Ngành khai thác, chế biến đá hy vọng thị trường năm 2023 khởi sắc

Theo thống kê của các ngành chức năng, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 130 doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đá vôi, tập trung ở 2 huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Ảnh hưởng của dịch Covid - 19 kéo dài, giá nguyên vật liệu đầu vào, lãi suất ngân hàng tăng cao, trong khi đó giá vật liệu xây dựng lại tăng chậm đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Ngay sau khi được giao núi lâu dài để khai thác đá, hầu hết các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn tỉnh đã vay vốn ngân hàng, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cấp dây chuyền khai thác hiện đại hơn. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền máy móc trị giá tới 50 - 100 tỷ đồng và có những doanh nghiệp chi phí hàng chục tỷ đồng mở đường lên núi. Quy mô đầu tư hiện đại, nhiều doanh nghiệp đã phải vay ngân hàng với số vốn lớn để duy trì hoạt động. Năm 2022, các doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh Covid – 19, giá nguyên vật liệu đầu vào, lãi suất ngân hàng tăng cao, trong khi đó giá đá xây dựng tăng chậm đã khiến cho không ít doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, thông thường quý I thị trường đá xây dựng sẽ trầm lắng, sang đầu quý II mới tiêu thụ nhanh và các doanh nghiệp tập trung sản xuất ồ ạt.

Tuy nhiên, trong năm 2022 chỉ có mấy tháng đầu năm thị trường đá xây dựng tạm ổn, còn lại tiêu thụ rất chậm và giá không tăng. Đến quý IV, hàng hóa tiêu thụ tốt hơn, song nhiều doanh nghiệp lại gặp khó khăn do vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ. Còn về giá, năm 2022 (giá đá 1x2 tại xưởng từ 150 – 160 nghìn đồng/m3…) tăng được khoảng 10 - 20% so với năm 2021, song nhiều loại mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất lại tăng 30 – 40%, dẫn tới hầu hết các doanh nghiệp khai thác đá gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến đá đã phải giảm công suất sản xuất, cho công nhân nghỉ việc luân phiên. 

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Transemeco (Thanh Liêm) cho biết: Chưa năm nào nghề khai thác đá lại khó khăn như thế, hàng hóa sản xuất ra ế ẩm, tiêu thụ rất chậm, giá cả vật liệu xây dựng  nhiều năm lại không tăng, trong khi đó chi phí khai thác ngày càng lớn, dẫn tới các doanh nghiệp khai thác đá gặp nhiều khó khăn.

Ngành khai thác chế biến đá hy vọng thị trường năm 2023 khởi sắc
Công trường khai thác đá của Công ty Khai thác khoáng sản Nam Hà.

Khó khăn trong ngành khai thác đá hiện nay do tác động của dịch Covid – 19, kinh tế suy giảm, các công trình đầu tư xây dựng chậm, nhu cầu về nguyên vật liệu đá xây dựng không nhiều, trong khi đó chi phí đầu vào, như xăng dầu, lương trả công nhân, thuế phí môi trường tăng cao. Hơn nữa, từ khi Nhà nước cấp mỏ ổn định lâu dài thì nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư dây chuyền máy móc chế biến hiện đại, sản lượng khai thác lớn, nên việc cạnh tranh giữa các mỏ cũng khốc liệt. Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Transemeco năm 2022 khai thác được hơn 500 nghìn m3, song sản phẩm tồn kho nhiều. Trong tháng 12/2022, doanh nghiệp phải cho một bộ phận công nhân nghỉ việc vì chưa tiêu thụ được sản phẩm.

Theo thống kê của các ngành chức năng, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 130 doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đá vôi, tập trung ở 2 huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng ở khu vực Tây Đáy đã đóng góp tích cực cho ngành vật liệu xây dựng của quốc gia và thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng. Đặc biệt, sau khi Nhà nước cấp quyền khai thác khoáng sản lâu dài, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, công suất lớn, không chỉ nâng cao doanh thu cho doanh nghiệp mà còn nâng cao nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh về chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhiều doanh nghiệp nhỏ trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản đã gặp không ít khó khăn do sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, nhất là những doanh nghiệp phụ thuộc vào cung ứng sản phẩm bằng đường bộ. Đặc biệt, trong năm 2020 – 2021, các cấp các ngành đã tiến hành đo lại mỏ, đánh giá trữ lượng đã khai thác, nhiều doanh nghiệp đã khai thác vượt công suất, Nhà nước truy thu tiền thuế, phí và các khoản ngân sách khác theo quy định. Có những doanh nghiệp phải nộp hàng chục tỷ đồng tiền vào ngân sách do nhiều năm khai thác vượt khối lượng. Hơn nữa, khi giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, nhiều công trình xây dựng thi công chậm tiến độ dẫn tới sản lượng tiêu thụ đá chậm.

Trong thời gian này, các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá vừa sản xuất vừa thăm dò thị trường với hy vọng trong năm 2023 thị trường sẽ khởi sắc hơn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.