Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cấp nước phục vụ dân sinh

Theo thống kê của ngành chức năng đến tháng 6/2018, toàn tỉnh còn 9 xã và thị trấn chưa có nước máy sinh hoạt, hoặc chỉ có một nhóm hộ có nước máy sinh hoạt. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công các nhà máy, bảo đảm nhanh chóng cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân.

Vừa rửa rau bằng nước giếng khoan, anh Dương Văn Cử, ở xóm 8, xã Thụy Lôi (Kim Bảng) nói với chúng tôi: Mong nước máy từng ngày các chú ạ! Đấy các chú xem, nước giếng khoan bẩn lắm, mỗi tháng tôi phải thau cát 2-3 lần mới lọc được. Cát rửa ra thì vàng khè, mùi tanh ngòm, thấy bảo vùng này nhiễm asen nặng không biết nước giếng bơm lên lọc qua cát có bảo đảm không, nhưng không có nước máy thì vẫn phải dùng để tắm rửa, sinh hoạt hằng ngày, còn nước ăn tôi phải xây một bể nước mưa, dùng tiết kiệm thì đủ ăn, khi thiếu còn phải ăn cả nước giếng. 

Nhiều hộ dân ở 9 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh vẫn phải sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt hằng ngày.

Cũng như anh Cử, hàng nghìn hộ dân ở xã Thụy Lôi, Tân Sơn, Tượng Lĩnh (Kim Bảng)… đang mong chờ từng ngày để có nước máy sinh hoạt. Rất nhiều lần các hộ dân có ý kiến tới các ngành chức năng và đơn vị cung cấp nước sạch, song tiến độ đầu tư xây dựng công trình rất chậm.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho hay: Lần nào tiếp xúc cử tri người dân cũng đặt câu hỏi bao giờ có nước máy để sinh hoạt, trong khi đó đường ống ở trong khu dân cư đã được triển khai lắp đặt từ rất lâu. Trước ý kiến của người dân, xã cũng chỉ biết tiếp thu và đề nghị các cấp có thẩm quyền cùng với Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam sớm giải quyết đầu tư hoàn thiện đường ống dẫn nước để bán nước sinh hoạt cho người dân.

Bởi thực tế, qua nghiên cứu của các ngành chức năng nước ngầm ở Tân Sơn bị nhiễm asen nặng, trong khi đó người dân chủ yếu khoan giếng lấy nước để sinh hoạt, còn lại nước ăn hầu hết các hộ đều có bể chứa nước mưa. Tuy nhiên, xã Tân Sơn có núi đá vôi, các doanh nghiệp khai thác chế biến đá gây ô nhiễm môi trường nên nước mưa ở trong khu vực cũng chưa bảo đảm vệ sinh.

Ông Phạm Trọng Khôi, Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam cho biết: Công ty được UBND tỉnh Hà Nam cho phép cấp nước sạch ở 5 xã của huyện Kim Bảng, trong đó đến thời điểm này xã Ngọc Sơn đã được cấp nước sinh hoạt, còn lại các xã khác đang triển khai lắp đặt đường ống trong khu dân cư.

Tiến độ xây dựng đường ống chính chậm do thời gian qua nhà thầu thi công nâng cấp QL21 nên doanh nghiệp phải chờ thời gian phù hợp mới đầu tư được đường ống chính. Hơn nữa, toàn bộ nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình nước sạch là của doanh nghiệp bỏ ra nên quá trình đầu tư đơn vị cũng phải tính toán bảo đảm phát triển lâu dài và phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp. Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam phấn đấu trong năm 2018 sẽ cấp nước cho toàn bộ các xã trên.

Tại thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm), các hộ dân phản ánh ý kiến tới HĐND tỉnh về tình trạng 500 hộ dân ở Tiểu khu Kiện Khê đang sử dụng nguồn nước không bảo đảm do trạm cấp nước Đông Hà đã xuống cấp. Người dân đề nghị doanh nghiệp xây dựng công trình cấp nước mới trên địa bàn là Công ty xây dựng và kinh doanh nhà ở Hà Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án để cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Ông Trần Quyết Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê cho biết: Trường Tiểu học Kiện Khê cũ được quy hoạch để xây dựng nhà máy nước mới của thị trấn Kiện Khê. Do tiến độ xây dựng Trường Tiểu học Kiện Khê mới đang bị chậm nên việc giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy nước kéo dài thời gian.

Hiện thị trấn đang phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng thi công đường ống nước, còn về mặt bằng thi công nhà máy phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ bàn giao. Cũng theo ông Thành, với tiến độ này, nhanh nhất cũng phải đến giữa năm 2019 nhà máy nước mới ở thị trấn Kiện Khê mới đi vào hoạt động được.

Theo thống kê của ngành chức năng đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có khoảng hơn 94% dân số có nước hợp vệ sinh để sinh hoạt, trong đó có 65% dân số có nước máy để sử dụng hằng ngày. Nhiều xã hiện nay người dân chưa có nước máy để sinh hoạt, hoặc một phần nhỏ dân được dùng nước máy sinh hoạt như xã Thụy Lôi, Lê Hồ, Tân Sơn, Tượng Lĩnh (Kim Bảng); xã Liêm Sơn, Thanh Tâm, thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm); xã Châu Giang, thị trấn Đồng Văn (Duy Tiên).

Từ nhiều năm qua, UBND tỉnh đã giao cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các xã trên sử dụng, song đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh nước sạch mới đang đầu tư đường ống, xây dựng nhà máy để cấp nước cho người dân. Tình trạng chậm trễ này là do các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư; vướng mắc về giải phóng mặt bằng thi công xây dựng các nhà máy và vướng mắc về thủ tục triển khai dự án.

Bao giờ các hộ dân ở các xã trên có nước máy sinh hoạt? Để trả lời câu hỏi này, đòi hỏi các ngành chức năng phải vào cuộc tháo gỡ khó khăn về mặt bằng cho các doanh nghiệp thi công lắp đặt đường ống và xây dựng nhà máy. Đối với doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình cấp nước sạch theo đúng cam kết với UBND tỉnh. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung tuyên truyền cho người dân khi có nước máy sinh hoạt, bỏ hẳn thói quen dùng nước giếng, nước không bảo đảm vệ sinh.

Trần Hữu

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy