Chương trình OCOP sẽ thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ ở nông thôn

Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (OCOP) vừa được Chính phủ phê duyệt và chính thức thực hiện trên phạm vi cả nước. Ông Trần Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NN&PTNT) cho biết: Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương.

Trọng tâm của chương trình OCOP là lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế để phát triển theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện.

Sản phẩm được phân theo các nhóm: thực phẩm (nông sản tươi sống, nông sản chế biến, đồ uống (nước có cồn hoặc không cồn), thảo dược (sản phẩm làm từ cây dược liệu), vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí (các sản phẩm gỗ, mây, tre, gốm), dịch vụ du lịch nông thôn (tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng). Nhà nước đóng vai trò kiến tạo ban hành khung pháp lý và chính sách thực hiện; quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý, giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Lụa tơ tằm Nha Xá (Mộc Nam, Duy Tiên).

Nhìn từ thực tế, Hà Nam chưa có nhiều sản phẩm mang đặc trưng đặc sản vùng miền, nhưng cũng có không ít sản phẩm chất lượng tốt. Những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn, khuyến khích thúc đẩy phát triển các làng nghề, làng có nghề và làng nghề truyền thống. Công tác khuyến công, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho lao động làng nghề được quan tâm, giúp cho việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề ngày một tốt hơn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 35 làng nghề truyền thống, 30 làng nghề TTCN và 98 làng có nghề TTCN. Hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề tập trung ở các ngành: thủ công mỹ nghệ, dệt may, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến gỗ, mây tre đan, cơ khí, đồ gốm.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, một số xã cũng xác định được những mặt hàng nông sản chủ lực. Quá trình sản xuất bắt đầu có sự liên kết, tạo thành chuỗi sản xuất, gắn phát triển sản phẩm với tổ chức sản xuất và hình thành các HTX, tổ hợp tác, tổ dịch vụ.

Sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại các sản phẩm làng nghề, nông sản chính là lợi thế và điều kiện tốt để thực hiện chương trình OCOP. 

Ông Trần Anh Tuấn cho biết: Căn cứ vào những sản phẩm  hiện có, bước đầu, chúng tôi xác định được 13 sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, đã có nhãn hiệu hàng hóa hoặc có lợi thế cạnh tranh, như: chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu, bánh đa nem làng Chều, rượu Vọc Long tửu, gốm Quyết Thành, lụa Nha Xá, trống Đọi Tam, gà Móng Tiên Phong…

Chi cục PTNT tỉnh đang triển khai xây dựng đề án mỗi xã một sản phẩm. Đề án sẽ tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, dịch vụ ở nông thôn. Liên quan tới vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện tốt Chương trình OCOP, trước hết, cần có sự vào cuộc tích cực của các ngành và chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền, tham mưu xây dựng chương trình phát triển và quản lý các sản phẩm; phối hợp rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách. Những sản phẩm đặc trưng dù có lợi thế cạnh tranh, song đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, quy mô sản xuất  của các cơ sở sản xuất trong làng nghề còn nhỏ. Làng nghề đang thiếu thiết bị, máy móc để cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nhìn chung, tay nghề của lao động làng nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong điều kiện hiện nay, cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện Chương trình OCOP là rất cần thiết, không chỉ góp phần định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng, mà còn là "đòn bẩy" quan trọng để nâng cao chất lượng và nâng cấp thương hiệu sản phẩm.

Chương trình OCOP có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động và tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình. Vấn đề còn lại là cần làm thế nào để chương trình có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.