Tăng cường phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

Theo Sở Công thương, công tác quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc do các đối tượng hoạt động chủ yếu theo phương thức truyền miệng, hoặc thông qua các hội nhóm kín trên mạng xã hội. Việc không có địa điểm kinh doanh cố định đã và đang khiến cho các cơ quan chức năng gặp khó trong việc tiếp cận, thu thập thông tin, chứng cứ vi phạm để xử lý.

Tăng cường phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp
Ảnh minh họa.

Trong năm 2020, Sở Công thương đã xác nhận cho 2 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp, nâng tổng số doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp trên địa bàn toàn tỉnh lên 9 doanh nghiệp với trên 3.800 người đăng ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp. Trong số đó, chỉ có khoảng 50% số người có hoạt động bán hàng và phát sinh hoa hồng, còn lại chủ yếu là ký hợp đồng để được mua hàng với giá chiết khấu mà không tham gia hoạt động bán hàng. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chủ yếu kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng gia dụng… Hầu hết trong số đó là doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, có trụ sở hoặc văn phòng đặt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể kể đến một số doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn, như: Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH Herbalife Việt Nam, Công ty MTV New Image Việt Nam, Công ty TNHH Oriflame Việt Nam... 

Đánh giá về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hoạt động này, ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Những chuyển biến trong quản lý bán hàng đa cấp có thể thấy rõ từ việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý, như việc ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; đặc biệt là Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 thay Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động bán hàng đa cấp đã được quy về một văn bản, bảo đảm thuận lợi cho các cơ quan quản lý trong công tác xử lý vi phạm. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh đa cấp, thời gian qua, Bộ Công thương đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp, đặc biệt là tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh đa cấp một cách thường xuyên, theo định kỳ. 

Số liệu báo cáo của Sở Công thương cũng cho thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp và số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện nay đã giảm so với những năm trước, nhưng doanh thu bán hàng đa cấp lại có xu hướng gia tăng. Năm 2020, tổng doanh thu bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 67,5 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ của ngành năm 2019. Việc bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng nên có thể kinh doanh mọi lúc, mọi nơi. Các đơn vị kinh doanh đa cấp bất chính sẽ lợi dụng “kẽ hở” này để hoạt động. Trên thực tế cũng đã xuất hiện phổ biến thực trạng hoạt động bán hàng đa cấp không phép, biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua các hình thức đầu tư như hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, tiền ảo, ví điện tử… Qua công tác kiểm tra, giám sát, Hà Nam chưa phát hiện hành vi vi phạm này của các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cũng phải thừa nhận rằng, theo quy định mới, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ cần gửi hồ sơ thông báo đến Sở Công thương mà không cần phải có địa điểm kinh doanh, trụ sở chi nhánh đặt tại các tỉnh, thành phố. Điều này đã khiến cho việc giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh đa cấp những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đồng quan điểm với ông Phan Thanh Sơn, ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Những năm trước đây, các doanh nghiệp hoạt động đa cấp phải có trụ sở làm việc cố định và thời gian làm việc cụ thể. Khi đó, Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường bám sát địa bàn, thường xuyên tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp. Thế nhưng vài năm trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường gần như không thể quản lý, kiểm soát được hoạt động của các đơn vị này. Bất cập lớn nhất là các đơn vị kinh doanh đa cấp không có địa điểm lưu trữ hàng hóa nên chúng tôi không thể xác minh, nắm bắt, tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý các vi phạm về hàng hóa theo quy định. Hơn nữa, người đăng ký thông báo bán hàng của các doanh nghiệp đa cấp thường không phải là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp mà chỉ là người làm nhiệm vụ thông báo tới cơ quan quản lý khi doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị giới thiệu sản phẩm, thu hút hội viên tham gia theo quy định. Vì thế, các cơ quan chức năng rất khó liên hệ với người đại diện doanh nghiệp để nắm bắt được thông tin và quản lý việc bán hàng.

Để tiếp tục quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp, thời gian tới, Sở Công thương sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan, nhất là Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường trong việc kiểm tra, xử lý các đối tượng hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút tài chính trái phép; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo để người dân sớm nhận diện và phòng tránh trước các hoạt động này. 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy