Tâm lý ham hàng giá rẻ của người dân đã “tiếp tay” cho gian lận, hàng giả

Trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái và gian lận xuất xứ, ngoài lực lượng quản lý thị trường (QLTT) là chủ công, còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và bản thân người tiêu dùng, đó là khẳng định của ông Đinh Văn Dương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh trong cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam  về vấn đề này. 

P.V: Thực trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt là khi Việt Nam hội nhập sâu với thế giới. Và hầu hết các thương hiệu uy tín trên thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả. Ông có đồng tình với nhận định này? 

Ông Đinh Văn Dương: Đúng là như vậy! Bên cạnh các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, hàng giả, hàng nhái còn “hoành hành” mạnh ở lĩnh vực thời trang, bao gồm các mặt hàng quần áo, túi xách, đồng hồ, kính mắt… Các thương hiệu thời trang lớn thường bị làm giả là Dior, Chanel, Louis Vuiton, Hermes, Nike… với giá bán chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Ngoài ra, tình trạng hàng Trung Quốc nhập khẩu rồi “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất đi nước khác cũng khá phổ biến, nhất là sau khi Việt Nam hội nhập sâu rộng thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều ưu đãi thuế quan. Điều đáng nói là các sản phẩm nhái còn “đắt khách” hơn cả sản phẩm chính hãng do có lợi thế về giá cả, phong phú về mẫu mã. 

Tâm lý ham hàng giá rẻ của người dân đã “tiếp tay” cho gian lận hàng giả
Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng khẩu trang.

P.V: Việc buôn bán, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả nhãn hiệu và gian lận thương mại đang gây ra những hệ lụy gì cho nền kinh tế?

Ông Đinh Văn Dương: Thứ nhất, việc sử dụng hàng giả, hàng nhái, nhất là với thực phẩm, mỹ phẩm… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Từ đó làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng đối với những hàng hóa đủ tiêu chuẩn, chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính. Điều này cũng làm giảm sút năng lực tiêu dùng hàng hóa trong thị trường nội địa. Về phía các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, làm nhái, thực trạng này diễn ra lâu dài sẽ khiến doanh nghiệp giảm sút năng lực cạnh tranh. Hàng hóa khó bán, thậm chí không bán được gây ra tình trạng trì trệ, thậm chí dẫn đến phá sản. 

Thứ hai, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều không có hóa đơn, chứng từ trong hoạt động xuất, nhập khẩu và kinh doanh buôn bán nên không phản ánh đầy đủ được bản chất của nền kinh tế, ngân sách nhà nước mất đi một khoản thu tương đối lớn. 

P.V: Xin ông cho biết công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái đã được các lực lượng chức năng triển khai như thế nào trong thời gian qua?

Ông Đinh Văn Dương: Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015  của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong tình hình mới, Cục QLTT cũng như các thành viên của BCĐ 389 tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra kết hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, mỗi năm, tổ chức cho hàng nghìn tổ chức, cá nhân ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng. Xác định cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và liên tục của cả hệ thống chính trị, những năm qua, công tác này luôn được triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, các lực lượng chức năng là thành viên của BCĐ 389 tỉnh đã xử lý trên 5.200 vụ vi phạm về gian lận thương mại, hàng giả, nộp ngân sách nhà nước trên 30 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có gần 10 vụ là kinh doanh hàng giả bị xử lý, tập trung ở mặt hàng đồng hồ đeo tay, rượu nhập khẩu, bánh Trung thu, giày dép. Hầu hết số vụ còn lại là về gian lận thương mại, cụ thể là vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, niêm yết giá, vi phạm về ghi nhãn, vi phạm về thủ tục hải quan… Riêng từ đầu năm đến nay, trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19, các lực lượng chức năng đã tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm việc kinh doanh mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý gần 30 trường hợp vi phạm về kinh doanh khẩu trang, nước sát khuẩn tay không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

P.V: Mặc dù các lực lượng chức năng đã liên tục ra quân kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng gian lận thương mại, nhất là kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Số vụ vi phạm về kinh doanh hàng giả bị xử lý hàng năm của BCĐ 389 tỉnh vẫn còn rất “khiêm tốn” so với thực tế những vi phạm đang tồn tại tràn lan ngoài thị trường. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này? 

Ông Đinh Văn Dương: Quả thật, số liệu về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong thời gian qua chưa phản ánh đầy đủ thực trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do quy định về xử lý vẫn còn nhiều lỗ hổng. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng có thể phát hiện ra nhiều hàng hóa có dấu hiệu vi phạm về làm giả, làm nhái nhưng lại không đủ căn cứ để chứng minh, xử lý. Bởi, muốn xác định hàng hóa nào đó là hàng giả thì cần lấy mẫu để kiểm định. Để làm được điều này, ngoài thời gian, kinh phí, còn cần có sự hợp tác từ phía doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả. Thế nhưng, bản thân doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả lại không “mặn mà” phối hợp với cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý. 

P.V: Thực trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp đặt ra thách thức cho các ngành chức năng trong việc làm “sạch” thị trường. Theo ông cần có biện pháp như thế nào trong thời gian tới? 

Ông Đinh Văn Dương: Trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là từ phía người tiêu dùng. Để nâng cao nhận thức và thay đổi tâm lý ham mua hàng giá rẻ của người dân, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng là thành viên của BCĐ 389 tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức. Khi người tiêu dùng mua sắm thông minh hơn, biết lựa chọn hàng hóa chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì hàng giả, hàng kém chất lượng ắt sẽ bị tẩy chay. 

P.V: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy