Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp làng nghề

Những năm qua, các làng nghề trên địa bàn tỉnh được duy trì, phát triển, khẳng định vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân nông thôn. Để có được kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương còn phải kể đến sự nỗ lực, đóng góp tích cực của đội ngũ doanh nhân ở các làng nghề.

Toàn tỉnh hiện có 58 làng nghề, bao gồm 32 làng nghề truyền thống, 26 làng nghề đang hoạt động ở các nhóm ngành nghề: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Sản phẩm hàng hóa của nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống hiện đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, một số mặt hàng được xuất khẩu ra nước ngoài, điển hình như bánh đa nem làng Chều (Lý Nhân); lụa Nha Xá, trống Đọi Tam, mây tre đan Ngọc Động (Duy Tiên); sừng mỹ nghệ Đô Hai (Bình Lục)… Các làng nghề đang tạo việc làm cho khoảng 18.000 lao động với mức thu nhập trung bình là 5 triệu đồng/người/tháng. 

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp làng nghề
Sản phẩm gốm mỹ nghệ mới của làng gốm Quyết Thành (Kim Bảng). Ảnh: Mạnh Hùng

Để duy trì, phát triển nghề truyền thống của gia đình, quê hương, ngày càng có nhiều hộ, cơ sở sản xuất mạnh dạn đổi mới tư duy, phát triển lên mô hình doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Theo đó, một số làng nghề đã khắc phục được tình trạng sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ với khối lượng hàng hóa hạn chế, chất lượng sản phẩm không đồng đều, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. 

Điển hình như tại làng nghề dệt Đại Hoàng, xã Hòa Hậu (Lý Nhân), theo thống kê, làng nghề hiện có trên 1.200 hộ, cơ sở tham gia làm nghề, trong đó có 73 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất đang tạo việc làm thường xuyên cho trên 3.000 lao động địa phương. Trong 3 năm trở lại đây, tổng thu từ làng nghề đạt xấp xỉ 160 tỷ đồng/năm. Sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2021 đạt gần 60 triệu đồng. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 65 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm còn 1,3%; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 655 tỷ đồng; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm chiếm 90%... 

Ông Trần Hữu Thao, Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu cho biết, khoảng chục năm trở về trước, làng nghề gần như không có doanh nghiệp, các hộ chủ yếu duy trì sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ. Những năm gần đây, địa phương đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ các hộ sản xuất thành lập doanh nghiệp để có tư cách pháp nhân, thuận lợi hơn trong việc liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tạo niềm tin và uy tín với khách hàng. Đến nay, Hòa Hậu là xã có số lượng doanh nghiệp làng nghề được thành lập nhiều nhất trong toàn tỉnh. Với vai trò là đầu mối, hạt nhân, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của làng nghề vừa đảm nhiệm vai trò đầu mối bao tiêu sản phẩm, cung ứng nguyên liệu và là cầu nối phân công chuyên môn hóa cho các hộ sản xuất trong làng nghề ở nhiều công đoạn khác nhau như se sợi, dệt vải thô, dệt khăn mặt, nhuộm vải… 

Tương tự, tại các địa phương có làng nghề, làng nghề truyền thống khác trên địa bàn tỉnh, với những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ được xây dựng, triển khai đã từng bước thúc đẩy các cơ sở, hộ sản xuất mạnh dạn thành lập doanh nghiệp. Cùng với đó, các sở, ngành chức năng trong tỉnh cũng quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề phát triển thông qua các chương trình, đề án khuyến công, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh; tổ chức dạy nghề; hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất sản phẩm mới; đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất… Do đó, nhiều làng nghề hiện đã hình thành được đội ngũ doanh nhân khá đông đảo. Chẳng hạn như với nhóm ngành sản xuất gỗ, tại 2 làng nghề truyền thống gồm: Làng nghề mộc xóm 6, Mai Xá (thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân) và làng nghề Nhật Tân (xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng) hiện đã thành lập được 12 doanh nghiệp, thu hút khoảng 400 lao động tham gia làm nghề; nhóm ngành thêu ren với 2 làng nghề truyền thống: An Hòa, Hòa Ngãi (xã Thanh Hà, Thanh Liêm) đã thành lập được 5 doanh nghiệp, tạo việc làm cho gần 100 lao động… 

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tại 58 làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã có 112 doanh nghiệp được thành lập và đang hoạt động tương đối hiệu quả. Doanh nghiệp làng nghề luôn đi đầu trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, tiên phong đổi mới phương thức sản xuất, chủ động nghiên cứu, sáng tạo, đưa máy móc, phương tiện kỹ thuật mới vào sản xuất. Từ đó, phát huy vai trò quan trọng trong việc khôi phục, phát triển sản xuất của làng nghề. Nhiều doanh nghiệp đảm nhận khâu thị trường, khách hàng, công nghệ, vốn, các hộ sản xuất chỉ tập trung làm tốt khâu sản xuất, đáp ứng yêu cầu về sản lượng, chất lượng sản phẩm để cung cấp ra thị trường. 

Ông Trần Đức Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Chiến Hương (thôn Mão Cầu, xã Nguyên Lý, Lý Nhân) cho biết: Là doanh nghiệp đầu tiên “sinh ra” từ làng nghề truyền thống bánh đa nem làng Chều, những năm qua, Công ty cổ phần Chiến Hương đã tiên phong trong việc “hiện đại hóa” công nghệ sản xuất để các hộ dân trong làng nghề tin tưởng, làm theo. Đầu tiên là việc đưa máy tráng vào sản xuất bánh đa nem thay vì tráng bằng tay (năm 2003), sau đó năm 2020-2021, Chiến Hương lại nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng loại máy tráng mới vào sản xuất giúp tăng năng suất lên 30-40% so với trước. Cùng với đó, hơn chục năm nay, công ty còn thực hiện thu mua, bao tiêu sản phẩm bánh đa nem cho bà con làng nghề, giúp bà con yên tâm sản xuất. 

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp làng nghề
Sản xuất tại Công ty TNHH Dệt may Mĩ Thịnh, xã Hòa Hậu (Lý Nhân). Ảnh: Hân Hân

Có thể khẳng định, mối quan hệ giữa doanh nghiệp - làng nghề là mối quan hệ tương tác, có vai trò tạo động lực đối với sự phát triển của cả hai bên. Trong đó, doanh nghiệp vừa tạo việc làm, thu nhập cho lao động, vừa là nhân tố quan trọng hình thành, phát triển thương hiệu làng nghề. Làng nghề với những giá trị văn hóa nghề lâu đời lại là nền tảng, bệ đỡ vững chắc để các doanh nghiệp phát triển. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình phát triển đội ngũ doanh nhân làng nghề tại Hà Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập. Số lượng doanh nghiệp làng nghề còn quá ít, chiếm chưa đến 2% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh. Quy mô hoạt động của các doanh nghiệp làng nghề còn nhỏ, mới chỉ đủ sức hoạt động ở thị trường trong nước, chưa vươn ra xuất khẩu. Trong khi đó, có nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với việc xuất khẩu như thêu ren, dệt may, sản phẩm thủ công mỹ nghệ lại chủ yếu là cung ứng cho các đơn vị ngoài tỉnh hoặc ủy thác xuất khẩu. Nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống đang dần mai một do thiếu vai trò kích cầu của các doanh nghiệp làng nghề… 

Theo đó, để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp làng nghề, các sở, ngành chức năng và địa phương trong tỉnh cần quan tâm tổ chức tốt hơn nữa việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, tìm kiếm, khai thác, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; đào tạo nâng cao kiến thức quản lý, quản trị kinh doanh cho cán bộ quản lý doanh nghiệp; tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề tiếp cận với các nguồn vốn vay, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi trung, dài hạn để đầu tư công nghệ, phát triển quy mô sản xuất, kinh doanh…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy