hoặc sử dụng nước đoạn đầu nguồn, tiếp nhận từ các nhà máy nước liên vùng. Chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung khai thác nguồn nước từ sông Hồng và sông Đáy. Riêng sông Đáy chỉ khai thác nước tại khu vực từ xã Tân Sơn (Kim Bảng) về đến điểm tiếp giáp TP Phủ Lý.

Theo kế hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng, trên địa bàn hình thành 2 vùng cấp nước chính. Trong đó, vùng 1 có 21 nhà máy cấp nước cho khu vực TP Phủ Lý và các huyện: Kim Bảng, Thanh Liêm, thị xã Duy Tiên; vùng 2 với 8 nhà máy cấp nước cho các huyện: Lý Nhân, Bình Lục. UBND tỉnh kiên quyết không cấp phép bổ sung xây mới các nhà máy nước nhỏ, lẻ; đến năm 2030 toàn tỉnh có 2 nhà máy nước sạch liên vùng khai thác nguồn nước từ sông Hồng.

Hiện tại nhà máy nước sông Hồng đã được xây dựng tại xã Mộc Nam (Duy Tiên) công suất 200.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn I công suất thiết kế của nhà máy là 100.000 m3/ngày đêm, theo kế hoạch đến hết tháng 4/2022 đi vào hoạt động; giai đoạn II đến quý III/2027. Tính đến thời điểm này, tổng mức đầu tư xây dựng nhà máy đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tương đương 93% tổng vốn đầu tư. Cùng với đó, doanh nghiệp cung cấp nước đẩy nhanh việc xây dựng Nhà máy nước sạch tại xã Đạo Lý (Lý Nhân) với công suất thiết kế 60.000 m3/ngày đêm để phục vụ nhân dân trong khu vực theo quy hoạch cấp nước vùng của tỉnh. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các nhà máy nước sạch không được quy hoạch không tăng công suất; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước để thực hiện lộ trình chuyển đổi sang sử dụng nguồn nước sông Hồng, sông Đáy hoặc tiếp nhận nước từ các nhà máy liên vùng.

Cụ thể,  nhà máy nước Phủ Lý 2 và các nhà máy nước Kim Bình, Khả Phong (Kim Bảng); Mộc Nam, Chuyên Ngoại (Duy Tiên); Phú Phúc, Nhân Thịnh, Chân Lý, Nguyên Lý, Hợp Lý (Lý Nhân). Với các nhà máy nước sạch Hòa Hậu (Lý Nhân), Tiên Sơn (Duy Tiên) phải chuyển đổi sang khai thác nguồn nước từ sông Hồng. Hiện nay, các nhà máy đã đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống trạm bơm tăng áp, đường ống để khai thác nguồn nước từ sông Hồng.

Đối với các nhà máy đang sử dụng nguồn nước từ sông Hồng, sông Đáy tập trung cải tạo, nâng công suất phù hợp theo từng giai đoạn. Ông Vũ Kim Hà, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam (Lý Nhân) cho biết: Với 3 nhà máy cấp nước từ sông Hồng, tổng công suất đạt hơn 6.700 m3/ngày đêm phục vụ cho 26 nghìn hộ của 11 xã của huyện Lý Nhân, đến nay các nhà máy được lắp đặt thiết bị nhập ngoại bảo đảm tiêu chuẩn quy định. Cùng với đó, các hoạt động kiểm nghiệm được thực hiện đầy đủ, 3 ngày một lần lấy mẫu kiểm nghiệm có ghi nhật ký theo dõi (nội kiểm), mỗi tháng một lần ngoại kiểm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) đảm nhiệm. Nguồn nước sạch do công ty cung cấp bảo đảm công suất, đạt yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nước sạch do Bộ Y tế quy định.

Đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng cấp nước trong Quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030 nhằm sớm hình thành mạng lưới cấp nước liên vùng. Hiện nay, chương trình đang được các cấp, ngành, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần cấp nước ổn định phục vụ sản xuất và dân sinh, đáp ứng yêu cầu về chất lượng nước sạch theo quy chuẩn.

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy