Chiều 22/11, Sở Công thương phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổ chức hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối”.
Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước; Trương Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Sở Công thương của 15 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng, 104 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trương Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Hà Nam có thế mạnh trong phát triển các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Chính vì vậy, hội nghị được tổ chức sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hà Nam cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, là dịp để trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và các tỉnh, thành phố trong khu vực đến với các nhà phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước.
Trên cơ sở đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị phân phối nghiên cứu khả năng sản xuất, cung cấp các sản phẩm của tỉnh, của các đơn vị sản xuất để liên kết, tạo nguồn cung cho hoạt động kinh doanh, từng bước liên kết với các đơn vị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi để gia tăng giá trị nông sản. Các đơn vị sản xuất cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã sản phẩm. Sở công thương Hà Nam cũng như 15 tỉnh, thành trong khu vực cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nam, từ đầu năm 2018 đến nay, công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nam với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng Bắc bộ đã được triển khai tích cực và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Từ tháng 1/2018 đến tháng 10/2019 đã có gần 900 sản phẩm được giới thiệu và bán trên Sàn Giao dịch Thương mại điện tử của trên 70 doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Hà Nam đã được quảng bá rộng rãi, từng bước thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và được người tiêu dùng ưa chuộng. Những sản phẩm mang tỉnh thời vụ đã cơ bản khắc phục được tình trạng “được mùa rớt giá”. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động giao thương, kết nối cung – cầu, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác. Qua đó, góp phần thúc đẩy các mối quan hệ về kinh tế, văn hóa giữa các tỉnh thành, phố trong khu vực cũng như trên cả nước.
Tại hội nghị, đại biểu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã đặt câu hỏi cho đại diện Bộ Công thương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn một số nội dung liên quan đến vấn đề sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm như: Chương trình sinh kế cộng đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; kết nối cung - cầu; việc cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm quy mô nhỏ; chính sách hỗ trợ cho cơ sở sản xuất mới, nhà phân phối, nhà sản xuất nhỏ… Đồng thời, các đại biểu cũng bàn về các giải pháp thúc đẩy sự liên kết, kết nối cung - cầu hàng hóa trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông đánh giá cao tỉnh Hà Nam trong việc tích cực tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu, tổ chức giao thương, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Nam với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước yêu cầu: Sở Công Thương Hà Nam cần chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tiếp tục thực hiện các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng, miền tại hệ thống các siêu thị lớn; phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tình hình sản xuất, cung ứng thịt lợn trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán 2020; làm việc với các địa phương lân cận có nhu cầu nguồn thịt lợn lớn để kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp ký kết sẵn các hợp đồng cung ứng sản phẩm thịt lợn; tổ chức tốt việc lưu thông, phân phối thịt lợn nhằm bảo đảm ổn định cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung vào các nhóm hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...
Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại trong nước.
Nguyễn Oanh
Nguyễn Oanh