Xăng dầu tăng giá, sản xuất kinh doanh gặp khó

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng nhiều lần liên tiếp. Hiện giá bán lẻ xăng hiện đã sát mốc 30.000 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng cao nhất từ trước đến nay đã kéo theo mặt bằng giá cả nhiều loại hàng hóa tăng cao cộng với dịch bệnh Covid-19 hoành hành làm cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó khăn hơn.

Tại các công trình xây dựng, doanh nghiệp đều than khó vì giá nguyên vật liệu tăng cao do ảnh hưởng của giá xăng dầu. Từ cát, đá, xi măng, sắt thép đều điều chỉnh tăng giá bán. Riêng sắt thép tăng mạnh nhất, hiện có giá từ khoảng trên 19.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng điều chỉnh tăng giá do giá nguyên liệu đầu vào cấu thành sản phẩm tăng.

Ông Vũ Quang Bắc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành cho biết: Giá dầu tăng đẩy giá thành sản xuất lên cao. Đây là khó khăn và cũng là bài toán đặt ra cho doanh nghiệp phải tính toán, tiết giảm chi phí sản xuất để bảo đảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. 

Ông Ngô Văn Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Savina Hà Nam cho biết: Xăng dầu tăng giá tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên liệu đá đầu vào doanh nghiệp mua tăng 20.000 đồng/tấn, giá than tăng 10-15%. Theo đó, tính toán giá nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm, giá vôi doanh nghiệp bán ra tăng trong khoảng 10-15% so với trước thời điểm tăng giá xăng dầu.

Xăng dầu tăng giá sản xuất kinh doanh gặp khó
Phòng Điều hành sản xuất trung tâm tại Công ty Cổ phần xi măng Vissai Hà Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một công trình lớn thường phải xây dựng kéo dài mấy năm mới xong và đấu thầu trọn gói. Với giá cả hiện nay, tất cả các nguyên, vật liệu, phụ kiện nhôm kính, thang máy, nhân công lao động… đều tăng theo giá xăng dầu khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn mà chưa biết xoay xở thế nào.

Theo tính toán của một số doanh nghiệp xây dựng, thời điểm này mức trượt giá trung bình của một dự án tới hàng chục phần trăm. Đây là thách thức rất lớn, khiến cho doanh nghiệp rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”- bỏ không được mà tiếp tục làm thì không biết lấy tiền đâu để bù lỗ. 

Ông Trần Văn Hinh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hải Lý cho biết: Dự án doanh nghiệp trúng thầu thi công đều trước năm 2022, cá biệt có dự án kéo dài đã 9 năm nay. Chỉ tính riêng sắt thép xây dựng chênh lệch tới hàng tỷ đồng. Nếu giá cả tiếp tục leo thang buộc doanh nghiệp phải tính toán giãn một số dự án chờ thị trường ổn định trở lại. Bởi nếu cứ đà này thì làm sẽ không có công mà còn chịu lỗ nặng.

Chưa kể những dự án trúng thầu cách đây 2- 3 năm (hoặc lâu hơn nữa) hay những dự án xây dựng dở dang mà ngay cả những dự án vừa được triển khai năm 2022 cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá cả các nguyên vật liệu leo thang. Ở những dự án đang chịu sức ép về tiến độ cần khối lượng lớn nguyên vật liệu cho thi công càng trở nên khó khăn hơn. Như công trình xây dựng trạm bơm Ngòi Ruột (TP Phủ Lý), tính riêng giá sắt cần chi phí thêm khoảng 1,6 tỷ đồng.

Giá cả đầu vào tăng mạnh, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, hàng hóa lại khan hiếm và khó mua cũng đang là khó khăn cần được tháo gỡ. Bình thường trước đây chỉ cần một cuộc gọi điện thoại là nguyên vật liệu tập kết ngay tại chân công trình. Tiền có thể thanh toán ngay hoặc chậm dăm bữa, nửa tháng nhưng nay thì trái ngược hoàn toàn, hàng mua đến đâu thanh toán tiền đến đó, thậm chí là phải đặt cọc trước thì mới có vật liệu để làm.
Trước khó khăn này, buộc các doanh nghiệp phải tính toán, tìm cách cắt giảm tối đa chi phí để bảo đảm duy trì hoạt động. Để khắc phục khó khăn, trong thời gian này, doanh nghiệp tạm thời không tăng lương và cắt giảm tối đa các chi phí quản lý khác, tạm thời không trích khấu hao hoặc có thì cũng phải giảm so với trước đây.

Không chỉ có doanh nghiệp xây dựng, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải, trong đó có doanh nghiệp vận tải hành khách khó khăn cũng không kém và dường như còn nặng nề hơn khi xăng dầu chiếm đến 40 - 50% chi phí. Từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp, HTX dịch vụ vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nay lại phải “cõng” thêm giá xăng dầu tăng. Khó chồng khó, nhiều nhà xe phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng.

Tại HTX Dịch vụ vận tải hành khách Lý Nhân, thời điểm này có tới 1/3 số xe dừng hoạt động. Số xe còn lại hoạt động cũng không đều, có khi sáng chạy, chiều nghỉ hoặc hôm nay chạy, mai lại nghỉ. Ông Ngô Đức Lán, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải hành khách Lý Nhân cho biết: Dịch bệnh Covid-19 kéo dài tác động nặng nề đến hoạt động vận tải, nay thêm giá xăng dầu tăng giá cao nhất từ trước đến nay làm cho các nhà xe đã khó lại càng thêm khó. Khó khăn chồng chất khó khăn, lại thêm nạn xe dù làm cho xe của thành viên phải đóng băng... 

Bến xe khách Vĩnh Trụ vốn được coi là bến xe nhộn nhịp nhất ở cấp huyện nhưng hiện nay hoạt động cũng rất thưa thớt. Riêng tuyến cố định Lý Nhân- Giáp Bát (Hà Nội), vốn được coi là thế mạnh và là tuyến đông khách nhất thì nay có tới 50% xe đóng cửa, 50% xe còn lại cũng chỉ chạy có 1 lốt/ngày. Nguyên nhân chính là không có khách đi xe cộng với chi phí xăng dầu tăng cao, dù giá vé tăng cũng chưa thể bù đắp, nhà xe càng chạy càng lỗ. Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Bến xe khách Vĩnh Trụ cho biết: Chưa năm nào như năm nay, có tới hàng chục xe phải nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán và nghỉ luôn cho đến tận bây giờ. Hành khách thưa thớt cộng với giá xăng dầu tăng cao khiến nhà xe không chịu được “nhiệt”. Toàn bộ xe đều do chủ xe tự lái vì không có tiền thuê lơ, lái xe.

Xăng dầu tăng giá sản xuất kinh doanh gặp khó
Chi nhánh Xăng dầu Hà Nam phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của khách hàng.

Chịu tác động kép từ tăng giá xăng dầu và dịch bệnh Covid-19, dù không mong muốn nhưng nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí: Giá bán sản phẩm vôi tại Công ty TNHH Savina Hà Nam tăng 40.000 đồng/tấn; giá bán xi măng của Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành, Công ty cổ phần Vissai Hà Nam điều chỉnh tăng bình quân 100.000 đồng/tấn. Nhà máy xi măng Thành Thắng, giá sản phẩm tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn. Công ty cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn dự kiến tăng 100.000 đồng/tấn sản phẩm. Còn ở Công ty cổ phần Ô tô Hà Nam, riêng tuyến Bến xe trung tâm Hà Nam đi Bến xe TP Sơn La và ngược lại được điều chỉnh tăng 30% giá vé từ ngày 20/3/2022. 

Việc tăng giá xăng dầu là bắt buộc do giá dầu thế giới tăng nhưng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp rơi vào thế khó chồng khó. Giá xăng dầu tăng kéo theo giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng. Để giảm áp lực từ tăng giá xăng dầu, doanh nghiệp mong muốn các cấp, ngành chức năng sớm có giải pháp bình ổn thị trường giá cả, xem xét điều chỉnh giá trúng thầu dự án xây dựng, tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Thanh Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy