Tăng cường xử lý chất thải rắn tại các làng nghề

Hà Nam quan tâm khôi phục, phát triển các làng nghề cũ, xây dựng, hình thành các làng nghề mới. Tuy nhiên, đa số các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dây chuyền công nghệ còn lạc hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn diễn ra. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 112 làng nghề truyền thống, làng nghề và làng có nghề đang hoạt động ở các nhóm ngành nghề chủ yếu là chế biến, bảo quản nông, lâm sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh… Bình quân mỗi năm, tổng doanh thu của các làng nghề đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 18.000 lao động với mức thu nhập bình quân 4,7 triệu đồng/người/tháng. 

Tăng cường xử lý chất thải rắn tại các làng nghề
Xưởng sản xuất của gia đình ông Nguyễn Quang Tuyên, Thôn 3, xã Nhân Khang (Lý Nhân) thu gom, vận chuyển chất thải rắn nhiều lần trong ngày để bảo đảm sức khoẻ cho người lao động và vệ sinh môi trường.

Hầu hết các làng nghề hiện nay vẫn chưa được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Nước thải tại các cơ sở sản xuất, hộ gia đình làm nghề chủ yếu được thu gom và xử lý sơ bộ bằng hố lắng trước khi thải ra môi trường xung quanh. Hiện mới chỉ có làng nghề truyền thống dệt Đại Hoàng (xã Hòa Hậu, Lý Nhân) có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, đa số các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dây chuyền công nghệ còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, nhiên liệu trong quá trình sản xuất nên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân trong khu dân cư.

Để góp phần khắc phục tình trạng này, thời gian qua, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các hộ sản xuất lên phương án xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong quá trình làm nghề. Qua đó, đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.

Như ở các làng nghề mộc của xã Nhân Khang (Lý Nhân), nếu như trước đây, lượng mùn cưa, gỗ vụn chất thành từng đống, xả thải ra các bên đường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì giờ đây, toàn bộ chất thải rắn này đã được thu gom, vận chuyển liên tục trong ngày. Ông Nguyễn Quang Tuyên, chủ một xưởng mộc lớn tại Thôn 3, xã Nhân Khang cho biết: Mỗi ngày, trong quá trình sản xuất, xưởng xả thải ra trên 4 tạ mùn cưa, mẩu gỗ vụn các loại. Trước đây, gia đình tôi hay tích mùn cưa trong kho, hay xếp ra bên đường rồi phủ bạt kín, ẩm mốc rất bẩn. Vài ba năm trở lại đây, lượng mùn có đến đâu, gia đình tôi thu gom ngay đến đó và gọi người có nhu cầu thu mua đến vận chuyển liên tục 2-3 lần mỗi ngày. Từ đó, không gian nhà xưởng luôn sạch sẽ, hạn chế bụi, bảo đảm sức khoẻ cho người lao động và môi trường xung quanh.

Qua trao đổi với ông Cao Đình Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Khang được biết, nghề mộc ở Nhân Khang phát triển mạnh trong những năm gần đây. Mỗi năm toàn xã tiêu thụ khoảng 15.000 m3 gỗ các loại, cho doanh thu trên 200 tỷ đồng. Hiện, xã Nhân Khang đang có trên 300 hộ tham gia làm nghề mộc, thu hút gần 1.000 lao động làm nghề. Mỗi ngày, toàn xã có khoảng 150 tấn mùn cưa, đầu gỗ vụn. Trước thực trạng mùn cưa xả thải bừa bãi ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, thời gian qua, xã Nhân Khang đã chỉ đạo các thôn tuyên truyền, nhắc nhở, đôn đốc các hộ làm nghề tiến hành thu gom, xử lý triệt để chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất, không để ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Theo đó, các cơ sở, hộ sản xuất đều chấp hành nghiêm quy định. Toàn xã hiện cũng hình thành hàng chục nhóm chuyên đi thu mua mùn cưa để cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất than, hương trong và ngoài tỉnh. 

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như làng nghề mộc ở Nhân Khang, chất thải rắn sinh hoạt tại các làng nghề hiện nay đã cơ bản được xử lý hiệu quả. Lượng chất thải rắn được các tổ thu gom rác thải tại các xã tiến hành thu gom trong ngày về các điểm tập kết rác trên địa bàn và được UBND xã ký hợp đồng vận chuyển về các nhà máy xử lý rác thải để xử lý theo quy định. Một số chất thải rắn khác như đầu mẩu gỗ, tre, nứa từ làng nghề mộc, thủ công mỹ nghệ được các hộ thu gom tái sử dụng làm chất đốt hoặc bán cho người đi thu gom để làm nguyên liệu phục vụ các ngành nghề khác như sản xuất giấy, than, hương... 

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong thời gian tới, bên cạnh công tác phát triển mới làng nghề, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề bền vững gắn với việc bảo vệ môi trường nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ và nhân dân; hỗ trợ các cơ sở sản xuất ở các làng nghề tiếp cận với máy móc thiết bị tiên tiến, đổi mới công nghệ; triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, di chuyển các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu vực dân cư nông thôn hạn chế về mặt bằng sản xuất, hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường cao vào các khu sản xuất tập trung nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề.

Đối với các cơ sở làng nghề thành lập mới sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ công tác xử lý môi trường, không chấp thuận hình thành các cơ sở mới có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao tại khu vực dân cư; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất làng nghề gây ô nhiễm môi trường…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.