Ngày nắng thì bụi mù, ngày mưa thì mặt đường sình lầy, xe chở vật liệu xây dựng cuốn bụi, tiếng ồn của máy nghiền đá làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân trong vùng. Đây là tình trạng đang diễn ra tại khu vực phía Tây sông Đáy. Do vậy, các ngành chức năng và chính quyền địa phương, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp để cải thiện môi trường khu vực này.
Từ nhiều năm qua, người dân ở thôn Nam Công, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) phải sống chung với ô nhiễm môi trường do khai thác tài nguyên khoáng sản. Nhiều hộ gia đình ở trong thôn đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan chức năng, song ô nhiễm môi trường ở khu vực vẫn không mấy được cải thiện.
Ông Đào Văn Lai (thôn Nam Công) cho biết: Hằng ngày, dân chúng tôi bị “khói bụi bủa vây’’, tiếng ồn tra tấn. Nguồn xả thải chủ yếu từ các máng rót đá xuống dưới tàu thuyền, xe chở quá tải, máy nghiền đá phát tán bụi bay cả vào trong nhà, mặt bàn, đồ dùng chỉ cần một ngày không lau là trắng xóa. Chúng tôi kiến nghị các cấp, các ngành chức năng sớm có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng Tây Đáy để người dân bớt khổ.
Cũng như ông Lai, hàng nghìn hộ dân ở khu vực phía Tây Đáy thuộc huyện Thanh Liêm và huyện Kim Bảng đang hằng ngày phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường tác động trực tiếp đến đời sống của bà con. Nguồn phát thải ở khu vực Tây Đáy chủ yếu từ khói bụi của các nhà máy sản xuất xi măng, các cơ sở khai thác chế biến đá, xe tải không che phủ bạt. Trong những năm qua, một số hộ dân trong vùng đã có ý kiến phản ánh tới một số nhà máy, đơn vị sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc xử lý môi trường. UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Thanh Liêm, Kim Bảng phối hợp với các ngành chức năng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, theo đó, các tuyến đường giao thông đã được tưới nước, xe chở vật liệu xây dựng quá tải đã giảm. Tuy nhiên, chỉ khi có các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát thì các doanh nghiệp mới nghiêm túc thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm cho biết: Việc khắc phục ô nhiễm môi trường vùng Tây Đáy đòi hỏi cả hệ thống chính trị ở địa phương phải vào cuộc. Đối với huyện Thanh Liêm, Huyện ủy sẽ có chủ trương và chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng quý, trong đó trước mắt xóa bỏ máng rót tự phát không nằm trong quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Huyện ủy, UBND huyện cũng kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa nâng cấp hạ tầng giao thông, có biện pháp tăng cường giám sát xe chở quá tải, các doanh nghiệp chế biến đá gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức phát động các doanh nghiệp trồng cây xanh, phục hồi lại môi trường ở những vị trí mỏ đã khai thác.
Với mục tiêu gắn việc phát triển sản xuất của các doanh nghiệp với trách nhiệm bảo vệ môi trường, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, huyện Thanh Liêm, Kim Bảng tập trung tuyên truyền và công khai thông tin môi trường nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho chính quyền địa phương và các doanh nghiệp. Các xã tổ chức quét đá rơi vãi và tưới nước giảm thiểu bụi trên các tuyến đường vận chuyển vật liệu xây dựng thuộc địa bàn khu vực phía Tây sông Đáy. Các ngành chức năng tăng cường rà soát những nội dung cam kết, yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ phải thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo quy định; thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra môi trường, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, kiên quyết dừng hoạt động của các cơ sở vi phạm; xử lý nghiêm các phương tiện chở vật liệu xây dựng quá tải, không che phủ bạt, gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài các giải pháp trên, về lâu dài để bảo vệ môi trường vùng Tây Đáy, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương sẽ kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa nâng cấp đầu tư đồng bộ tuyến đường ĐT 494C, 495C và gắn camera giám sát các phương tiện chở vật liệu xây dựng. Huy động nguồn lực xây dựng hệ thống rửa xe tự động tại điểm ra vào khu vực Tây Đáy.
Đối với các cầu cảng tự phát, máng rót, không nằm trong quy hoạch cần kiên quyết xóa bỏ. Khu vực cảng dùng chung tiếp tục đánh giá hiệu quả sử dụng và có giải pháp xử lý khi có sự cố về môi trường trong quá trình trung chuyển vật liệu xây dựng. Nếu như cảng nào chưa xây dựng hệ thống, công trình xử lý chất thải, đặc biệt là xử lý bụi, đã đi vào hoạt động sẽ cương quyết xử lý.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản thực hiện ngay việc xây dựng, lắp đặt thiết bị hệ thống giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt bao gồm: hệ thống phun sương, thu gom nước, rác thải. Đối với các điểm mỏ đã khai thác xong khối lượng, yêu cầu các doanh nghiệp hoàn trả lại mặt bằng, trồng cây xanh, khôi phục lại môi trường trong khu vực Tây Đáy.
Trần Hữu