Đưa hàng Việt về nông thôn còn nhiều khó khăn

Nằm trong khuôn khổ chương trình “Xúc tiến thương mại quốc gia”, hằng năm, các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” đã tạo cơ hội cho người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các mặt hàng sản xuất trong nước bảo đảm về chất lượng, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn nhiều khó khăn, kết quả chưa đạt như kỳ vọng.

Gian hàng bán đồ gia dụng tại Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại xã Thanh Hương (Thanh Liêm) thu hút nhiều người dân mua sắm.

Thị trường tiềm năng của doanh nghiệp Việt

Cơ sở sản xuất cộng đồng HT (xã Duy Hải, Duy Tiên) là đơn vị gắn bó với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi từ những ngày đầu mới tổ chức. Với hàng trăm mẫu giày, dép da các loại, được bán với giá chỉ từ 100.000 đồng/đôi, sản phẩm giày, dép của cơ sở HT tương đối phù hợp với thị hiếu, thu nhập của người dân nông thôn. Vì vậy, thời gian qua, cơ sở tham gia tất cả các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) tổ chức. 

Ông Nguyễn Văn Hanh, chủ cơ sở sản xuất cộng đồng HT cho biết: Được Sở Công thương hỗ trợ toàn bộ chi phí thuê gian hàng, phí vệ sinh môi trường, điện, nước, quảng cáo và một phần chi phí vận chuyển hàng hóa, chúng tôi đã có nhiều thuận lợi khi tham gia phiên chợ. Ngoài lợi nhuận thu được từ việc bán sản phẩm tại phiên chợ với doanh thu trên dưới 50 triệu đồng/phiên, tham gia phiên chợ, chúng tôi còn có cơ hội để giới thiệu sản phẩm, tạo uy tín đối với người tiêu dùng.

Nhằm từng bước thay đổi thói quen dùng hàng Việt trong mua sắm của người dân nông thôn, từ năm 2012 đến nay, trung tâm đã tổ chức được 23 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi tại các huyện của tỉnh. Mỗi phiên chợ thu hút khoảng 15 doanh nghiệp tham gia với 20-25 gian hàng tiêu chuẩn bày bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân như: quần áo, giày dép, đồ dùng học tập, chăn, ga, gối, đệm, thiết bị điện tử, viễn thông, lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp… Từ đầu năm 2019 đến nay, trung tâm đã tổ chức thành công 2 phiên chợ đưa hàng Việt về 2 xã: Lê Hồ (Kim Bảng), Thanh Hương (Thanh Liêm). 

Đến tham quan, mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức trên địa bàn xã, chị Nguyễn Thị Ánh (xã Lê Hồ, Kim Bảng) chia sẻ: Hầu hết các mặt hàng thời trang, nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày đều được bày bán đầy đủ tại phiên chợ. Mua hàng hóa ở phiên chợ, tôi thấy yên tâm hơn về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của sản phẩm; giá cả hàng hóa cũng hợp lý hơn so với các điểm bán lẻ trong khu dân cư. Hơn nữa, nhờ có các phiên chợ được tổ chức mà tôi biết phân biệt đâu là hàng nhập khẩu, đâu là hàng sản xuất trong nước, từ đó có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những mặt hàng được bày bán trôi nổi trên thị trường.

Tham gia bán hàng tại các phiên chợ, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt đều cho rằng, thực hiện những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, điều quan trọng nhất mà doanh nghiệp thu được chính là thương hiệu sản phẩm được biết đến nhiều hơn, uy tín của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng được nâng lên. 

Theo ông Đinh Văn An, Giám đốc Sở Công thương, khu vực nông thôn, miền núi với xấp xỉ 70% dân số sinh sống là thị trường tiềm năng đối với ngành bán lẻ. Qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông, nhận thức và thói quen dùng hàng Việt của người tiêu dùng vùng nông thôn đã được nâng lên rất nhiều. Điều này thể hiện rõ qua quy mô, doanh thu, số lượt khách đến tham quan, mua hàng tại các phiên chợ tăng lên qua từng năm tổ chức. Riêng 2 phiên chợ tổ chức năm 2019, mỗi phiên chợ thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan, mua sắm, giúp các doanh nghiệp tham gia đạt mức doanh thu khoảng 500 triệu đồng/phiên. Điều này cho thấy, mặc dù thời gian tổ chức ngắn (3-4 ngày), quy mô của chương trình còn nhỏ so với các hội chợ thương mại khác nhưng các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi cũng đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng vùng nông thôn.

Kết quả chưa được như kỳ vọng

Rõ ràng, việc tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận tốt hơn với thị trường nông thôn đầy tiềm năng. Từ đó, doanh nghiệp có thể nắm bắt được thị hiếu và sức tiêu dùng vùng nông thôn để có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp hơn. Tuy nhiên, hành trình “đưa hàng Việt về nông thôn” hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Trong chương trình này, doanh nghiệp chính là “hạt nhân”, thế nhưng trên thực tế, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp “mặn mà” hưởng ứng, nhất là các “ông lớn” trong ngành bán lẻ. Mỗi phiên chợ mới chỉ thu hút được hơn chục doanh nghiệp tham gia bán hàng. 

Thực tế này do nhiều nguyên nhân như: nguồn kinh phí phục vụ tổ chức chương trình còn hạn chế, kế hoạch triển khai chưa đồng bộ; thời gian diễn ra phiên chợ ngắn (chỉ 3-4 ngày), số lượng phiên chợ được tổ chức ít, chưa thường xuyên; cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp đưa hàng về khu vực nông thôn còn thiếu. 

Một khó khăn khác là địa điểm tổ chức phiên chợ tại một số xã không có, chưa được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện. Có những phiên chợ, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại phải thuê tạm ở các địa điểm không hợp lý để tổ chức nên chưa thu hút được người dân trong vùng đến mua sắm. Hầu hết doanh nghiệp lại chưa chủ động mở đại lý hoặc tìm hiểu, kết nối với các đại lý tại địa phương để ký gửi hàng hóa. 

Đặc biệt, sức mua của người dân địa phương còn thấp, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của doanh nghiệp. Qua phỏng vấn nhanh một số doanh nghiệp tại các phiên chợ cho thấy, có những chuyến hàng doanh nghiệp đem đi bày bán có giá trị đến vài trăm triệu đồng nhưng doanh số bán hàng của doanh nghiệp chỉ đạt vài ba chục triệu đồng. Hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng, doanh nghiệp chưa tích cực tham gia cũng đã ảnh hưởng đến quy mô và chất lượng của chương trình…

Về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, ông Nguyễn Liên Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Trung tâm đang nghiên cứu đề xuất, tham mưu với lãnh đạo Sở Công thương xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Hà Nam làm cơ sở pháp lý để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới, đặc biệt là trong tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Tăng cường công tác điều tra, khảo sát thị trường để cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin cần thiết về thị trường. 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của phiên chợ thì điểm mấu chốt là phải nâng cao được chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các mặt hàng tham gia. Theo đó, trung tâm sẽ trao đổi thông tin, liên kết với các Trung tâm Xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng để vận động doanh nghiệp ở nhiều ngành hàng tham gia. Trung tâm cũng sẽ áp dụng các tiêu chí cụ thể của chương trình để sàng lọc doanh nghiệp nhằm lựa chọn những doanh nghiệp tốt nhất ngay từ lúc nhận hồ sơ tham gia…

Như vậy, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng. Từ phần đông dân số ưa chuộng hàng ngoại, đến nay đã có khoảng 70% số người tiêu dùng chuyển sang ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng ngày càng chú trọng hơn đến thị trường nội địa, không để hàng ngoại lấn lướt như những năm trước đây. 

Tuy nhiên, những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn vẫn mang tính mùa vụ. Khi chương trình kết thúc, người dân muốn mua thêm sản phẩm cũng không biết tìm đến đâu, kết nối với doanh nghiệp bằng cách nào. Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hệ thống bán lẻ tại thị trường nông thôn, để chương trình đưa hàng Việt về nông thôn thật sự phát huy hiệu quả. 

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy