Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch có nhiều khởi sắc

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 19/5/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ (TM, DV), trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 12), Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai đến các cấp, ngành, địa phương gắn với các chương trình, đề án cụ thể. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết, hoạt động TM, DV, du lịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 có thể thấy rõ, hoạt động TM, DV, du lịch trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, điểm nhấn là kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển TM, DV, du lịch, logistics đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ, nhất là về hệ thống giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, hạ tầng đô thị. Hệ thống đường giao thông, chợ nông thôn tại các địa phương cũng được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu của các hộ kinh doanh và người tiêu dùng. Công tác giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, công trình trọng điểm về đô thị, TM, DV, du lịch được quan tâm triển khai bảo đảm đúng tiến độ, nhất là hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch quốc gia Tam Chúc; dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Hồng Đức; dự án Cụm cảng Yên Lệnh; Khu Đại học Nam Cao; tuyến đường nối thị trấn Ba Sao – chùa Bái Đính (Ninh Bình)...

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các sở, ngành chức năng đã thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong khu công nghiệp; quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Postmart.vn, Voso.vn và sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh; phối hợp với các đơn vị viễn thông – công nghệ thông tin triển khai nhân rộng mô hình “chợ 4.0” nhằm khuyến khích các tiểu thương trong chợ hưởng ứng việc thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh…

Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Lan Chi, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân). Ảnh: Hân Hân

Kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện đã tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động TM, DV, du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động thương mại được đẩy mạnh. Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay, toàn tỉnh có 10 trung tâm thương mại, siêu thị quy mô hoạt động khá; 110 chợ và khoảng 30.000 cơ sở hoạt động thương nghiệp, kinh doanh các loại hình dịch vụ. Bên cạnh đó, hệ thống khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, bảo hiểm, các tổ chức tài chính, tín dụng tại các địa bàn trong tỉnh cũng ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng phục vụ, đáp ứng đầy đủ, thuận tiện nhu cầu của tất cả các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam hiện thu hút trên 100 doanh nghiệp với gần 2.000 sản phẩm tham gia.

Trong giai đoạn 2021-2022, tốc độ tăng trưởng TM, DV bình quân đạt 6,64%/năm. Đến hết năm 2022, tỷ trọng ngành TM, DV chiếm 24,7% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 2022, tỉnh Hà Nam thu hút 3,15 triệu lượt khách du lịch, tăng 23% so với năm 2021. Riêng quý I/2023, tỉnh thu hút trên 2,65 triệu lượt khách du lịch về địa bàn tỉnh, nâng tổng doanh thu du lịch trong quý ước đạt 2.110,1 tỷ đồng, đạt 67,81% kế hoạch năm.

Trao đổi, làm rõ hơn về kết quả đạt được trong phát triển TM, DV, du lịch sau nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết số 12, ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 12, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, rà soát các nguồn thu, nhất là nguồn thu tiền sử dụng đất để tập trung nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển TM, DV, du lịch. Tỉnh cũng đã xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện đồng bộ các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh và thành phố Phủ Lý… Trên cơ sở đó, củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tăng tính kết nối của hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông làm tiền đề để phát triển TM, DV, du lịch. Điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh TM, DV sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết số 12 là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng mạnh, bình quân giai đoạn 2021-2022 tăng 19,8%/năm - vượt so với mục tiêu nghị quyết đề ra là 18,6%/năm. Giá trị xuất khẩu tăng trưởng bình quân 34,5%/năm - vượt cao so với mục tiêu đề ra là 15%/năm.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động TM, DV trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Cụ thể, việc phát triển khu vực dịch vụ, tiến độ thu hút đầu tư vào Khu Đại học Nam Cao và các phân khu chức năng Khu du lịch quốc gia Tam Chúc còn hạn chế; tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm về phát triển TM, DV còn chậm; cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, mong muốn của người dân, doanh nghiệp; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao, chuỗi cung ứng đứt gãy, sức ép lạm phát cao cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh… Chính vì vậy, tốc độ tăng trưởng TM, DV; cơ cấu TM, DV còn thấp, giai đoạn 2021-2022 mới chỉ tăng 6,64%/năm trong khi mục tiêu đề ra là tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt từ 10%/năm; đến hết quý I/2023, cơ cấu TM, DV chỉ chiếm 24%, trong khi mục tiêu đến năm 2025 là 28,5%.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12 trên quan điểm xác định, phát triển TM, DV là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từ nay đến năm 2025, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, lồng ghép việc thực hiện các nội dung của nghị quyết trong các chương trình, kế hoạch thực hiện của các cấp, ngành. Cùng với đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và sớm đưa vào hoạt động các dự án đầu tư trọng điểm, các khu đô thị, nghỉ dưỡng chất lượng cao nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng TM, DV đạt bình quân trên 10%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 18,6%/năm (vượt mục tiêu nghị quyết là 15%/năm). Đến năm 2025, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt trên 8 tỷ USD (vượt mục tiêu nghị quyết là trên 6 tỷ USD).

Cùng với đó, tập trung nguồn lực để hoàn thành hạ tầng khung nhằm thu hút đầu tư phát triển đạt tiêu chí khu du lịch quốc gia; hoàn thành quy hoạch tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái – tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí và dịch vụ phục vụ du lịch, phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch quốc gia Tam Chúc đón trên 3,5 triệu lượt khách/năm, doanh thu du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh thu hút từ 1- 2 trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn cấp vùng; từ 1- 2 khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn  3-5 sao của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn; các dự án dịch vụ vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại, tài chính tổng hợp.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy