Chủ động các phương án bảo đảm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân

Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với nhiều giải pháp quan trọng, quyết liệt nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh, các sở, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chủ động các phương án cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm

Dịch bệnh khiến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề. Với sản xuất nông nghiệp, đó là sự khan hiếm và tăng giá của hầu hết các nguyên liệu đầu vào, giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi đều tăng. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm nông sản, thực phẩm lại bị hạn chế do một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến giá vận chuyển tăng, thời gian vận chuyển bị kéo dài. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và bà con nông dân trong tỉnh đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả để duy trì đà tăng trưởng. Qua đó, khẳng định được vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân trong đại dịch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng năm 2021, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh đều tăng so với cùng kỳ; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt trên 72.000 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2020. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong điều kiện dịch bệnh Covid -19, ngành nông nghiệp đã và đang tập trung triển khai các biện pháp để bảo vệ, duy trì, phát triển đàn gia súc, gia cầm; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tập trung tăng đàn tại các cơ sở chăn nuôi trang trại; chủ động áp dụng phương án “3 tại chỗ” (ăn, nghỉ, làm việc tại cơ sở) nhất là với các trang trại quy mô lớn; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi chủ động dự trữ, bảo đảm đủ số lượng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc - xin, chế phẩm, hoá chất tiêu độc khử trùng để phục vụ sản xuất; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi... 

Chủ động các phương án bảo đảm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân
Cán bộ Sở Công thương kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại cửa hàng của Siêu thị Vinmart+, Đường Lý Thường Kiệt (TP Phủ Lý).

Ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Việc duy trì đà tăng trưởng của ngành không những bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm mà còn góp phần thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch. Với tổng số dân toàn tỉnh trên 860.000 người, dự báo nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh trong 3 tháng cuối năm 2021 là trên 10.800 tấn thịt hơi các loại và khoảng 25 triệu quả trứng. Trong khi đó, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại trong 3 tháng cuối năm 2021 ước đạt 23.800 tấn; số trứng gia cầm đạt xấp xỉ 70 triệu quả. Như vậy, ngành chăn nuôi Hà Nam ngoài khả năng sản xuất và đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, còn cần tiêu thụ khoảng gần 13.000 tấn thịt hơi các loại và 35 triệu quả trứng gia cầm ra các tỉnh khác. 

Là một trong những đơn vị có nguồn cung ứng gạo lớn nhất trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam Ninh (phường Thanh Châu, TP Phủ Lý) đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, giữa thời điểm dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, công ty vẫn có lượng gạo dự trữ lớn để cung cấp cho người dân. Bà Trần Thị Loan, Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam Ninh cho biết: Ngay từ đầu năm, công ty đã xây dựng kịch bản, lên phương án thu mua lúa tại các địa phương để luôn có lượng gạo ổn định, bảo đảm phục vụ nhu cầu trên địa bàn. Thời điểm này, công ty đã chuẩn bị trên 10.000 tấn gạo các loại, trong đó, riêng kho tại trụ sở công ty đang có trên 5.000 tấn. Với lượng gạo này, công ty bảo đảm đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài. 

Chủ động nguồn hàng hóa thiết yếu, bảo đảm phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống

Nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời các mặt hàng thiết yếu và nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân trong trường hợp phải thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công thương đã xây dựng phương án “Đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa thiết yếu và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 trong trường hợp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Nam”. Theo đó, các giải pháp đã được Sở Công thương triển khai hiệu quả, như: tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác chuẩn bị, dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân để tránh tình trạng người dân tích trữ hàng hóa; phối hợp với các cửa hàng kinh doanh trong khu vực bị phong tỏa để làm nơi trung chuyển hàng hóa cho người dân; khuyến khích các hoạt động phân phối hàng hóa thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà… 

Hiện nay, ngoài hệ thống chợ truyền thống, toàn tỉnh còn có 4 siêu thị kinh doanh hàng thiết yếu là: Vinmart, Lan Chi Đồng Văn, Lan Chi Lý Nhân, Xuân Lộc. Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi kinh doanh mặt hàng thiết yếu còn có 9 cửa hàng của Siêu thị Vinmart+, 17 cửa hàng bán nông sản sạch và hàng nghìn cửa hàng tạp hóa kinh doanh mặt hàng thiết yếu phủ khắp các xã, phường, thị trấn đang bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. 

Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thực hiện yêu cầu của Sở Công thương, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thường xuyên báo cáo về sở tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa mặt hàng thiết yếu, tình hình dự trữ, phương án vận chuyển các mặt hàng thiết yếu để ứng phó với dịch bệnh. Đồng thời, xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển để sẵn sàng điều tiết hàng hóa đến khu vực khi có yêu cầu của UBND tỉnh, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Một số đơn vị đã tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu của nhân dân; bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch cho nhân viên, người lao động, người dân tại các địa điểm cung ứng của đơn vị…

Ghi nhận tại cửa hàng của Siêu thị Vinmart+ trên Đường Lý Thường Kiệt, Phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) cho thấy, trong thời điểm TP Phủ Lý thực hiện giãn cách xã hội một phần, ở đây vẫn duy trì hoạt động bình thường, bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu, thực phẩm cho khách hàng. Đối với các loại thực phẩm tươi sống và rau, củ, cửa hàng nhập mới liên tục theo ngày để bảo đảm chất lượng. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong công tác phòng dịch, cửa hàng bán online và vận chuyển hàng hóa đến tận nhà cho khách hàng trên địa bàn Phường Lê Hồng Phong và các xã, phường lân cận. 

Chị Kiều Thị Quỳnh Duyên, Cửa hàng phó cửa hàng Vinmar+ cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, cửa hàng mở cửa hoạt động bình thường với lượng hàng hóa đa dạng, phong phú, bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngoài những mặt hàng thực phẩm, rau, củ quả truyền thống, thời gian này, cửa hàng còn tăng cường nhập bán các sản phẩm được người dân sử dụng nhiều trong “mùa” dịch, như: sả, rau tía tô, nước rửa tay sát khuẩn… 

Hà Nam đang bình tĩnh chống dịch, chủ động xây dựng kịch bản, giả định tình huống có thể xảy ra để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Vì thế, người dân không nên hoang mang, lo lắng mà tích trữ quá nhiều hàng hóa bởi mặc dù  trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, vận chuyển, nhưng các địa phương, doanh nghiệp, siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn luôn nỗ lực để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống. 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.