Đa dạng các loại hình dịch vụ ở nông thôn

Thời gian qua, cùng với sự hình thành các trung tâm thương mại, siêu thị ở khu vực thành phố, ở khu vực nông thôn, hoạt động thương mại, dịch vụ cũng phát triển mạnh mẽ. Đây là một trong những kết quả nổi bật của chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Khi được hỏi, chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại những đổi thay như thế nào đối với đời sống của người dân nông thôn, chị Võ Thu Hoài, thôn Trung Sơn, xã La Sơn (Bình Lục) phấn khởi cho hay: Một trong những đổi mới tích cực mà ai cũng nhận thấy đó là hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng hơn trước rất nhiều. Nếu như trước đây, tôi phải lên tận trung tâm huyện hay một số chợ có quy mô lớn ở các xã lân cận để tìm mua những mặt hàng có giá trị như xe máy, xe điện, điện thoại đi động, đồ điện lạnh, đổ xăng xe, dịch vụ ngân hàng thì giờ đây tôi được đáp ứng tất cả các nhu cầu này ngay tại địa bàn dân cư.  Ngoài ra, do dịch vụ viễn thông, internet phát triển nên khi có nhu cầu, người dân trong xã còn dễ dàng tìm kiếm thông tin, thuê dịch vụ nấu cỗ tại nhà hay đặt mua trực tuyến mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và được nhân viên giao hàng vận chuyển đến tận nơi.

Để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, những năm qua, xã La Sơn đã tích cực chỉ đạo các thôn có lợi thế nằm trên trục quốc lộ 37B như: Trung Sơn, Thượng Thụ, Tập Mỹ  rà soát, hỗ trợ các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng để đầu tư xây dựng cửa hàng, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; cử cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn các hộ dân giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý nhà nước…

Đa dạng các loại hình dịch vụ ở nông thôn
Một cửa hàng kinh doanh tạp hóa trên địa bàn xã La Sơn (Bình Lục). Ảnh: Hân Hân

Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện có khoảng 400 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho trên 800 lao động địa phương. Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã La Sơn cho biết: Hơn chục năm về trước, giao thông đi lại chưa thuận tiện như bây giờ kéo theo mạng lưới thương mại, dịch vụ chậm phát triển, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của xã. Đến nay, lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã chiếm 39% trong cơ cấu kinh tế của xã. Tại các thôn nằm trên trục quốc lộ 37B, số hộ kinh doanh dịch vụ chiếm tới 90%. Năm 2020 và 2021, mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid – 19 nhưng giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã vẫn đạt tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 15%. Đến hết năm 2022, lĩnh vực thương mại, dịch vụ sẽ chiếm từ 41% cơ cấu kinh tế toàn xã.

Tại các xã, phường trên địa bàn thị xã Duy Tiên, hoạt động thương mại, dịch vụ cũng phát triển nhanh, mạnh với nhiều loại hình, nhất là ở quanh khu vực chợ và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Người dân nông thôn có thể sử dụng các dịch vụ làm đẹp, khám chữa bệnh, mua hàng thời trang, mua sắm hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng tiện ích ngay tại địa bàn xã mà không còn phải sang Hưng Yên hay xuống TP Phủ Lý như những năm về trước.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên, ngoài hệ thống chợ truyền thống, siêu thị tổng hợp, chuyên ngành về lĩnh vực điện tử, điện lạnh, viễn thông và các chợ truyền thống tại các phường, xã, trên địa bàn thị xã còn có khoảng 5.000 cơ sở kinh doanh có đăng ký, đang hoạt động ở đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề. Phát triển mạnh nhất trong những năm gần đây là dịch vụ vận tải, tài chính – ngân hàng, bưu chính - viễn thông, điện, cấp nước sạch, y tế… Qua đó, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của nhân dân, công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp. Mạng lưới này hoạt động ổn định đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng tổng mức doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân 5 năm trở lại đây của thị xã đạt trên 17%/năm.

Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho biết: Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn các xã, phường của thị xã ngày càng diễn ra sôi động, có sự phát triển mạnh cả về cả quy mô, loại hình, thị trường tiêu thụ. Năm nay, mặc dù hoạt động sản xuất- kinh doanh, nhu cầu mua sắm hàng hoá của người dân vẫn bị ảnh hưởng sau tác động của dịch Covid -19 nhưng trong 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn thị xã vẫn đạt trên 7.300 tỷ đồng, bằng gần 78% kế hoạch năm.

Theo thống kê, ngoài hệ thống chợ truyền thống được xây dựng đạt chuẩn tại các xã, phường, thị trấn, toàn tỉnh hiện còn có trên 40.000 cơ sở hoạt động thương nghiệp, kinh doanh dịch vụ, thương mại ở tất cả các ngành nghề. Điểm sáng trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ ở địa bàn nông thôn những năm gần đây là việc thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, hoạt động. Ước tính, trong 9 tháng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh đạt 29.667,1 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có tới 10/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2021 là: Gỗ và vật liệu xây dựng; phương tiện đi lại (trừ ô tô con); lương thực, thực phẩm; nhiên liệu (trừ xăng dầu); dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi); vật phẩm, văn hóa, giáo dục; hàng may mặc; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình; hàng hóa khác.

Để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ nông thôn, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã quan tâm, hỗ trợ kinh phí để các địa phương xây mới, nâng cấp hệ thống đường giao thông, cầu, chợ; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng. Cùng với đó, chỉ đạo các ngành chức năng làm tốt công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ, triển lãm, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn… nhằm tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng ở các vùng nông thôn.

Do phần đông dân số của tỉnh vẫn đang sinh sống, làm việc tại các vùng nông thôn nên việc khai khác tốt thị trường này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Vì vậy, trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các huyện, thành phố, thị xã đều đang tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung thực hiện nhóm giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng thương mại; nâng cấp, sửa chữa hệ thống chợ truyền thống; thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng, phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy