Tăng cường quản lý, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử

Với nhiều ưu thế hàng hóa đa dạng, mua bán tiện lợi, nhanh chóng, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng trở nên quen thuộc với nhiều người từ thành thị đến các vùng nông thôn. Song hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng. Trước thực tế đó, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động này.

Thực hiện Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 9/10/2020 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT, BCĐ 389 tỉnh Hà Nam đã xây dựng, ban hành Kế hoạch số 130/KH-BCĐ389 ngày 18/12/2020 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh với mục tiêu: Tăng cường công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy TMĐT phát triển bền vững.

Tăng cường quản lý xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử
Ảnh minh họa

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 130 của BCĐ 389 tỉnh, là cơ quan thường trực của BCĐ 389 tỉnh, Cục QLTT tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin cảnh báo nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng, từ đó chủ động phòng tránh các hành vi vi phạm và nguy cơ tác động ảnh hưởng đến sức khỏe từ việc sử dụng hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng chủ động kết hợp kiểm tra với công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong TMĐT; tăng cường công tác thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội như facebook, zalo, viber; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các đơn vị chuyển phát, vận chuyển hàng hóa; phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, xây dựng phương án để tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn; đôn đốc các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và BCĐ 389 tỉnh về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Cục QLTT tỉnh cũng đã thành lập tổ công tác về TMĐT thực hiện tổ chức, điều hành việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong TMĐT; đồng thời triển khai ký quy chế phối hợp với UBND các xã, phường, trị trấn và một số ban quản lý chợ trên địa bàn tỉnh về đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Kết quả, từ tháng 10/2020 đến nay, qua kiểm tra, Cục QLTT tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 8 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Trong đó, có 1 vụ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố hình sự về hành vi sản xuất hàng giả là thuốc đông y gia truyền và thực phẩm chức năng; 7 vụ xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm như: Lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền 112 triệu đồng. Cũng trong thời gian này, lực lượng QLTT tỉnh đã tổ chức ký cam kết với trên 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh nói chung, trong hoạt động TMĐT nói riêng. Cùng với đó, thực hiện treo 90 băng rôn, phát trên 5.300 tờ rơi tuyên truyền tại các chợ, nơi tập trung đông người về hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tích cực tuyên truyền, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng của BCĐ 389 Quốc gia và BCĐ 389 tỉnh Hà Nam và địa chỉ tiếp nhận đơn thư, văn bản phản ánh của các cá nhân, tổ chức về các vụ việc, hành vi có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động TMĐT. Từ tháng 10/2020 đến nay, Cục QLTT tỉnh cũng đã tiếp nhận, xử lý 11 tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động kinh doanh nói chung, trên môi trường TMĐT nói riêng.

Trao đổi làm rõ hơn về nội dung này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT đã được các lực lượng chức năng quan tâm thực hiện nhưng số vụ việc vi phạm bị phát hiện, xử lý chưa nhiều, chưa phản ánh đúng thực tiễn. Các vụ bị xử lý trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo để bán hàng. Do đó việc kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như, việc đăng ký tài khoản facebook, zalo và đăng bán sản phẩm, hàng hóa rất đơn giản nên các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để đăng bán sản phẩm là hàng giả, nhái, hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng. Các đối tượng sử dụng nhà ở, địa chỉ ảo hoặc địa chỉ của người khác để bán hàng nên khi thẩm định, xác minh thì không phát hiện hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đăng ký. Bên cạnh đó, khách hàng khi mua online thường chuyển khoản thanh toán tiền hàng cho người bán, chủ cửa hàng gửi sản phẩm cho người mua thông qua dịch vụ chuyển phát, không có hoá đơn bán hàng kèm theo nên khi bị bắt giữ, người tiêu dùng phải chịu thiệt hại…

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT, Cục QLTT tỉnh đề xuất các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, và hàng giả phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu chung về thương nhân liên quan đến hoạt động TMĐT để thực hiện việc truy cập, thẩm tra, xác minh thông tin. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm trong hoạt động TMĐT để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi hoạt động công vụ của các lực lượng chức năng, xử lý nghiêm các trường hợp bao che, tiếp tay, bảo kê cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường TMĐT. 

   Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy