Bảo đảm năng lực tưới, tiêu nước của hệ thống thủy lợi

Trao đổi về việc nâng cao năng lực tưới, tiêu nước của hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh, ông Vũ Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN & PTNT) cho biết: Hệ thống thủy lợi được liên kết chặt chẽ giữa kênh nội đồng và các công trình đầu mối, kênh trục chính cấp I và II do các công ty khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) vận hành. Để bảo đảm năng lực phục vụ, các tuyến kênh nội đồng do các địa phương quản lý vận hành cần được định kỳ đào đắp, nạo vét, khơi thông dòng chảy… Nhiệm vụ này cần được tập trung thực hiện trong các đợt làm thủy lợi mùa khô.

Những năm qua, Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Nhân Thắng, xã Tiến Thắng (Lý Nhân), nơi có phần lớn diện tích đất sản xuất nằm trong vùng tạo nguồn của hệ thống kênh của các công ty thủy nông quản lý luôn quan tâm đến công tác làm thủy lợi nội đồng. Vào các đợt làm thủy lợi nội đồng, HTX tiến hành kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ năng lực các tuyến kênh tưới, tiêu trên địa bàn để lựa chọn đưa vào kế hoạch triển khai nạo vét các đoạn, tuyến bị bồi lắng, hẹp dòng chảy. Theo đó, mỗi năm HTX tổ chức nạo vét hơn 1.000m3 đất trên toàn hệ thống kênh mương.

Cụ thể, đợt làm thủy lợi mùa khô năm nay, HTXNN Nhân Thắng triển khai nạo vét 1.200m3 đất; tổ chức dọn cỏ, vớt bèo, rác ở toàn bộ 31 km kênh mương nội đồng…; hoàn thành kiên cố hóa hơn 2 km kênh trục chính nội đồng. Được biết, cách đây hơn 5 năm, thực hiện quy hoạch lại đồng ruộng theo chương trình xây dựng nông thôn mới, HTXNN Nhân Thắng đã đầu tư đào đắp bờ vùng, bờ thửa, xây dựng hoàn thiện hệ thống kênh nội đồng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất.

Ông Lê Hùng Thắng, Giám đốc HTXNN Nhân Thắng cho biết: Nằm ở cuối nguồn tưới, tiêu của hệ thống thủy lợi chính của nhà nước; đặc thù ruộng cao, thấp không đều nên địa phương luôn gặp khó khăn về tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất. Kênh mương nội đồng được đào đắp, nạo vét thường xuyên giúp bảo đảm nhiệm vụ tưới, tiêu nước, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Việc đào đắp, nạo vét kênh mương được các địa phương của huyện Lý Nhân thường xuyên quan tâm thực hiện bảo đảm nâng cao năng lực tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất. Ở những địa phương mở rộng cây trồng hàng hóa yêu cầu này càng được đòi hỏi cao hơn. Tại xã Đạo Lý, ngoài cấy lúa, người dân chuyển một phần diện tích đất cốt cao sang trồng cây màu cả vụ xuân, vụ hè thu và nhất là sản xuất vụ đông. Để phục vụ sản xuất, HTXNN Đạo Lý đã kiểm tra và thực hiện nạo vét những tuyến kênh bị bồi lắng, hẹp dòng chảy, giải tỏa vật cản, khơi thông dòng chảy ngay từ khi chuẩn bị bước vào vụ mới…

Bảo đảm năng lực tưới tiêu nước của hệ thống thủy lợi
Kiên cố hóa kênh nội đồng tại xã Hợp Lý (Lý Nhân). Ảnh: Kim Chi

Trao đổi về việc làm thủy lợi nội đồng trên địa bàn huyện, bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Lý Nhân cho biết: Các địa phương, HTXNN chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện nạo vét kênh mương phù hợp với thực tế và nhu cầu sản xuất. Phòng NN & PTNT tham mưu với UBND huyện chỉ đạo tổ chức nạo vét kênh mương đúng yêu cầu, bảo đảm thông thoáng, tạo sự đồng bộ với các hệ thống tưới, tiêu chính của nhà nước trong quá trình phục vụ.

Với huyện Kim Bảng, nhiều năm qua các địa phương vẫn duy trì việc ra quân làm thủy lợi nội đồng trong mùa khô. Các địa phương sau khi xây dựng kế hoạch nạo vét kênh mương đều được cơ quan chuyên môn kiểm tra trình UBND huyện phê duyệt. Hệ thống kênh mương được nạo vét đồng bộ, không có tình trạng kênh mương thời gian dài phục vụ bị bồi lắng ảnh hưởng đến tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất.  Trong đợt làm thủy lợi nội đồng mùa khô năm nay, toàn huyện có kế hoạch đào đắp, nạo vét kênh cấp III và bờ vùng với khối lượng hơn 40.000m3, sửa chữa 70 cống, đập, xi phông. Đồng thời, giải tỏa bèo, cỏ, rác tại 60.573m kênh mương nội đồng…

Đánh giá về việc nạo vét kênh mương trên địa bàn, bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng NN & PTNT Kim Bảng cho biết: Sản xuất trên đồng ruộng của huyện đang được triển khai 3 vụ trong năm với nhiều loại cây hàng hóa giá trị cao đòi hỏi khắt khe về điều tiết nước. Ngoài bảo đảm tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hệ thống kênh mương còn đảm nhiệm tiêu úng cho các khu công nghiệp, đô thị. Do vậy, việc nạo vét kênh mương được chú trọng thực hiện tốt, nhất là đối với những tuyến kênh nội đồng do địa phương quản lý.

Để nâng cao năng lực tưới, tiêu nước của hệ thống công trình thủy lợi, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống dân sinh, hằng năm việc nạo vét kênh mương trên địa bàn toàn tỉnh được quan tâm triển khai thực hiện. Trong đợt làm thủy lợi mùa khô năm nay, các địa phương trong tỉnh có kế hoạch nạo vét kênh cấp III và bờ vùng, với tổng khối lượng 429.860m3 đất và hoàn thành chậm nhất trước 31/12/2022 để kịp thời lấy nước phục vụ sản xuất vụ lúa xuân 2023. Một số địa phương đã huy động được nguồn vốn kiên cố hóa các tuyến kênh chính nội đồng…

Thực tế cho thấy, những năm qua các công trình đầu mối (trạm bơm, kênh dẫn chính…) đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới bảo đảm tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, với hệ thống thủy lợi nội đồng vẫn còn một số hạn chế, như: Nhiều tuyến kênh, nhất là kênh tiêu lâu ngày chưa được nạo vét; một số cống, đập, xi phông cũ, xuống cấp, có nơi trở thành điểm “thắt cổ chai” cản trở, thu hẹp dòng chảy… Do vậy, đã xảy ra tình trạng khi gặp mưa lớn nước trên hệ thống không về kịp các trạm bơm phải cắt giảm công suất bơm trong khi lúa và cây trồng trên đồng vẫn bị ngập úng. Nạo vét kênh mương nội đồng chính là biện pháp bảo đảm, nâng cao năng lực tưới, tiêu nước của hệ thống kênh mương, đáp ứng yêu cầu phục vụ nước cho sản xuất nông nghiệp.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.