Ngành dịch vụ ăn uống gặp khó vì dịch Covid - 19

Năm nay, diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid - 19) đã khiến việc tụ tập nơi đông người bị hạn chế. Điều này đã và đang khiến cho nhiều ngành kinh doanh dịch vụ gặp khó, trong đó dễ nhận thấy nhất là dịch vụ nhà hàng, ăn uống.

Như thường lệ, tháng Giêng thường là “mùa hốt bạc” của ngành dịch vụ ăn uống do đầu năm, nhiều người đi tham quan du lịch, đi chùa, lễ hội xuân. Hơn nữa, sau Tết cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan tổ chức tiệc liên hoan, gặp mặt đầu năm. Thế nhưng năm nay, diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid - 19) đã khiến việc tụ tập nơi đông người bị hạn chế. Điều này đã và đang khiến cho nhiều ngành kinh doanh dịch vụ gặp khó, trong đó dễ nhận thấy nhất là dịch vụ nhà hàng, ăn uống.

Tiệm trà chanh là địa điểm thường xuyên thu hút lượng lớn khách hàng là học sinh, sinh viên thì hiện nay cũng đang vắng khách.

Quán xá “lặng như tờ”

Đến nhà hàng T.Đ, thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) vào thời gian này đều dễ dàng nhận thấy sự vắng vẻ khác xa những ngày thường. Được biết, vào những ngày cuối tuần hay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, nhất là từ mồng 3 đến mồng 5 Tết, mỗi ngày nhà hàng tiếp đón hàng trăm lượt khách hàng. Thế nhưng, những ngày qua, do diễn biễn phức tạp của dịch Covid - 19, lượng khách đến tham quan Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao giảm hẳn. Điều này đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của nhà hàng. Thậm chí, khách du lịch đi tham quan các điểm nhưng cũng không lựa chọn ăn uống trong nhà hàng nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh do sử dụng các dụng cụ, thiết bị dùng chung như cốc chén, bát đũa…

Nói về vấn đề này, anh N.V.H, quản lý nhà hàng T.Đ cho biết: Đã hai chục ngày nay, toàn bộ nhân viên của nhà hàng hầu như chỉ ngồi chơi vì không có việc. Thế nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì giữ lại toàn bộ nhân viên vì đây là đội ngũ đã được đào tạo khá bài bản, có kỹ năng và kinh nghiệm trong tiếp đón, phục vụ khách. Nhận thấy tâm lý e ngại của khách hàng khi đến ăn uống tại nhà hàng, chúng tôi đã trang bị đầy đủ nước rửa tay diệt khuẩn cho khách hàng sử dụng. Đồng thời, tiến hành vệ sinh sạch sẽ không gian, đồ dùng trong nhà hàng; phát khẩu trang cho nhân viên và khách hàng có nhu cầu.

Không chỉ các nhà hàng ăn “ế khách”, qua khảo sát thấy, các quán nước, quán cà phê, karaoke, hay thậm chí là những tiệm trà chanh, trà đá vỉa hè – nơi vốn đông đúc, tập trung rất đông học sinh, sinh viên, thanh niên thì trong những ngày này cũng đang “lặng như tờ”. Các trung tâm thương mại, siêu thị ngày thường khá tấp nập người đến tham quan, mua sắm, ăn uống hay vui chơi thì giờ cũng chỉ thấy lác đác một số người vào, ra. Chị N.T.L.H, chủ một quán cà phê ở phường Quang Trung (thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Gia đình tôi mở quán cà phê đã được gần 20 năm nay. Thế nhưng chưa khi nào hoạt động kinh doanh lại ảm đạm như bây giờ. Trước đây, vào các buổi tối hay ngày nghỉ, quán chật kín các chỗ ngồi. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, do vắng khách nên tôi đã xếp gọn bàn ghế vào kho, số bàn giảm từ 20 bàn xuống chỉ còn 10 bàn để không gian rộng rãi hơn. Đồng thời, cắt bớt 2 người làm để hạn chế thấp nhất thua lỗ.

Bị nghỉ việc, nhiều người loay hoay tìm việc làm mới

Tình trạng “ế khách” của các nhà hàng ăn, quán giải khát không chỉ gây khó khăn cho chủ cơ sở kinh doanh mà còn khiến cho nhiều nhân viên, người lao động làm thuê bị mất việc và phải loay hoay tìm kiếm việc làm mới. Anh T.T.D, xã La Sơn (Bình Lục) vốn là một đầu bếp của một nhà hàng có quy mô tương đối khá ở Hà Nội. Gần 2 năm nay, với kinh nghiệm làm nghề của mình, anh D. đã ra mở một quán nhỏ bán đồ ăn sáng và ăn đêm riêng tại Hà Nội và đưa mẹ và vợ lên phụ giúp. Hơn nửa tháng nay, cũng như nhiều hàng quán khác tại Hà Nội, quán ăn của anh cũng gần như “đóng băng” do người dân không đến ăn để phòng chống lây lan dịch Covid - 19. Để không bị thua lỗ, anh D. đã trả lại mặt bằng cửa hàng và cả nhà phải tạm về quê để… đợi dịch bệnh đi qua. 

Anh D. cho biết: Hiện vợ tôi đã xin làm công nhân may cho một công ty may mặc trên địa bàn huyện Bình Lục. Thời gian qua, tôi cũng đã chủ động tìm đến một số nhà hàng khác ở Hà Nội để xin việc nhưng chỗ nào cũng từ chối vì hoạt động kinh doanh đều đang ngưng trệ do dịch bệnh. Sốt ruột vì không biết sẽ phải nghỉ đến khi nào nên tôi đang tính đến phương án đi tìm một công việc khác để có thu nhập trong thời gian này. 

Còn bà N.T.S, quê ở xã Mộc Bắc (Duy Tiên) cũng mất đi khoản thu nhập 4,2 triệu đồng/tháng từ công việc rửa bát đũa thuê cho một quán ăn trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Bà S. kể: Tôi xuống Phủ Lý ở với vợ chồng con trai cả và phụ giúp trông cháu nội. Giờ các cháu đều đã lớn, đi mẫu giáo hết rồi. Thấy các con còn khó khăn nên tôi xin làm trong các quán ăn để tự lo cho bản thân và bớt gánh nặng cho con cái. Công việc nhặt rau, rửa bát khá nhẹ nhàng và phù hợp với những người tầm tuổi như tôi nên không khó để tìm được việc. Vậy nhưng, ngay sau Tết, chủ quán ăn đã gọi điện cho nghỉ việc vì quán không có khách. Ở nhà chơi không tôi thấy cũng buồn tay, buồn chân, lại không có đồng ra đồng vào nên hễ ai giới thiệu đi làm dịch vụ lau dọn nhà cửa, giúp việc gia đình theo giờ là tôi đi liền. Có ngày tôi cũng kiếm được 200.000 đồng từ công việc này.

Có thể thấy, dịch bệnh Covid - 19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, chịu ảnh hưởng trực tiếp và dễ thấy nhất là ngành kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống do tâm lý e ngại chốn đông người của người dân. Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Không được chủ quan với dịch bệnh, nhưng vẫn phải bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường”, các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng đã vận động doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh trở lại sau Tết trong tâm thế cả nước vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh. 

Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), bắt đầu từ đầu tháng 2/2020, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tâm lý chủ động phòng chống dịch của người dân, hoạt động thương mại, dịch vụ bị giảm sút là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là tại thành phố Phủ Lý – địa bàn tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn và có hoạt động kinh doanh dịch vụ, thương mại diễn ra sôi nổi. Ước tính trong tháng 2/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố Phủ Lý đạt trên 915,7 tỷ đồng, giảm tới trên 54,5% so với tháng trước. 

Thực tế là chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, thời gian tới, ngành công thương sẽ phối hợp các ngành liên quan triển khai các biện pháp kích cầu tiêu dùng, chống đầu cơ găm hàng, nâng giá… Đồng thời, chuẩn bị tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ; kêu gọi các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh...

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy