Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Bước vào “mùa” cao điểm mua sắm cuối năm, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường đang bắt đầu có xu hướng tăng cao. Các ngành chức năng nhận định, đây cũng là thời điểm các đối tượng dễ lợi dụng tình hình sức mua tăng để buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả. Để bình ổn thị trường, giá cả, tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại trên địa bàn.

Mặc dù Hà Nam không phải là địa điểm chính để tập kết hàng hóa, nhưng lại là địa bàn chủ yếu để các đối tượng trung chuyển hàng hóa vi phạm từ tỉnh này sang tỉnh khác thông qua các tuyến: cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, quốc lộ 38, quốc lộ 21... Tại thị trường trong tỉnh, hoạt động buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại, diễn ra cả ở thành thị và nông thôn với đa dạng các mặt hàng vi phạm, như: bánh kẹo, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng, cho đến sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại di động...

Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hàng hóa bày bán tại Siêu thị Vinmart, Trung tâm thương mại Vincom, TP Phủ Lý. Ảnh: Hân Hân

Trước thực tế này, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được triển khai một cách toàn diện, có sự tham gia, phối hợp tích cực của các lực lượng chức năng, như: Cục Quản lý thị trường (QLTT), Công an tỉnh, Chi cục Hải quan tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông. Công tác kiểm tra hướng vào những địa bàn, mặt hàng trọng điểm, nhất là các mặt hàng cấm, hàng lậu ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội, cũng như tính mạng, sức khỏe của người dân, như: đồ chơi kích động bạo lực, thuốc nổ, pháo nổ, rượu...

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2022 đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ việc đã được các lực lượng chức năng bắt giữ và xử lý kịp thời. Một số hành vi về gian lận thương mại, như: kinh doanh hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, vi phạm về lĩnh vực giá… đã bị phát giác. Một số vụ vi phạm điển hình có thể kể đến, như: Tổ công tác của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an tỉnh phối hợp với Công an Xã Nguyễn Úy (Kim Bảng) phát hiện đối tượng ở xã Đồng Hóa (Kim Bảng) vận chuyển 46 chai nước mắm giả nhãn hiệu Chin - su Foods Nam Ngư đi tiêu thụ qua địa bàn Xã Nguyễn Úy; Phòng PC03 đã khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”. Tổ công tác Phòng PC03 cũng đã phối hợp với Công an xã Công Lý (Lý Nhân) phát hiện đối tượng trú tại xã Chính Lý (Lý Nhân) chở 176 cây thuốc lá điếu nhãn hiệu 555. Sau khi khám xét chỗ ở của đối tượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra thu thêm 20 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu 555 và khởi tố vụ án hình sự “Buôn bán hàng cấm”. Hay tại KCN Châu Sơn (TP Phủ Lý), Đội QLTT số 3 (Cục QLTT) phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) phát hiện 2 đối tượng bán 300 hộp thuốc nhãn hiệu LIANHUA QINGWEN JIONANG (Liên Hoa Thanh Ôn) dùng để điều trị Covid-19, người bán không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; trên nhãn hàng hóa ghi toàn bộ bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Đội QLTT số 3 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và tang vật đến Phòng PC03 để xác minh, xử lý theo quy định… Qua đó, góp phần duy trì tốt trật tự kỷ cương trong hoạt động thương mại, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Trên địa bàn tỉnh về cơ bản không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến, hoặc các vụ việc vi phạm có ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại
Khách mua hàng tại Siêu thị Nhật nội địa Omaichi Đồng Văn. Ảnh: Tiến Đoàn

Số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 10/2022, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, xử lý 139 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 388 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm là thời gian cao điểm chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhiều mặt hàng như bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, thực phẩm đông lạnh… sẽ được tiêu thụ với số lượng lớn. Chính vì thế, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng này được đặt lên hàng đầu. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh sẽ bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND tỉnh để chỉ đạo tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố, thị xã tích cực triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực được phân công; thực hiện tốt công tác điều tra, nắm địa bàn và lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu, thuốc thú y, các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các nhóm, ngành hàng thiết yếu phục vụ cuối năm và Tết Nguyên đán…

Nói về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong những tháng cuối năm, ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Hiện đơn vị đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc không tàng trữ, sản xuất, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm; không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ; phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo nổ các loại. Cùng với đó, phối hợp với các ngành liên quan tiến hành khảo sát giá đối với nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, đường, gạo; tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc đăng ký giá, kê khai, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã giám sát, kiểm soát chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là với mặt hàng thực phẩm tươi sống, sản phẩm từ gia súc, gia cầm và bánh mứt kẹo, nước giải khát, sữa, các sản phẩm từ sữa, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy