Từ 1/10, chính thức vận hành Cục Đường bộ Việt Nam

Cục Đường bộ Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

Từ 110 chính thức vận hành Cục Đường bộ Việt Nam
Đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Ảnh minh họa: Anh Tôn/TTXVN

Thông tin tại Hội nghị giao ban quý III/2022 của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra sáng 27/9, ông Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, triển khai Nghị định 56/2022/NĐ-CP ngày 24/8/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, các điều kiện đối với việc thành lập Cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn tất, sẵn sàng vận hành từ ngày 1/10/2022.

Trong đó, quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thông qua. Hai quyết định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các khu quản lý đường bộ và chi cục đang cũng được trình Bộ trưởng xem xét, thông qua.

“Thực hiện chủ trương chuyển đổi toàn bộ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về Cục Đường bộ Việt Nam, có 320 cán bộ đang được thực hiện quy trình bổ nhiệm; trong đó, 105 quyết định thuộc thẩm quyền của Cục trưởng. Ngoài ra, sau rà soát, có 19 vị trí dôi dư. Thực hiện các quy định hiện hành, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ sắp xếp các vị trí nhân sự dôi dư trong 3 năm.

Trước đó, ngày 23/9/2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký Quyết định số 1218/QĐ-BGTVT về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam.

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, Cục Đường bộ Việt Nam có 14 đầu mối bao gồm: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Pháp chế - Thanh tra; Phòng Kế hoạch - Đầu tư; Phòng Tài chính; Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế; Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.

Cùng đó là các Khu Quản lý đường bộ: I, II, III, IV và các đơn vị: Trường Cao đẳng Giao thông vận tải; Trung tâm Kỹ thuật đường bộ.

Trong quyết định cũng nêu các điều khoản chuyển tiếp các đơn vị: Ban Quản lý dự án 3, Ban Quản lý dự án 4, Ban Quản lý dự án 5, Ban Quản lý dự án 8, Trung tâm Truyền thông và Thông tin đường bộ, Cụm phà Vàm Cống, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 2, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 và Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 4 tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sắp xếp đối với các đơn vị này.

Theo baotintuc.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.