Thanh Liêm đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 3163/KH-UBND ngày 16/11/2021 của UBND  tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Thanh Liêm xây dựng kế hoạch thực hiện với các chỉ tiêu phấn đấu cần đạt đến năm 2025: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,1%/năm; tạo việc làm mới cho khoảng 5.000 lao động ngành công  nghiệp; từng bước đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp…

Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, nghề phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo gắn với bảo vệ môi trường, tạo nền tảng bền vững để tăng nhanh tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện Thanh Liêm đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chủ động tháo gỡ khó khăn ở cơ sở, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt  công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN,TTCN), trọng tâm là phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo trong KCN Thanh Liêm; củng cố và phát triển các ngành nghề TTCN, nâng cao  hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp, làng nghề...

Chính vì vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng từ đầu nhiệm kỳ đến nay sản xuất công nghiệp của Thanh Liêm tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng các năm đều vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXX đề ra. Cụ thể năm 2021, giá trị sản xuất CN,TTCN đạt 19.674 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020; năm 2022 đạt 23.669 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ 2021 và đạt 73,68% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXX đề ra là 32.125 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm chủ lực của huyện như: đá các loại, xi măng, hàng thêu, hàng may công nghiệp, gạch, nước giải khát, gấu bông, ống thép mạ kẽm tiếp tục giữ được đà tăng trưởng năm 2022.

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết: Giai đoạn 2021-2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Tốc độ tăng trưởng các năm đều vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Cụ thể giá trị sản xuất CN, TTCN bình quân năm 2021-2022 đạt 21.675 tỷ đồng/năm, tăng 24,5%/năm. Đến nay tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm khoảng 68,47% cơ cấu kinh tế của huyện.

Coi trọng chất lượng sản phẩm, giữ uy tín với đối tác, trong hơn 2 năm qua, mặc dù phải đối mặt với khó khăn thách thức nhưng Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thu Hà (thị trấn Kiện Khê) đã duy trì ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm đều đặn cho công nhân lao động. Đáng chú ý năm 2021, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng mở rộng nhà xưởng, lắp đặt máy cắt và máy thêu gấu bông. Bà Đào Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thu Hà cho biết: Việc xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy cắt nhằm bảo đảm đủ nguồn hàng cung cấp cho các cơ sở may thêu, vì có thời điểm nguồn hàng nhập về không đủ cung cấp. Hơn nữa việc trang bị máy móc hiện đại hóa sản xuất sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu về tiến độ, chất lượng các đơn hàng.

Hiện tại Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thu Hà có các cơ sở may thêu gấu bông đặt tại huyện Bình Lục và tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, thành phố Hà Nội. Ở trong tỉnh, ngoài huyện Bình Lục có cơ sở may thêu ổn định, công ty liên kết gia công với hàng chục cơ sở, doanh nghiệp khác, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị bảo đảm việc làm, giữ chân được người lao động. Chị Nguyễn Thị Trang (công nhân Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thu Hà) cho biết: Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, lao động phải tạm dừng hoặc nghỉ việc thì Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thu Hà luôn duy trì ổn định việc làm với mức thu nhập tốt cho người lao động, giúp chúng tôi thực sự yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Thanh Liêm đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp
Sản xuất tại Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thu Hà (thị trấn Kiện Khê).
Ảnh: Tiến Dũng

Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, Thanh Liêm tích cực phối hợp và quan tâm dành các nguồn lực để đầu tư, phát triển mạng lưới các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt huyện tập trung phát triển CN,TTCN làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển sản xuất CN,TTCN; đẩy mạnh hoạt động khuyến công và truyền nghề tại các xã, thị trấn, tạo nền tảng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng bền vững.

Đối với KCN Thanh Liêm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khoảng 293 ha (giai đoạn I có diện tích khoảng 150,86 ha, giai đoạn II có diện tích khoảng 142,13 ha) hiện đã được xây dựng cơ bản xong hạ tầng. Ông Nguyễn Bá Dũng, Trưởng Ban quản lý KCN Thanh Liêm cho biết: Đối với phần diện tích 150 ha được nâng cấp từ Cụm công nghiệp Kiện Khê đã được xây dựng hạ tầng khung, trong đó đất công nghiệp là 98,6 ha. Đối với diện tích 143 ha giai đoạn II, chủ đầu tư đã tiến hành giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng khoảng 135 ha. Nhà  máy  xử lý nước  thải  của khu đã thi công xong. Đến nay, KCN Thanh Liêm đã cho các dự án thuê đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 80%.

Đối với phát triển các cụm công nghiệp, ngoài 2 cụm công nghiệp Thanh Hải và Thanh Lưu, trong giai đoạn 2021-2025, Thanh Liêm dự kiến thành lập mới 03 cụm công nghiệp là: Tây Kiện Khê, Liêm Sơn và Liêm Túc. Khi các khu, cụm công nghiệp này hình thành sẽ góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đẩy mạnh thực hiện nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp và mục tiêu phát triển công nghiệp trên địa bàn, huyện Thanh Liêm đã và đang tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ. Huyện cũng chủ trương phát triển quỹ đất công nghiệp dọc tuyến đường ĐT.495B gắn với nút giao Liêm Sơn; tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Cụ thể, từng bước hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đã quy hoạch tạo liên kết vùng, liên kết các loại hình vận tải, liên kết KCN, cụm công nghiệp, đáp ứng tốt nhất hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để sớm đưa các dự án lớn, quan trọng có tính liên kết vùng, thúc đẩy phát triển công nghiệp vào khai thác như: đường T4, T1, ĐT.495B và tuyến đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn...

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Huyện Thanh Liêm tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, hoàn thành đầu tư hạ tầng đồng bộ đưa vào hoạt động và khai thác có hiệu quả KCN Thanh Liêm nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Cùng với đó, huyện từng bước đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp (thông tin liên lạc, điện, nước, logistics, nhà ở xã hội...). Đối với KCN Thanh Liêm trong quá trình xây dựng và mở rộng đã bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân và các công trình hạ tầng xã hội phục vụ người lao động.

Bên cạnh đó, Thanh Liêm tăng cường quản lý quỹ đất phát triển công nghiệp, nâng cao chất lượng  hoạt động của các khu, cụm công nghiệp; chủ động đón  nhận và triển khai thực hiện tốt định hướng của tỉnh về phát triển kinh tế; phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tăng cường thu hút, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo trên địa bàn.

Thanh Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.