Những mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao ở Tràng An

Từ một địa phương vốn độc canh cây lúa, hiện nay sản xuất nông nghiệp của xã Tràng An (Bình Lục) đã có những đổi thay đáng kể. Trên địa bàn xã đã hình thành những mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Đây được xác định là hướng đi mới giúp khai thác tốt tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng chanh không hạt có diện tích 7,1 ha của anh Nguyễn Đức Đoàn, thôn Hòa Thái Thịnh sau 5 năm trồng đang bước vào giai đoạn cho quả nhiều. Một năm mỗi cây chanh cho năng suất từ 70 - 100 kg quả, với số lượng trồng 50 cây/sào, một sào cho thu trên 3,5 tấn quả. Như vậy, với diện tích sản xuất của mô hình, một năm cho sản lượng hàng trăm tấn chanh không hạt. Toàn bộ lượng chanh không hạt trong mô hình đang được anh Đoàn bán cho các đại lý đưa về thị trường TP Hà Nội với giá 20 nghìn đồng/kg. Như vậy, giá trị từ trồng chanh không hạt vượt trội so với cấy lúa trước đây. 

Được biết, diện tích đất trồng chanh của anh Đoàn nằm trong vùng đất lúa sản xuất khó khăn chuyển sang trồng cây và nuôi thủy sản của xã. Diện tích này được anh thuê lại của người dân với mức 60 kg thóc/sào/năm, tăng thêm 10kg thóc/sào sau mỗi 5 năm, thời gian thuê sử dụng 20 năm. Ban đầu anh Đoàn đầu tư 3 tỷ đồng tiền vốn để cải tạo đất, đắp bờ vùng, bờ thửa, lên luống, mua vật tư và giống chanh. Cây chanh thuộc loại dễ trồng, dễ chăm sóc, hoa ra theo lứa gần như quanh năm (chỉ trừ giai đoạn chính đông rét đậm, rét hại). Chanh chịu nước tốt, có thể ngâm gốc trong nước từ 5 - 7 ngày.

Anh Đoàn chia sẻ: Trồng chanh không hạt chủ yếu chỉ bỏ vốn đầu tư ban đầu, những năm sau chi phí chăm sóc không cao. Chanh bắt đầu cho thu quả từ năm thứ 4 và có tuổi đời 10 năm. Sản phẩm chanh không hạt hiện nay nguồn cung không đủ cầu. Sản phẩm chanh này còn có thể làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Do vậy, đầu ra cho sản phẩm luôn được bảo đảm và cho hiệu quả kinh tế cao.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao ở Tràng An
Mô hình trồng chanh không hạt của anh Nguyễn Đức Đoàn, xã Tràng An (Bình Lục) cho hiệu quả kinh tế cao.

Khác với anh Đoàn, anh Vũ Anh Tuấn thuê 16 ha đất của người dân tại thôn Ô Mễ (xã Tràng An) không còn nhu cầu sản xuất được hơn 3 năm trở lại đây, cấy lúa chất lượng theo hướng tập trung. Trong vụ mùa năm 2022 này, anh Tuấn cấy toàn bộ giống lúa DB108 liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hình thức thóc tươi với Công ty TNHH Lương thực Long Vũ (thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục). Việc tập trung ruộng đất sản xuất lúa đem lại hiệu quả và thu nhập khá tốt. Về giá trị sản xuất trên diện tích canh tác tại mô hình tăng 10 - 15% so với cấy lúa bên ngoài. Khi sản xuất trên diện tích lớn, anh Tuấn thu được lợi nhuận tốt. Theo tính toán, mỗi sào ruộng cho lãi ròng thấp nhất 500 nghìn đồng/sào/vụ; 1 ha đạt 14 triệu đồng/vụ. Với diện tích sản xuất 15 ha, lợi nhuận mỗi vụ đạt trên 200 - 300 triệu đồng/vụ.

Được biết, những năm trước anh Tuấn đã nhận 20 ha ruộng trên địa bàn để tổ chức sản xuất các giống lúa thảo dược liên kết với Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương, gồm: Giống lúa huyết rồng và Phúc Thọ. Theo anh Vũ Anh Tuấn, sản xuất trên diện tích rộng, giúp đưa máy móc vào đồng ruộng, giảm chi phí đầu tư. Sản phẩm thu được số lượng lớn là yếu tố quan trọng để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất...

Cùng với các mô hình sản xuất trên, tại xã Tràng An đã hình thành thêm các mô hình sản xuất theo hướng tập trung ruộng đất tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, như: Nuôi cá trên vùng ruộng trũng theo mô hình lúa - cá, chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản chất lượng cao… Ngoài ra, tại HTX Liên An (Tràng An) đã quy hoạch gọn vùng có diện tích 30 ha sản xuất lúa chất lượng cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc để tạo ra sản phẩm tập trung. Địa phương lựa chọn gạo chất lượng tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó, xây dựng uy tín, thương hiệu cho sản phẩm, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và thúc đẩy sản xuất phát triển.

Ông Vũ Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Tràng An cho biết: Trên địa bàn xã đang có 6 mô hình tập trung ruộng đất với tổng diện tích 45 ha. Đây chính là hướng đi mới thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên đồng ruộng của xã trong thời gian tới. Cùng với những diện tích chuyển đổi, xã chú trọng đến việc xây dựng thêm các mô hình liên kết sản xuất lúa.

Từ các mô hình tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, xã Tràng An đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng, quy mô lớn giúp nâng cao đời sống người dân. Đây là một trong những giải pháp góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn tiếp theo.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.