Tập trung lấy nước đổ ải phục vụ làm đất gieo cấy lúa xuân

Hiện nay, đã bước vào giai đoạn lấy nước đổ ải, làm đất gieo cấy lúa vụ xuân 2023. Khác với mọi năm, vụ xuân năm nay hồ thượng nguồn chỉ thực hiện xả nước 2 đợt, giảm 1 đợt (đợt 1 từ 6 - 9/1, đợt 2 từ 1 - 8/2); thời gian xả 12 ngày, giảm 4 - 6 ngày so với những năm trước. Do vậy, các đơn vị thủy nông, HTXDVNN trên địa bàn chủ động vận hành máy bơm bảo đảm lấy đủ nước cho diện tích đất gieo cấy theo kế hoạch.

Tìm hiểu tại huyện Kim Bảng, nơi thường gặp khó khăn về nước tưới do có đến 70% diện tích đất lúa lấy nước từ sông Nhuệ luôn trong tình trạng thiếu nguồn và ô nhiễm, việc bơm tưới được triển khai sớm từ ngày 26/12/2022. Cùng với vận hành trạm bơm chính Giáp Ba, tranh thủ nguồn khi các địa phương của thành phố Hà Nội chưa bơm tưới, các trạm bơm nhỏ trên địa bàn huyện cũng đồng thời hoạt động hỗ trợ lấy nước.

Như trạm bơm Quế Lâm tại thị trấn Quế có 2 máy với tổng công suất 5.000 m3/giờ lấy nước từ sông Đáy đã hoạt động từ cuối tháng 12/2022. Do nguồn nước sông Đáy đạt chất lượng và khá ổn định nên trạm bơm được bố trí tưới chính cho diện tích đất cấy của thị trấn Quế, xã Văn Xá và một phần xã Kim Bình (thành phố Phủ Lý). Công nhân vận hành trạm bơm Quế Lâm trực thường xuyên, kịp thời vận hành máy khi nước triều trên sông lên đến mực nước thiết kế. Hằng ngày, trạm bơm Quế Lâm vận hành khoảng 15 giờ, đã cơ bản lấy nước đổ ải cho vùng phục vụ.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Kim Bảng cho biết: Xác định rõ khó khăn trong việc lấy nước đổ ải phục vụ làm đất gieo cấy lúa xuân nên đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai vận hành sớm các trạm bơm. Sau gần 20 ngày bơm tưới, trên 50% diện tích đất cấy đã đủ nước. Xí nghiệp đang tiếp tục vận hành tối đa khả năng của các trạm bơm bảo đảm đủ nước đổ ải, làm đất đúng thời vụ.

Cũng như tại Kim Bảng, các trạm bơm tưới phục vụ trên địa bàn tỉnh đều đồng loạt hoạt động. Tại thị xã Duy Tiên, các trạm bơm tưới hoạt động từ cuối tháng 12/2022, khi cống và âu thuyền Tắc Giang được mở nhập nước tạo nguồn từ sông Hồng. Những trạm bơm lớn do Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà quản lý đều hoạt động từ đầu tháng 1/2023. Trạm bơm chính Như Trác đảm nhận tưới chủ động cho hơn 3.000 ha đất lúa của 2 huyện Lý Nhân và Bình Lục vận hành từ ngày 4/1 đón đợt xả nước từ 6 – 9/1 trên sông Hồng. Những ngày đầu (từ 4 – 11/1) lượng nước bơm tưới của trạm bơm Như Trác phục vụ đổ ải trước cho huyện Bình Lục và đã có khoảng 50% diện tích đất lúa trong vùng phục vụ đủ nước. Trong quá trình bơm tưới của trạm bơm Như Trác, một phần lượng nước cũng được điều tiết cho huyện Lý Nhân. Hiện trạm bơm tiếp tục vận hành tối đa các tổ máy trong điều kiện nguồn nước bảo đảm để lấy nước phục vụ diện tích cấy lúa của huyện Lý Nhân.

Tập trung lấy nước đổ ải phục vụ làm đất gieo cấy lúa xuân
Công nhân Tổ quản lý kênh Như Trác đang vớt rác tại xi phông Vĩnh Trụ trong quá trình vận hành máy bơm lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ xuân năm 2023 của huyện Bình Lục.

Theo ông Phạm Xuân Thành, Tổ trưởng Tổ quản lý kênh Như Trác (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam), đợt lấy nước đổ ải phục vụ làm đất vụ xuân năm nay của trạm bơm Như Trác khá ổn định về nguồn nước. Tổ quản lý đang vận hành hệ thống kênh tưới Như Trác theo đúng quy trình, tập trung nước trước cho địa bàn huyện Bình Lục nằm ở cuối nguồn. Với khả năng bơm tưới của trạm bơm như hiện nay sẽ bảo đảm nước được 70% diện tích đất cấy trong vùng phục vụ trước Tết Nguyên đán.

Được biết, để lấy nước đổ ải phục vụ làm đất gieo cấy vụ lúa xuân 2023, các địa phương đã làm tốt công tác thủy lợi nội đồng. Nổi bật, khối lượng đào đắp, nạo vét kênh mương của toàn tỉnh đạt 767.561m3, vượt 10,3% kế hoạch; toàn bộ máy bơm của các trạm bơm được bảo dưỡng, tu sửa luôn bảo đảm hoạt động tốt nhất; giải tỏa bèo, rác, khơi thông dòng chảy trên hệ thống kênh mương… Các địa phương kiểm tra, xây dựng kế hoạch và triển khai lắp đặt các máy bơm dã chiến ở những vùng khó khăn về nước để chủ động bơm đổ ải. Như tại đầu kênh dẫn trạm bơm Duy Hải (thị xã Duy Tiên) duy trì việc lắp đặt các máy bơm dã chiến để bơm trực tiếp từ lòng sông Nhuệ do mực nước quá thấp…

Nhằm giúp việc bơm tưới thuận lợi, các đơn vị thủy nông, HTXDVNN tranh thủ thời gian triều cường trên hệ thống sông lớn (sông Hồng, sông Đáy) và các đợt xả nước của hồ thượng nguồn đã được thông báo lịch bơm tưới và dự trữ nước vào các ao, hồ, đầm, kênh tiêu, vùng trũng để tạo nguồn cho máy bơm dã chiến hoạt động. Ngoài ra, với những khu vực quá khó khăn về nước tưới, có kế hoạch chuyển đổi cây trồng giúp phát huy hiệu quả sản xuất.

Ông Vũ Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Việc bơm nước đổ ải phục vụ làm đất gieo cấy lúa xuân 2023 đang được triển khai thuận lợi, tranh thủ được nguồn nước triều và xả nước đợt 1 của hồ thượng nguồn. Với khả năng bơm tưới như hiện nay, trước Tết Nguyên đán (khoảng ngày 20/1) bảo đảm 70% diện tích đất cấy đủ nước theo kế hoạch đề ra. Diện tích đất cấy còn lại sẽ được lấy khi hồ thượng nguồn xả nước đợt 2 (từ ngày 1 – 8/2).

Theo số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay mỗi ngày đều có trên 60 máy bơm của những trạm bơm chính do các doanh nghiệp thủy nông quản lý đang vận hành. Công trình đầu mối cống và âu thuyền Tắc Giang tiếp tục được mở nhập nước vào sông Châu tạo nguồn cho các trạm bơm tưới, nhất là trên địa bàn thị xã Duy Tiên, một phần các huyện Bình Lục, Thanh Liêm… Hiện, diện tích đất cấy của các địa phương được lấy đủ nước của tỉnh đạt hơn 10 nghìn ha, bằng trên 30% kế hoạch. Việc tập trung bơm nước đổ ải sớm giúp đất được làm kỹ. Dự kiến, các địa phương gieo cấy tập trung từ sau ngày 10/2, bảo đảm kịp thời vụ.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.