Chủ động nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm

Phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ cuối tháng 9 âm lịch, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã vào con giống mới. Đây được xem là cơ hội “vàng” để các đơn vị, cơ sở sản xuất, chăn nuôi đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ nhằm cải thiện doanh thu sau thời gian dài gặp khó về đầu ra, giá lợn, gia cầm giảm mạnh. 

Chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để cung ứng cho dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lứa gà mới vào gần đây của Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản sạch Ngọc Lâm tăng số lượng đàn nuôi lên 50% so với những lứa nuôi trước và dự kiến sản lượng gà tiêu thụ trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022 đạt khoảng 500 tấn.

Thời gian này, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, HTX còn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm mang tới cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm an toàn. Vì vậy, HTX áp dụng quy trình khép kín trong các khâu; kiểm soát tốt dịch bệnh thông qua việc tiêm đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh và cho đàn nuôi uống các loại vitamin để tăng sức đề kháng… 

Chủ động nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm
Khách mua hàng tại chuỗi Siêu thị Nhật nội địa Omaichi Đồng Văn. Ảnh: Tiến Đoàn

Ông Phan Văn Đô, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản sạch Ngọc Lâm cho biết: Những năm gần đây, HTX đẩy mạnh sản xuất gà thương phẩm để tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận, như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh… Những tháng gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, các nhà hàng, khách sạn, trường học liên tục phải đóng cửa khiến lượng gà tiêu thụ bị giảm mạnh. Giá gà cũng giảm đáng kể so với trước đây khiến cho HTX gặp nhiều khó khăn. Hi vọng vào sự phục hồi thị trường những tháng cuối năm, từ đầu tháng 9 âm lịch, khi vào lứa gà mới, HTX đã đa dạng hoá chủng loại đàn nuôi để đáp ứng nhu cầu nhiều nhóm đối tượng khách hàng. 

Còn tại Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam (xã Bối Cầu, Bình Lục), do giá lợn hơi xuống thấp nhiều tháng nay, hoạt động mua bán tại chợ diễn ra thưa thớt. Anh Nguyễn Văn Thắng, Thôn 1, xã Bồ Đề (Bình Lục)-một thương lái tại chợ cho biết: Khoảng 2 tháng nay, gần như tôi phải tạm dừng việc nhập lợn về chợ bán vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều địa phương và giá lợn hơi xuống thấp. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi hơn 1.000 con lợn thịt để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (tăng 40% so với các lứa nuôi trước). Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn và kịp thời gian xuất bán dịp cận Tết, gia đình tôi rất chú trọng đến công tác phòng dịch, đồng thời tăng cường chế độ dinh dưỡng cho đàn lợn. Thời điểm này, tôi đã kết nối với các đơn vị chuyên cung cấp nguồn lợn với số lượng lớn trong và ngoài tỉnh để thu mua lợn, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Chủ động nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm
Ông Nguyễn Văn Thắng, Thôn 1, xã Bồ Đề (Bình Lục) vào mới trên 1.000 con lợn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Thế Chinh, Trưởng Ban Quản lý Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam được biết, bình thường, hoạt động mua bán trong chợ diễn ra rất sôi động với khoảng 400 thương lái thường xuyên vận chuyển, thu mua lợn từ các nơi để cung cấp cho thị trường. Giá lợn xuống thấp trong thời gian qua khiến các thương lái cẩn trọng hơn trong việc nhập lợn về bán. Thời gian này, bình quân mỗi ngày, chợ chỉ có vài chục thương lái ra vào chợ. Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn cung mặt hàng thịt lợn dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các hộ kinh doanh lợn tại chợ đều đang tập trung chăm sóc tốt cho đàn lợn mới vào nuôi. Cùng với đó, tiến hành khảo sát tình hình chăn nuôi của các hộ dân trong khu vực, liên hệ với các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn ở trong và ngoài tỉnh để ký kết hợp đồng thu mua.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 11.000 cơ sở chăn nuôi lợn, trong đó có 10.136 cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, 864 trang trại; 2.227 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô trên 500 con… Từ đầu năm 2021 đến nay, sản xuất chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ bấp bênh, dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao. Tuy nhiên, với việc triển khai thực hiện tốt phát triển chăn nuôi gắn với phòng, chống dịch bệnh nên tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. 

Ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: Từ nay đến cuối năm, tình hình sản xuất chăn nuôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ thực phẩm, trong khi giá thức ăn, vật tư chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng cao, giá bán sản phẩm đầu ra giảm… Tuy nhiên, với quy mô đàn lợn đạt trên 370.000 con, đàn gia cầm đạt khoảng 8,2 triệu con, tổng đàn trâu, bò đạt gần 37.000 con sẽ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong tỉnh dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy